Xây dựng thương hiệu nông sản sạch, lúa gạo

(VOH) - Hội thảo “Xây dựng thương hiệu nông sản sạch – thương hiệu lúa gạo” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức diễn ra ngày 28/4 tại TPHCM.

Các chuyên gia và doanh nghiệp trình bày quan điểm xoay quanh chủ đề: Hiểu thế nào cho đúng về nông nghiệp hữu cơ? Việt Nam thực sự có thể chuyển đổi sang nền nông nghiệp sạch, hữu cơ hay không? Vai trò của truyền thông và người tiêu dùng ra sao...

Các chuyên gia tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu nông sản sạch – thương hiệu lúa gạo”

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, có nhiều công ty muốn xác định vùng và nhóm sản xuất lúa vì Trung Quốc hiện cũng là thị trường khó tính nên phải có thương hiệu.

Thị trường đang cần giống lạ, ngon cơm, quy trình sản xuất phải an toàn. Không ngon bằng Thái Lan, Campuchia nhưng phải thơm, dài, trắng trong, phải ngắn ngày, có thể hơn 3,5 tháng, năng suất khoảng 5 tấn/ha.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: "Thương hiệu không phải là logo mà là biểu tượng từ ông giám đốc đến nhân viên, thậm chí anh lái xe phải tôn trọng”.

Chuyên gia xây dựng thương hiệu Trần Anh Tuấn cho biết, giá xuất khẩu gạo đang giảm so với Ấn Độ, Thái Lan. Đây là dấu hiệu cạnh tranh khá nguy hiểm.

Gạo xuất khẩu chỉ ở mức trung bình thấp hơn thế giới. Trước đây, xuất khẩu vị trí thứ 2, giờ là thứ 3 và một lần nữa gạo Việt Nam chọn thị trường giá thấp để phục vụ như Châu Á, Châu Phi, còn thị trường phát triển như Mỹ, Canada thì tỷ trọng rất thấp.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho biết:”Thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới là thương hiệu chưa được thừa nhận, mặc dù chúng ta là một đất nước nông nghiệp. Chúng ta đang tập trung chạy về số lượng hơn chất lượng, chính vì chúng ta chỉ tập trung phân khúc cấp thấp.

Thị trường chúng ta lớn, hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài nhưng thông tin nhà cung cấp không rõ ràng vì vậy dẫn đến một thị trường không minh bạch. Hiện nay chủ yếu cạnh tranh bằng giá. Cạnh tranh thiếu định hướng đang giúp gạo ngoại thâm nhập thị trường nhiều hơn”.

Về nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Vinamit khẳng định đây là xu hướng mang lại 1 cơ hội cạnh tranh rất tốt cho nhà đầu tư, sản xuất canh tác.. Nếu tất cả doanh nghiệp có tiêu chuẩn organic (nông nghiệp hữu cơ) được chứng nhận bởi Mỹ và Âu Châu thì cơ hội bước vào hệ thống siêu thị trên toàn cầu là 80%, còn lại nếu không có, thì cho dù cơ hội 1% thì doanh nghiệp không có”.

Theo chuyên gia và doanh nghiệp, chỉ khi nào Nhà nước chủ động định hướng, dẫn dắt phát triển bền vững dựa vào thương hiệu, các hiệp hội và doanh nghiệp cùng đồng hành, hòa nhịp cùng người tiêu dùng, thì thương hiệu gạo Việt mới có khả năng cất cánh vươn cao hơn trong suốt chuỗi giá trị sản phẩm gạo./.