Đăng nhập

Phần 2: Tập trung chống hạn, mặn, thích ứng biến đổi khí hậu

(VOH) - Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn và minh chứng là hạn hán, xâm nhập mặn sâu nội đồng đã gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Theo báo cáo nhanh, xâm nhập mặn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng gần 700.000 hécta trong tổng số 1,7 triệu hécta đất nông nghiệp của cả vùng. Theo các nhà nghiên cứu về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay thì giải pháp quan trọng nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi với những khó khăn do thời tiết gây ra.

Trong đó, những giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho bà con nông dân vào thời điểm này là giải pháp thiết thực để hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa.

img thumbXem toàn màn hình

Hạn mặn gây thiệt hại lớn. Ảnh minh họa: Dantri

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Điểm đáng chú ý là giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo trong bối cảnh đối diện nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và thị trường nông sản ngày càng hội nhập sâu rộng, vựa lúa ĐBSCL phải giải quyết được các hạn chế còn tồn tại hiện nay là: tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận còn thấp, chi phí sản xuất cao do bà con còn lạm dụng sử dụng giống gieo sạ, phân, thuốc trừ sâu, kéo theo thu nhập của người trồng lúa chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Với thực trạng hiện nay, một lần nữa cảnh báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng, đạt mức kỷ lục trong 100 năm qua tại ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, các địa phương phải căn cứ vào nguồn nước ngọt và diễn biến của xu hướng xâm nhập mặn để bố trí mùa vụ cho từng cánh đồng cụ thể để đối phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn hiện nay.

“Đối với vùng ĐBSCL, các cơ quan liên quan tăng cường công tác dự báo mặn, bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý chống hạn mặn. Các vùng chưa có hệ thống thủy lợi khép kín thì đắp các đập  tạm trữ nước ngọt và ngăn mặn. Tiếp theo cần tăng cường nạo vét hệ thống kênh mương để trữ ngọt và dẫn nước. Tăng cường trạm bơm cải tiến; truyền thông về xâm nhập mặn và các biện pháp kịp thời.” - ông Nguyễn Văn Tĩnh nói.

Không xuống giống lúa xuân hè

Theo khuyến cáo của Cục trồng Trọt, vụ Hè Thu 2016 tới đây, dự kiến ĐBSCL sẽ xuống giống trên 1,6 triệu hécta lúa. Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân không xuống giống lúa xuân hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu vào mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng đợt xâm nhập mặn lần này ở ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng với ba đặc điểm là sớm, xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài ngày; có những nơi chưa từng bị xâm nhập mặn như Vĩnh Long thì nay đã bị mặn tấn công. Lo ngại nhất, không chỉ vụ Đông Xuân hiện tại mà cả vụ Hè Thu tới cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan, các tỉnh ĐBSCL phải quyết liệt vào cuộc.

Phòng chống hạn, mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu

Chỉ đạo tại hội nghị phòng chống hạn, mặn cho vùng ĐBSCL được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL rất nghiêm trọng và hậu quả của nó rất lớn, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Do đó, các bộ ngành Trung ương, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xem công tác phòng chống hạn mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp và huy động sức mạnh tổng lực để phòng chống hạn, mặn; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về hạn, mặn năm nay để cùng vào cuộc.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của xâm nhập và hạn hán, bằng mọi cách chúng ta phải đảm bảo nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, không để dân thiếu nước uống, thiếu ăn và có biện pháp đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra.

Việc phòng chống thiên tai cần làm ngay, kịp thời và cần theo dõi chặt diễn biến thời tiết, hạn mặn… để thông tin kịp thời cho từng địa phương và người dân chủ động ứng phó.

Chính phủ cần thiết ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh ĐBSCL chống hạn, mặn, giải quyết nguồn nước cho nhân dân. Về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp phòng chống hạn mặn căn cơ và bền cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tiến trình biến đổi khí hậu rõ nét hiện nay.

Bình luận