Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng dự kiến tháng 10 hoàn thành

(VOH) – Dự kiến Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng hoàn thành tháng 10/2020, kỳ vọng giảm ngập, kiểm soát triều, tạo cảnh quan sông nước cho thành phố

Tại kỳ họp kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa 9 hôm nay 10/7, một trong những nội dung mà các đại biểu quan tâm là vấn đề chống ngập. Đặc biệt là dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, với mục đích giải quyết tình trạng ngập do mưa và triều cường với diện tích 570 km vuông, giải tỏa được sự lo lắng của 6,5 triệu dân trong một dự án thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Theo kết quả theo dõi, tiến trình xây dựng dự án cho đến nay các cống như Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, Bà Bướm, Cầu Kinh đều đạt 65% trở lên, kết quả tương đối tốt, đối với đoạn đê bờ kè đạt trên 55%. Tuy nhiên, đại biểu Trần Quang Thắng bày tỏ băn khoăn: “Cống Phú Xuân dù đã đạt trên 72% nhưng vẫn còn kẹt một hộ dân, đây không phải là vấn đề khó khăn, không biết hộ dân này có được giải quyết chưa để chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng tháng 10 dự án này được hoàn thành. Đó là tín hiệu tích cực để giảm nhẹ tình trạng ngập lụt của thành phố.”

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đang hướng đến đô thị sông nước

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đang hướng đến đô thị sông nước

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hoàn thành khối lượng 85%

Cũng theo đại biểu Trần Quang Thắng, việc xây nhà cao tầng dễ gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, trong khi việc dùng máy bơm hút nước chỉ là giải pháp tạm thời, còn việc nâng đường thì tốn kinh phí đến 500 tỷ đồng, do đó, ông Thắng đề nghị cần tính toán thu thêm một phần phí của các nhà đầu tư xây dựng nhà cao tầng để đầu tư trở lại cho các công trình hạ tầng.

Về công tác chống ngập, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, nếu nói về công tác chống ngập trong 5 năm qua thì bức tranh này chưa rõ, nhưng nếu theo dõi kết quả giảm ngập do mưa và triều từ năm 2008 đến nay thì sẽ thấy có sự cải thiện đáng kể. Từ năm 2008, thành phố có 126 điểm ngập do mưa đến nay chỉ còn 15 điểm.

Về bơm chống ngập ở tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Lê Hòa Bình khẳng định, việc sử dụng van ngăn triều để bơm nước ra, khi triều lên thì chúng ta đóng cửa van lại để bơm nước ra nằm trong công tác tích hợp chống ngập của thành phố. Dự kiến tuyến đường này sẽ hoàn tất vào tháng 6/2021. “Dự án đi kèm 1547 tới nay cơ bản đã hiệp thương xong phần bồi thường các hộ dân còn lại. Và việc bồi thường chậm có ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Chúng tôi cố gắng sẽ làm việc với Nhà Bè để làm sao dự án hoàn tất vào cuối tháng 10/2020. Một việc quan trọng đối với dự án này, đó là việc quản lý vận hành dự án sau khi hoàn tất. Công trình này do hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu. Sau nghiệm thu chúng ta quản lý vận hành. Sở Xây dựng cũng đang cùng với đơn vị đầu tư để hoàn tất quy trình quản lý vận hành và trình UBND thành phố xem xét phê duyệt và chúng ta sẽ tiến hành quản lý vận hành sau xây dựng”,  ông Lê Hòa Bình thông tin.

Trao đổi về vấn đề chống ngập, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, tất cả hành vi đều theo quy định, phải có hệ số mật độ xây dựng, hạ tầng phải tương thích với quy mô dân số, khu nào cũng đầy đủ, không thể nào làm sai được. Đây là vấn đề nhà nước gánh. Tuy nhiên, trong điều kiện nhà nước chưa làm được, doanh nghiệp có thể tham gia góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông cho Thành phố thì sẽ tốt. Ông Hoan cho biết, trong báo cáo tổng kết 5 năm về dự án phát triển nhà ở của Thành phố cho thấy xu hướng phát triển nhà ở cao tầng ở TPHCM chiếm tỷ lệ cao hơn nhà ở riêng lẻ.

Nói thêm về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, ông Hoan cho biết, sau 4 năm triển khai, dự án đã hoàn thành khối lượng 85%. Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn một số chính sách khác đang chờ các quận, huyện giải quyết. Đến cuối tháng 7, hai van chính ở cống Phú Xuân đã được lắp đặt; cuối tháng 8 tới, van ở cống Mương Chuối và cuối tháng 10, toàn hệ thống các van chống ngập sẽ cơ bản được lắp đặt hoàn thiện, đi vào vận hành. “Xoay quanh dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, đây là dự án rất quan trọng đối với thành phố. Kết quả đạt được sẽ mang lại một giá trị tổng hợp. Vừa là giảm ngập, kiểm soát được triều, kiểm soát mực nước ở lưu vực bên trong, làm sao tạo cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, tạo cho thành phố có môi trường sông nước và phát triển được giao thông thủy cũng như giải quyết bài toán về du lịch trên sông”, ông Hoan đánh giá.

Hướng tới đến xây dựng đô thị sông nước

Theo ông Hoan, tốc độ đô thị hóa của thành phố đã vượt quá tầm kiểm soát, tần suất và vũ lượng mưa tăng, đỉnh triều ngày càng cao, lún nền diễn ra nghiêm trọng... trong khi hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp mở rộng nên việc giải quyết tình trạng ngập còn chậm. Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn chưa như mong muốn, song nhìn nhận khách quan tình trạng ngập nước đã giảm, không nặng như khoảng 7 năm trước. Một số khu vực trước đây ngập rất nặng nhưng hiện đã hết ngập.

Sắp tới, để các giải quyết tình trạng ngập nước, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố sẽ ưu tiên ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng và các công trình cấp bách; huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, các hồ điều tiết. Hiện nay, Thành phố đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. Thành phố đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước, cụ thể như dành một khu vực trong khu đô thị Thủ Thiêm quy hoạch là châu thổ Nam bộ, cho ngập tự nhiên để giảm ngập trong trung tâm thành phố. TPHCM đang hướng đến đô thị sông nước và khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong vùng trung tâm hoàn thành, Thành phố sẽ là đô thị sông nước, vừa sạch xanh lại vừa có cả hồ cảnh quan. Theo ông Hoan, mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, chúng ta đều hướng tới đến xây dựng đô thị sông nước với các vùng ven sông, kênh rạch, và Thành phố sẽ dành một phần đất cho rừng ngập tự nhiên.

Đẩy mạnh tuyên truyền thi đua yêu nước và điển hình thi đua yêu nước: Trong giai đoạn 2020-2025, Ban Thi đua khen thưởng Sở Nội vụ tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến

 

Công đoàn viên chức thành phố Hồ Chí Minh sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020: Ngày 10/7, Công đoàn viên chức thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và tổng kết tháng công nhân lần thứ 12 năm 2020.

Bình luận