Niềm tin và nội lực

(VOH) - Năm 2015 gần kết thúc trong sự chờ đợi của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Cơ hội và thách thức là ngang nhau trong thị trường hơn 600 triệu dân, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 40 tỉ đô la.

Niềm tin tương lai..

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình hình thành liên minh kinh tế cho 10 nước thành viên và hơn thế nữa là việc sẵn sàng hòa nhập toàn diện của kinh tế khu vực Đông Nam Á trong xu thế toàn cầu hóa.

Sự cam kết đầy hứa hẹn giữa các quốc gia cho thấy một cộng đồng ASEAN phồn thịnh trong tương lai, dựa trên nền tảng ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

Như những cam kết giữa các thành viên ASEAN, đây là một thị trường tâm điểm của châu Á với mậu dịch tự do từ lưu chuyển hàng hóa, nguồn vốn, lao động... cho đến dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan...

Như vậy, lộ trình hội nhập bước đầu mở ra một chương mới cho kinh tế VN, trước mắt là AEC và tiếp theo là hàng loạt hiệp định thương mại khác, trong đó có hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP...

Những nỗ lực đàm phán hàng thập kỷ qua của Chính phủ nhằm đưa kinh tế hòa nhập thị trường chung của khu vực và thế giới, đã nâng vị thế của quốc gia lên tầm cao, là niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Ảnh minh họa – Nguồn: DNVN.

… không thể dựa trên nội lực yếu

Khách quan nhìn nhận, nội lực chúng ta chưa đủ mạnh để “tự chủ” trong thị trường đầy hứa hẹn nhưng nhiều rủi ro, bất trắc.

Thấy rõ nhất điều này trong 10 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường ASEAN tuy tăng mạnh nhưng chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar.

Nỗ lực của doanh nghiệp Việt là tăng cường xuất khẩu hàng chủ lực (dệt may, nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ và lao động)...nhưng vẫn đi sau Thái Lan, Singapore, Indonesia...Chúng ta có lợi thế thì các nền kinh tế phát triển cũng có lợi thế, hơn nữa, họ đi trước nhiều năm và chiếm nhiều thị phần hơn.

Nguồn nhân lực, ở khía cạnh nào đó có thể xem Việt Nam hiện dư thừa lao động nhưng đây chưa hẳn là lợi thế. Bởi, so về kĩ năng, khả năng làm chủ công nghệ, thái độ lao động, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ... thì lao động VN chưa sẵn sàng đáp ứng và phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại.

Trong khi đó, 8 ngành nghề có lao động tự do dịch chuyển theo thỏa thuận trong AEC được xem là nhóm nghề “đẳng cấp”. Không chừng doanh nghiệp Việt sẽ bị chảy máu chất xám vì chênh lệch thu nhập giữa các nước thành viên. Trong một đánh giá về nguồn lực lao động do Ngân hàng thế giới đưa ra để xếp hạng ở 12 quốc gia châu Á thì lao động nước ta chỉ đạt 3,79 điểm, xếp hạng 11/12. Rất đáng lo !

Chúng ta phải làm gì ? 

Một doanh nghiệp dệt - may tại VIệt Nam (ảnh minh họa: LĐO)

Dẫu biết gia nhập AEC là quá trình mang tính giai đoạn nhưng tư thế chuẩn bị của doanh nghiệp Việt là quá chậm. Phần lớn doanh nghiệp còn xem đây là sân chơi quá mới và “cứ hội nhập rồi hẵng hay” !

Dù là thị trường tự do nhưng nó có quy luật riêng. Sự thờ ơ và thụ động sẽ phải trả giá đắt mà trong đó nguy hiểm nhất là khả năng tụt hậu ngày càng xa.

Các nhà hoạch định chiến lược đưa ra những khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt : nên liên kết, nắm bắt thông tin, nhạy bén với thị trường, sát cánh cùng Chính phủ để được hỗ trợ, hiểu rõ cơ sở pháp lí nhằm giải quyết tranh chấp...

Điều quan trọng là đừng để mất khả năng cạnh tranh, tự biến mình thành thị trường tiêu thụ cho các nước. Việt Nam phải trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa đạt chất lượng cao, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, kiến tạo sản phẩm Việt đủ chuẩn xuất khẩu sang các thị trường.

Lộ trình gia nhập AEC không thể chần chừ. Hành trang mà doanh nghiệp Việt mang theo không chỉ là niềm tin, mà rất cần phải phát huy nội lực để đủ mạnh vượt lên trên con đường đầy cam go và thử thách.