Nông nghiệp thành phố một năm tăng trưởng ổn định

(VOH) - Tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trong cơ cấu GDP của TPHCM chỉ chiếm 1,2% nhưng giá trị sản xuất vẫn luôn giữ mức tăng trên 6% từ năm 2011 cho đến nay và năm 2012 ước đạt gần 3.800 tỷ đồng. Điểm khác biệt lớn giữa sản xuất nông nghiệp của thành phố và các tỉnh thành khác trên cả nước là sự tinh gọn, đầu tư có trọng tâm được hình thành trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, diện tích đất lúa liên tục thu hẹp, phát triển ngành sinh vật cảnh, chuyển đổi ngành chăn nuôi với việc tập trung vào gia súc cùng một số vật nuôi có giá trị khác gồm chim yến và cá sấu. Điều này giúp thành phố loại bỏ mối lo ngại dịch cúm gia cầm và chỉ cần tập trung vào việc kiểm soát nguồn thực phẩm. Ngoài ra, ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố cho biết trọng tâm nông nghiệp thành phố hướng đến còn là cây con giống: "Về lĩnh vực sản xuất heo giống, hiện nay đàn heo giống khoảng 54.000 con, một năm cung cấp cho khu vực và cả nước 1 triệu con heo giống. Liên quan đến hoa giống, TPHCM một năm sản xuất 10.000 tấn giống phục vụ cho 1 triệu hecta".

Từ cơ sở này, thành phố hiện có đàn bò sữa lớn nhất cả nước với trên 90.000 con, vượt chỉ tiêu 75.000 con theo quy hoạch nông nghiệp thành phố đến năm 2020. Số lượng cá cảnh đã vượt 66 triệu con, đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất bên cạnh tỉ lệ tăng bình quân 5% của hoa cây kiểng. Tình hình hỗ trợ vốn vay theo quyết định 36 tính riêng trong năm 2012 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2011 với hơn 4.400 hộ vay vốn, giúp nâng tổng nguồn vốn cho vay từ đầu chương trình đến nay vượt mốc 2.200 tỷ đồng. Anh Huỳnh Chí Công - một nông dân chăn nuôi ở Phước Vĩnh An - huyện Củ Chi làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn vay tâm sự:"

Mình thành đạt đến hôm nay, chỉ ước mơ hướng đến bà con, thanh niên lập nghiệp. Chủ yếu mình phát triển phong trào Nông thôn mới ở Phước Vĩnh An nói riêng, cũng như Củ Chi nói chung những ngành nghề chăn nuôi có hiệu quả".


Vườn trồng Lan của bà con xã Tân Thông Hội - Củ Chi - Ảnh: SGGP

Năm 2012 vừa qua cũng đã ghi nhận 2 xã đầu tiên hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới là Tân Thông Hội và Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Bên cạnh đó, khả năng kết nối giữa từng địa bàn cũng trở nên linh hoạt từ nhiều chương trình triển khai từ cấp thành phố cho xây dựng nông thôn mới với tổng vốn gần 700 tỉ đồng. Cụ thể như hoạt động chuyển giao quy trình sử dụng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật thí điểm tại 17 xã đã kết thúc thành công và tiếp tục triển khai đến các xã còn lại trên địa bàn thành phố. Chương trình cũng giúp nâng cao ý thức về an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp của bà con. Ông Trần Văn Hợt - nông dân ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn nói: "Phải nói thật sự đã được nhà nước đầu tư thì nông dân đã dần dần quen ý thức: rác sinh hoạt khác, rác bảo vệ thực vật khác vì vậy nên tách ra, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường".

Ngoài ra không thể không nhắc đến hoạt động văn hóa thể thao tại khu vực nông thôn ngoại thành diễn ra sôi nổi trong năm qua. Dù không liên quan trực tiếp đến sản xuất nhưng điều này mang lại hiệu ứng tích cực, giúp đời sống tinh thần của bà con trở nên phong phú hơn và tái tạo khả năng lao động, sản xuất hiệu quả. Tuy vậy, để tránh những hoạt động văn hóa diễn ra “qua loa”, “cho có lệ” nhằm chạy theo thành tích, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch thành phố, nhấn mạnh: "Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật để thu hút người dân tham gia với tư cách người sáng tạo và hưởng thụ các giá trị đó. Tức là làm sao người dân tham gia hoạt động nghệ thuật, đó là của người ta chứ không phải đưa đoàn nghệ thuật xuống biểu diễn là xong".

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng ổn định, sản xuất nông nghiệp thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, tư tưởng nhiều bà con vẫn còn “e dè, nghi ngại” với chủ trương chuyển đổi. Cụ thể như Tổ cây ăn trái Trung An, huyện Củ Chi được thành lập và đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay chỉ mới thu hút 50 thành viên với diện tích khoảng 40 hecta. Tổ phó Dương Minh Toản cho biết: "

Hiện tại xã Trung An có trên 500 hecta cây ăn trái nhưng tổ chỉ có 50 hộ thôi. Người dân ở ngoài người ta còn thăm dò, xem chừng để coi có hiệu quả mới gia nhập".

Hạn chế được dịch bệnh từ quá trình trực tiếp sản xuất nhưng do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm quá lớn, ngành nông nghiệp thành phố luôn đối mặt với thách thức quản lý hiệu quả nguồn thực phẩm nhập về thành phố. Nhiều vụ việc xảy ra trong năm 2012 đưa ra lời cảnh báo: mọi việc có thể khó lường hơn trong năm 2013. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các ban ngành chức năng để ứng phó hiệu quả trước thực trạng thực phẩm không an toàn ngày càng trà trộn nhiều hơn trên thị trường. Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, cho biết: "Làm sao chúng ta hình thành một trung tâm thu mua phân phối hàng về cho TPHCM. Có những đầu mối đa dạng sản phẩm, giá cả tốt. Chúng tôi sẽ tiến hành 3 công ty chợ đầu mối kết hợp với doanh nghiệp tiếp cận ngành hàng, tiểu thương. Về phía thành phố sẽ tiếp tục bàn có những phương án hỗ trợ tốt nhất". Thực tế cho thấy năm 2012 vừa qua là năm không hề dễ dàng cho ngành nông nghiệp - nông thôn thành phố nên duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định là thành công rất lớn. Ở góc độ quản lý cấp thành phố, ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND thành phố đề ra hướng đi cụ thể và phác thảo sơ nét về “bức tranh nông nghiệp” và thành phố sắp tới: "Phải làm sao những mô hình sản xuất, ứng dụng phải lan tỏa vào xã hội đời sống, làm sao cho nông dân cảm thấy thiết thân, hiệu quả để ứng dụng. Thì trước hết phải xem coi, rồi phải tiếp cận để xem cái nào phù hợp. Thế thì bức tranh nông nghiệp thành phố phải là giống, phải là bảo quản, chế biến". Một điều rõ ràng là trong tương lai, tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trong cơ cấu GDP của thành phố sẽ không tăng và có thể tiếp tục giảm, trước sự “bành trướng” từ lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ. Nhưng với tiềm năng và định hướng rõ ràng, nông nghiệp - nông thôn thành phố vẫn sẽ có bước tiến vững chắc, cũng như đảm bảo duy trì sự ổn cho quá trình phát triển đi lên.