Nước tăng lực là thức uống giải khát chứa chất cafein (chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương làm cho tỉnh táo). Tuy nhiên, không phải nước giải khát nào chứa cafein cũng là nước tăng lực. Chẳng hạn, nước ngọt Pepsi, Coca-Cola… chứa lượng cafein thấp hơn so với nước tăng lực.
Ngoài ra, nước tăng lực còn chứa một số chất như tinh chất nhân sâm, taurine (một acid amin thường có trong chất đạm), các vitamin (đặc biệt là vitamin C), chất khoáng cùng với hương liệu tạo mùi vị và một lượng đường cao. Trên thực tế, những chất này chỉ có tác dụng hỗ trợ dinh dưỡng chứ không có tác dụng tăng lực.
Buồn ngủ là dấu hiệu cho thấy cơ thể mệt mỏi, tiêu hao nhiều năng lượng, cần được nghỉ ngơi. Một giấc ngủ tốt sẽ giúp phục hồi mọi hoạt động, nhất là hoạt động thần kinh, tâm thần.
Bạn cảm thấy sau khi sử dụng nước tăng lực, cơ thể tỉnh táo. Thực chất, đây là sự đánh lừa cơ thể. Chỉ chưa đầy một giờ sau đó, tác dụng kích thích mất đi, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi và suy sụp hơn cả trước khi uống.
1. Nước tăng lực: Dùng bao nhiêu là đủ?
Nhiều người lầm tưởng, càng uống nhiều nước tăng lực thì càng phát huy tác dụng. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe do lạm dụng thức uống này cũng đã được ghi nhận.
Năm 2009, cơ quan An toàn Thực phẩm châu u (EFSA) đã kết luận không có bất kỳ quan ngại nào về thành phần của nước tăng lực.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), người trưởng thành Việt Nam chỉ nên sử dụng 1-2 lon (chai) nước tăng lực/ngày, tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống nước tăng lực khi thật sự cần thiết như đi xa, quá mệt mỏi… Không nên dùng nước tăng lực thường xuyên như một loại nước giải khát thông thường.
2. Tác hại của việc uống nhiều nước tăng lực
Nếu thường xuyên uống nhiều nước tăng lực (2 - 3 lon/ngày), cơ thể sẽ gặp những rủi ro về sức khỏe, nhất là đối với trẻ em:
Những calo rỗng có trong nước tăng lực khiến người uống cảm thấy no, không muốn ăn hoặc ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Hậu quả, cơ thể bị thiếu chất, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Nếu uống nhiều nước tăng lực mà vẫn ăn ngon miệng có nhiều nguy cơ bị béo phì. Người béo phì dễ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, bệnh lý xương khớp…
Cafein là thành phần chủ đạo trong nước tăng lực, không trực tiếp gây hại cho tim tức thì. Nhưng càng về sau, tác hại của nó đối với tim càng nhiều. Thêm vào đó, cafein còn khiến bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu đến mạch máu dẫn về tim.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, học sinh trong giai đoạn đang phát triển sẽ có sự thay đổi về hormon trong cơ thể, nếu lạm dụng đồ uống có hàm lượng cafein và đường cao có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormon trong cơ thể, thậm chí gây rối loạn quá trình phát triển thể chất ở trẻ.
Do đó, nếu bạn mệt mỏi, không muốn ăn, hãy uống nước trái cây tươi. Thức uống này sẽ cung cấp năng lượng và những chất dinh dưỡng thiết yếu (vitamin, muối khoáng…) cho cơ thể.