Kết nối: "sống còn" của doanh nghiệp bán lẻ

(VOH) - Việc các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cùng làn sóng doanh nghiệp (DN) nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh khốc liệt, trong đó có lĩnh vực bán lẻ.

Thách thức từ những "gã khổng lồ"

DN nước ngoài "xâm nhập" vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam bằng việc mua lại các thương hiệu lớn. 

Central Group “thâu tóm” BigC, mua lại 49% cổ phần tại Nguyễn Kim và mua lại trang bán hàng điện tử Zalora VN; Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc Lotte Mart đặt kế hoạch tới năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD; Tập đoàn C.P Group nắm giữ gần 40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị tại Việt Nam cũng đang mở rộng thêm nhiều siêu thị, trung tâm thương mại…

Doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ thị phần lớn kênh phân phối bán lẻ tại Việt Nam cả về số lượng lẫn doanh thu.

Saigon Co.op, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Ảnh: TNMT

Trước tình hình này, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch hiệp hội các nhà bán lẻ VN giải thích: "Bởi DN Việt chưa có tiềm năng mạnh tài chính, bề dày kinh nghiệm còn khá ít. Các đại gia bán lẻ nước ngoài mạnh về mạng lưới và kinh nghiệm trên thương trường".

Thực tế này đòi hỏi không chỉ sự tự vươn lên của doanh nghiệp mà phải có sự kết nối giữa các DN, trong đó có ngành hàng bán lẻ. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM thì sự kết nối này giữa các DN bán lẻ Việt vẫn yếu và ít DN tham gia:

"Các nước, trong quá trình phát triển, tự thân họ kết nối và sàng lọc, phân khúc rất rõ. Còn lại đại gia đủ mạnh, có vai trò dẫn dắt, có thể mua ngược lại những đại gia nước ngoài.

Trong khi ở VN, DN như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dường như, DN Việt chưa thấy rõ kết nối là yêu cầu sống còn. Họ vẫn suy nghĩ trên kế hoạch của mình chứ chưa tìm cách kết nối để giảm chi phí.

Ví dụ, hiện nay chi phí logistic rất cao nhưng tự mỗi DN làm thì sản lượng không nhiều. Khi kết nối cùng chia sẻ hạ tầng logistic thì chi phí sẽ giảm".

Câu chuyện bó đũa

Thấy được tầm quan trọng của kết nối, ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing hệ thống Trung tâm - Siêu thị điện máy và nội thất Thiên Hòa cho biết: "Đây là một xu hướng tất yếu của DN toàn cầu, có nghĩa là hợp tác khai thác lợi thế cạnh tranh. Trong dài hạn, chúng tôi sẽ quan tâm đến vấn đề này".

Saigon Co.op, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là một đơn vị sớm kết nối DN. Ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng giám đốc Saigon Co.op nói: "Định kỳ tháng 9, chúng tôi tổ chức chương trình Người tiêu dùng và Hàng VN chất lượng cao, sau đó chuyển thành chương trình Tự hào hàng Việt với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất hàng Việt và được người tiêu dùng hưởng ứng.

Qua tiếp xúc trực tiếp người tiêu dùng, chúng tôi phản hồi với nhà sản xuất để họ điều chỉnh hàng hóa. Đối với đơn vị bán lẻ mà chúng tôi liên kết thì kết hợp tìm kiếm dịch vụ thực hiện chung: logistic, hạ tầng….Đặc biệt, chúng tôi liên kết với các HTX nông nghiệp, hộ nông dân để sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh, từ đó có nguồn cung ứng dồi dào cho hệ thống".

Sự kiện vào đầu tháng 6 cho thấy tín hiệu tích cực là Tập đoàn Vingroup ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 doanh nghiệp Việt tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Các doanh nghiệp ký kết thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi đến từ 18 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.

Hệ thống siêu thị VinMart. Ảnh: kinhdoanhnet

Bắt tay thì phải "chặt"

"Để kết nối chặt chẽ với nhau thì mục tiêu và lợi ích phải rõ ràng; các thành viên đều đạt được lợi ích tốt hơn khi không kết nối. Thứ hai phải có một tổ chức đứng ra gắn kết các thành viên, ví dụ như vai trò các Hiệp hội. Thứ ba là phải có chính sách để thúc đẩy kết nối"- phân tích của ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng giám đốc Saigon Co.op.

Phía Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN có thể kết nối tốt với nhau, chẳng hạn như về logistic... Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: "Nhà nước rất khuyến khích những hình thức này. Nếu DN ngồi lại với nhau bàn bạc và thấy cần phải phát triển trung tâm logistic lớn thì có thể kiến nghị Nhà nước. Nhà nước sẽ tạo điều kiện, giới thiệu địa điểm để các DN đầu tư hoặc hỗ trợ về công nghệ, phầm mềm trong quản trị, vốn vay... để nâng cấp hệ thống logistic".

Như vậy, vấn đề hiện nay đó là bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, các DN bán lẻ Việt phải thấy được tầm quan trọng của việc kết nối từ đó điều chỉnh về chiến lược kinh doanh phù hợp. Nếu không, họ sẽ chào thua ngay trên sân nhà và tất nhiên là mất đi một phần đáng kể của "miếng bánh" thị trường bán lẻ Việt Nam.