Chờ...

Bảo vệ trẻ em trong gia đình - Thực trạng và giải pháp

(VOH) - Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với trẻ em.

Một số báo cáo gần đây từ các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho thấy việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn bệnh dịch khác, đi kèm với áp lực kinh tế đối với các gia đình đã dẫn đến bạo lực tăng lên, đặc biệt đối với trẻ em. Xung quanh thực trạng này, Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” vào sáng nay 28/5 với chủ đề: Bảo vệ trẻ em trong gia đình - Thực trạng và giải pháp.

bao-ve-tre-em-trong-gia-dinh-thuc-trang-va-giai-phap-voh.com.vn-anh1
Chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 5/2022 diễn ra vào sáng 28/5. (Ảnh: Anh Tuấn)

Theo số liệu của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc UN WOMEN, ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%. Tại Việt Nam, 21 triệu trẻ em không đến trường và cách ly ở nhà trong thời gian dài vừa qua đã tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn của trẻ em.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố: gia đình còn có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách của con người và ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, vai trò của gia đình có tác động đến mỗi cá nhân theo một cách khác nhau: "Giai đoạn trẻ chưa thành niên được xem là quan trọng và khá nhạy cảm. Chính vì vậy nếu thiếu sự giáo dục, định hướng tốt từ gia đình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các em, gia đình cũng như xã hội. Phương pháp giáo dục con cái trong gia đình có tác động rất lớn đến việc hình thành nhận thức và hành vi ứng xử của trẻ vì vậy cần khéo léo uốn nắn chỉ bảo giúp trẻ phân biệt đâu là tốt, đâu là  xấu".

Trước vấn đề đặt ra, nhiều cử tri, người dân thành phố quan tâm đến việc bạo hành gia đình, nhận diện hành động, hành vi bạo hành gia đình. Một thính giả tại TPHCM đặt câu hỏi đến chương trình: "Tôi có đứa cháu, do học online nên bố mẹ cháu thường dạy cháu học ở nhà. Nhưng do bé chậm hiểu nên bố, mẹ cháu hay la mắng và đánh đập trong lúc dạy. Như vậy có bị coi là bạo hành trẻ em trong gia đình không? Chương trình cho tôi lời khuyên nếu thường xuyên gặp tình trạng này thì tôi phải làm gì cho đúng?".

Các khách mời, các chuyên gia tham dự chương trình đã giải đáp, hướng dẫn và trả lời cụ thể cho từng câu hỏi của thính giả nghe đài cũng như cử tri TPHCM. Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, thời gian qua, nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại và ngược đãi xảy ra ngay trong gia đình các em; không ít trường hợp chính những người sinh thành, dưỡng dục hoặc người tình của cha hoặc mẹ của trẻ nhẫn tâm đánh đập, hành hạ trẻ một cách không thương tiếc. Mặc dù đánh trẻ là hành động trái pháp luật nhưng nhiều người lại dửng dưng khi thấy bố, mẹ, người nuôi dưỡng đánh trẻ vì cho rằng đó là việc riêng của gia đình.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố lưu ý: "Nhiều vụ bạo hành, xâm hại và ngược đãi trẻ đã xảy ra, người dân, hàng xóm biết nhưng không trình báo cơ quan chức năng. Trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi thì báo cơ quan có thẩm quyền. Khi phát hiện các vụ việc bạo lực trẻ em, dù là người trong nhà hay chỉ là hàng xóm, người qua đường cũng cần báo ngay cho Công an theo số điện thoại 113 hoặc Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hoạt động miễn phí 24/24 giờ. Thông tin, danh tính của người tố cáo, tố giác hành vi phạm tội sẽ được bảo mật hoàn toàn".

Về giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình, ông Trần Thanh Vương – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết: "Ở góc độ Sở Văn hóa Thể Thao, thời gian vừa qua, chúng tôi cũng tập trung rất nhiều nội dung để làm sao thực hiện tốt nhất công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng như hướng đến xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình ấm no và hạnh phúc. Phải nói rằng trong thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung trước hết là công tác tuyên truyền. Tuyên truyền để thay đổi nhận thức từ đó thay đổi hành vi của mỗi người trong xã hội. Giống như thời gian qua, trên Đài Tiếng nói, Đài truyền hình chúng ta cũng có những chương trình tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, rồi thông qua hình thức sân khấu hóa ngành văn hóa cùng ngành giáo dục đưa rất nhiều chương trình tuyên truyền, tiểu phẩm bằng sân khấu".

Vấn đề bảo vệ trẻ em trong gia đình, ngoài công tác tuyên truyền, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính Quốc Gia - Phân viện tại TPHCM mong muốn: "Tôi tha thiết mong sẽ đưa vào chương trình về tiền hôn nhân cho các cha mẹ được dạy và học các kỹ năng làm vợ, kỹ năng làm chồng, làm cha, làm mẹ ngay trước khi họ kết hôn. Khi đó, họ sẽ được trang bị kiến thức về tâm sinh lý trẻ, quyền trẻ em, quyền con người và đặc biệt trong việc tránh bạo lực trẻ em thì họ nhận ra rằng đâu là hành vi được phép làm, đâu là hành vi không được phép làm, đâu là hành vi xâm hại, đâu là hành vi không xâm hại và sau đó họ mới phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, chính họ không vi phạm. Sau đó, họ giúp cho con nhận diện ra những câu chuyện là để an toàn thì con cần phải làm gì và ai có hành vi xấu mà con cần biết phòng và tránh những con người đó trong gia đình và xã hội"

Bình luận