Tìm đâu đầu ra cho sản xuất muối trong nước?

(VOH) - Năm 2016, do nắng nóng nên sản xuất muối ở hầu hết các địa phương đều được mùa về sản lượng. Tuy nhiên, giá muối lại thấp, tiêu thụ kém nên lượng muối còn tồn đọng khá lớn, khoảng hơn 850.000 tấn. Trong đó, muối tồn ở trong dân khoảng 50%, còn lại là ở kho doanh nghiệp.

Người dân xã Lý Sơn - huyện Cần Giờ thu hoạch muối (Ảnh: K.Huân)

Lại “được mùa mất giá”

Ở hầu hết các tỉnh ven biển, nơi có điều kiện thích hợp, nông dân đều sản xuất muối với diện tích ít hoặc nhiều. Trong những nằm gần đây, phương thức sản xuất muối sạch, muối trải bạt đã được nông dân ở các địa phương áp dụng, nhưng với diện tích chưa nhiều.

Trước đây, tùy từng vùng, giá muối trải bạt khoảng từ 1.500 đồng đến 1.600 đồng/kg, muối thường từ 700 đồng đến 800 đồng/kg. Hiện nay, giá muối ở mức 300 đồng - 400 đồng/kg, còn muối trải bạt cũng không khá hơn, chỉ khoảng 700 đồng/kg, có thời điểm giá còn thấp hơn.

Chính vì giá muối giảm, nông dân khó có lợi nhuận nên chưa bán hoặc một số nơi không có thương lái đến mua.

Theo các hộ sản xuất muối, với diện tích 2 ha, hằng năm cho thu hoạch khoảng 7.000 giạ muối, với giá 30.000 đến 35.000 đồng/giạ, sau trừ chi phí sẽ lãi khoảng 170 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ muối năm 2016, với giá thấp như hiện tại, ước tính mức lãi chỉ còn khoảng 50 triệu đồng. Như vậy, lãi bình quân 25 triệu đồng/ha là quá thấp.

Trước khó khăn này, Chính phủ đã giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) làm đầu mối thu mua tạm trữ muối trong dân.

“Hiện đã mua khoảng 200.000 tấn của diêm dân để điều tiết, đảm bảo giá muối phù hợp cho diêm dân”, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối nói.

Những địa phương có diện tích muối và sản lượng muối hàng hóa lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu... cũng chính là những địa phương đang còn tồn muối với lượng lớn. Cụ thể như Ninh Thuận tồn khoảng 100.000 tấn, Khánh Hòa 40.000 tấn...

Ông Nguyễn Hoàng Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện tại, Bạc Liêu tồn khoảng 150.000 tấn, giá bán muối thấp từ 300 đến 500 đồng/kg. Trước mắt, địa phương hỗ trợ khoảng hơn 300 triệu đồng để dân làm kho trữ muối, chờ giá lên.

Tại những địa phương có diện tích sản xuất muối ít, lượng muối tồn kho cũng đáng kể. Theo ngành nông nghiệp TPHCM, nơi có diện tích sản xuất muối hơn 1.600 ha; trong đó, diện tích sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt chiếm hơn 75%.

Sản lượng muối 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt hơn 125.000 tấn, trong đó, mới tiêu thụ hơn 30.000 tấn. Năm 2015 lượng muối tồn hơn 10.000 tấn đã được TP giải quyết thu mua với giá hỗ trợ. Nhưng với lượng muối tồn hàng chục ngàn tấn của năm 2016, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chánh Văn phòng HĐND TPHCM, Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết, huyện đang chờ chính sách hỗ trợ tiêu thụ muối của năm 2016.

Cần tái cơ cấu để “cứu” diêm dân

Trước tình tình sản xuất, tiêu thụ muối khó khăn, nghề muối đang được ngành nông nghiệp định hướng, quy hoạch, tái cơ cấu để sản xuất, tiêu thụ bền vững hơn.

Theo dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối cân đối cung cầu muối, dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ muối hàng năm và 5 năm trong cả nước với mục tiêu khi thị trường muối có biến động, nhà nước thực hiện các biện pháp điều tiết cung cầu, xuất khẩu, nhập khẩu, dự trữ, tạm trữ muối hoặc những biện pháp khác theo Luật giá để bình ổn thị trường muối.

Còn về tái cơ cấu nghề muối ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho hay: “Trước tiên, cần quy hoạch phù hợp để tăng giá trị muối. Những nơi nào phù hợp làm muối thì quy hoạch lại. Thứ hai, lên chương trình làm muối tăng lượng muối công nghiệp, muối chất lượng cao. Ví dụ như tại Quán Thẻ ở Ninh Thuận, diêm dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tăng giá trị gia tăng cho nghề muối công nghiệp. Bởi hiện ngành công thương đang phải nhập muối công nghiệp của nước ngoài để đảm bảo chất lượng muối”.

Ông Nguyễn Hoàng Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu thì cho biết: “Muối Bạc Liêu khá tốt nhưng tiêu thụ chậm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ giảm diện tích muối để chuyển qua nuôi trồng thủy sản, giảm bớt áp lực cho người nông dân.

Riêng tỉnh Bình Định, diện tích sản xuất muối khá ít, khoảng trên 200 ha, chủ yếu ở 3 huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Tuy Phước. Một trong những giải pháp quan trọng đang được địa phương thực hiện là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ dân để sản xuất muối sạch, chất lượng.

“Tỉnh sẽ đầu tư làm muối sạch. Nếu làm được, người dân sẽ tăng thêm thu nhập. Một doanh nghiệp dược và trang thiết bị y tế đang xây dựng một nhà máy chế biến muối, xây dựng mô hình làm muối sạch khoảng 200 ha. Nếu thành công, nhân rộng mô hình thì rất tốt”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định chia sẻ.

Hiện cả nước có 21 tỉnh, thành phố, gồm 41 huyện, gần 120 xã, với hơn 32.000 hộ dân sản xuất muối trên tổng diện tích hơn 14.800 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích sản xuất muối khoảng 14.500 ha, sản lượng muối dự kiến đạt 2 triệu tấn.

Với sản lượng muối tăng, tất nhiên phải giải quyết bài toán sản xuất và tiêu thụ muối hài hòa, bền vững. Việc hỗ trợ thu mua tạm trữ muối tồn khi tiêu thụ khó khăn, kêu gọi các doanh nghiệp hóa chất ưu tiên sử dụng muối nội địa... chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt.

Về lâu dài, cần thúc đẩy các giải pháp quy hoạch, tái cơ cấu ngành muối theo hướng sản xuất công nghệ cao, muối chất lượng cao... nhằm đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp, y tế và có thể nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm muối xuất khẩu trên thị trường.