Ngành ngân hàng trước áp lực hội nhập

(VOH) - Trong giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng có nhiều nỗ lực tái cơ cấu. Ở giai đoạn 2016-2020, các tổ chức tín dụng đang hướng tới mục tiêu không chỉ hoàn thiện tái cơ cấu mà phải phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Cạnh tranh khốc liệt hơn

Việt Nam hiện tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, đứng thứ 5/10 nước thành viên ASEAN về số lượng FTA. Xét về độ “mở” của nền kinh tế tính bằng tỷ lệ kim ngạch ngoại thương/GDP, Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN. Bối cảnh này yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị đón đầu hội nhập.

Đối với cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hội nhập tài chính ngân hàng diễn ra trên 4 phương diện: dịch vụ tài chính; tài khoản vốn; thị trường vốn chủ yếu là chứng khoán và trái phiếu; hạ tầng thanh toán và công nghệ thông tin. Dự kiến, cuối năm 2015, các nước Asean cơ bản “chuẩn hóa” các điều kiện tham gia hội nhập. Đến năm 2020, tự do hóa gần như hoàn toàn, có nghĩa là chúng ta phải “mở” cả tài khoản vốn và dịch vụ tài chính ngân hàng.

Theo lộ trình này, Việt Nam phải mở cửa ít nhất là 70% trong khi hiện nay chúng ta mới mở hơn 30%. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng so sánh: "So với hội nhập về thương mại thì hội nhập tài chính ngân hàng đang chậm do nhiều vấn đề phức tạp. Ví dụ, hiện ở Singapore, các ngân hàng đang áp dụng Basel 3, chúng ta mới áp dụng Basel 2 và đến 2018 mới kết thúc".

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.

Riêng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có hai vấn đề quan trọng đối với mở cửa tài chính ngân hàng. Một là được phép cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng qua biên giới mà không cần sự có mặt của ngân hàng. Nghĩa là, các ngân hàng Mỹ cung cấp dịch vụ thẻ, chuyển tiền cho bất kỳ công dân Việt Nam nào mà không nhất thiết phải mở chi nhánh tại Việt Nam. Thứ hai, không phân biệt quốc tịch đối với nhân sự cấp cao. Như vậy, câu chuyện về cạnh tranh thị trường, chất xám, nguồn nhân lực chắc chắn sẽ khốc liệt hơn.

Ảnh minh họa - Nguồn: VNE.

Áp lực đổi mới hội nhập

Không thể phủ nhận hệ thống ngân hàng Việt Nam có nhiều tiến bộ với khoảng 83 sản phẩm bán lẻ, 97 sản phẩm bán buôn. Tuy nhiên, so với ngân hàng khu vực thì sản phẩm công nghệ cao của họ phát triển hơn.  “Chúng ta có ngân hàng này mạnh về công nghệ, ngân hàng kia có tiềm lực tài chính nhưng cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng nước ngoài là điều không dễ dàng gì !” Ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc khối bán lẻ ngân hàng Vietcombank thừa nhận. 

Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam mất cân đối, 75% là hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu còn nhỏ bé. Theo các chuyên gia, mức sinh lời của các ngân hàng thương mại còn thấp, quy mô vốn nhỏ và hệ số an toàn vốn chưa cao. Năng lực quản trị còn hạn chế cũng là tín hiệu cảnh báo khi hội nhập có thể làm tăng bất ổn cho thị trường, hệ thống tài chính.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành ngân hàng cần những biện pháp chiến lược và mang tính đột phá, dựa trên các yếu tố cơ bản : môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng; công nghệ thông tin hiện đại, hợp thời; hội nhập và liên kết sâu rộng.

Nhà nước cần xây dựng 1- 2 ngân hàng thương mại có tầm cỡ khu vực, làm trụ cột tăng sức cạnh tranh cho toàn hệ thống. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho rằng: "Bây giờ rất nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng trong khu vực mở chi nhánh tại Việt Nam và tiếp cận khách hàng tại Việt Nam. Họ ưu thế hơn vì có kinh nghiệm, triển khai trong thị trường rất khác biệt so với Việt Nam, sản phẩm đa dạng, công nghệ áp dụng từ các ngân hàng mẹ. Đây là khoảng cách mà hầu hết ngân hàng Việt Nam buộc phải đầu tư để làm sao thu hẹp được khoảng cách và giữ được vị trí tại sân nhà".