Hỗ trợ người lao động ở lại TPHCM đón Tết

(VOH) - Người lao động đã chọn cho mình cách đón Tết khác nhau để thích ứng trong trạng thái bình thường mới.

Sau hơn 5 tháng giãn cách xã hội tại thành phố và nhiều tỉnh, thành với nhiều cấp độ khác nhau và thời gian khác nhau, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128 về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hoạt động trở lại và người lao động được tiếp tục đi làm.

Đón Tết Xuân Nhâm Dần, người lao động về quê hay ở lại?
Một khu nhà trọ cho người lao động. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Mới đây, Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, xác định chủ đề năm 2022 của thành phố là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Nghị quyết nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế của Thành phố như các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp.

Các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp…

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đang tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng của mình đã ký kết với khách hàng và chuẩn bị hàng tiêu thụ trong dịp Tết sau một thời gian dài nghỉ dịch. Tuy nhiên, đến nay, do số lượng người lao động bỏ về quê khá lớn đã ảnh hưởng đến tình hình lao động chung tại TPHCM. Dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là sau thời gian nghỉ Tết Nhâm Dần, lượng người lao động về quê ăn Tết sẽ không quay lại làm việc khá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thành phố đang cần hơn 30.000 lao động trước dịp Tết, tập trung ở các ngành may mặc, da giày, điện - điện tử, trong đó nhu cầu lao động có tay nghề là khoảng 40%.

Thông thường lực lượng lao động tại thành phố gồm lao động ở thành phố và lao động ở các tỉnh khác trên cả nước về làm việc ở thành phố chúng ta. Nên dịp Tết âm lịch hụt lực lượng lao động khá lớn do về quê nghỉ Tết.1 bộ phận còn lại chưa có điều kiện để về ở lại thành phố. Như vậy dự kiến số lao động mà sau Tết cần phải tuyển mới là khoảng 70.000 đến 75.000 lao động để bù đắp vào lực lượng lao động chưa vào kịp, bù vào lực lượng đang biến động tại các doanh nghiệp. Nhu cầu lao động tại các ngành tương tự nhau nhưng mà lao động có tay nghề chiếm khoảng 36% so với tổng nhu cầu”, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội dự báo về nhân lực lao động sau Tết. 

Đến thời điểm hiện tại, Chính quyền và doanh nghiệp thành phố lo lắng tình hình lao động sẽ biến động trước và sau Tết. Tuy nhiên, nhiều người lao động cũng có những giải pháp riêng cho bản thân.

Theo anh Cao Quốc Thi - người lao động tại công ty cổ phần bảo vệ thực vật Sài Gòn nhìn nhận, dịch bệnh không chỉ diễn biến phức tạp tại TPHCM mà còn lây lan, có hiện tượng tăng ở các tỉnh thành khắp cả nước. Việc đi lại giữa một số tỉnh thành phải thực hiện test nhanh và cách ly. Do vậy, phương án ở lại thành phố ăn Tết là phù hợp trong giai đoạn này.

Trong tình hình năm nay, chắc chắn đa phần sẽ ăn Tết tại nơi họ làm việc để thuận tiện công việc cũng như là sinh hoạt sau Tết. Đối với bản thân thì quê vợ ở miền Trung, đi máy bay cũng khó khăn, mà đi tàu thì lâu. Để đảm bảo giữ sức khỏe thì em sẽ ăn Tết ở đây (TPHCM). Nếu mình bị nhiễm rồi thì bắt buộc phải ở nhà, cách ly 14 ngày, ảnh hưởng đến đời sống và mức lương của mình. anh Thi giải thích.

Tương tự, anh Lê Quang Thời, quê ở tỉnh Quảng Ngãi đang làm việc tại Quận 7 cho biết, anh tranh thủ sắp xếp về quê trước Tết, sau đó sẽ quay lại thành phố làm việc và ăn Tết tại TP. Việc này vừa tiết kiệm chi phí đi lại, vừa thuận tiện trong công việc, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Bình thường về quê lúc Tết thì chi phí lên rất cao. Nhiều người có phương án về trước Tết hoặc về sau Tết để giảm chi phí. Bản thân em sợ thường dịch bệnh hay bùng vào dịp Lễ, Tết và những ngày nghỉ. Lúc đó dịch bùng lên, em sợ về quê rồi vào không được, ảnh hưởng tới công việc nên em chọn về quê ở thời điểm trước Tết để thăm gia đình cũng như là tránh sự bùng dịch đợt tiếp theo nếu có để không ảnh hưởng đến công việc”, anh Thời chia sẻ.

Đối với ông Phạm Huy Thông- Quản lý nhân sự tại công ty TNHH Hoàng Thiện, thì sau nhiều tháng nghỉ dịch, tình hình tài chính người lao động gặp nhiều khó khăn, do vậy đây là thời điểm để người lao động tăng cường sản xuất, tích lũy lại thu nhập sau một thời gian dài khó khăn. Ông Phạm Huy Thông dự đoán nhiều người lao động sẽ quay lại làm việc sau Tết: “Tình hình dịch bệnh là tình hình chung của toàn quốc, đời sống công nhân rất khó khăn, tình hình mở cửa trở lại thì chúng tôi xác định sẽ sống chung với dịch.

Sau Tết, nếu chúng tôi có về nghỉ Tết thì vẫn phải quay trở lại làm việc. Vì bây giờ ở các địa phương chỗ nào chả có dịch".

Đón Tết Xuân Nhâm Dần, người lao động về quê hay ở lại?
 Hình minh họa

Về giải pháp chăm lo cho người lao động không về quê ăn Tết, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thành phố đã chuẩn bị triển khai nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ : "Thành phố tổ chức triển khai nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, người dânSở Lao động đã triển khai cho tất cả doanh nghiệp trên địa bàn TP báo cáo dự kiến trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 để Sở nắm và có báo cáo kịp thời cho UBND Thành phố. Chúng tôi sẽ phối hợp với Liên đoàn lao động TP và các tổ chức chính trị xã hội khác để chăm lo cho người công nhân, đặc biệt là công nhân xa nhà và không có điều kiện về quê ăn Tết để công nhân đó yên tâm ăn tết ở TPHCM.

Dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người dân không về quê mà ở lại TP ăn Tết, thì thành phố vẫn có kế hoạch hỗ trợ và chăm lo tốt cho người lao động để mọi người đều có một cái Tết đầm ấm và vui tươi.

Trong trạng thái bình thường mới như hiện nay, người dân và chính quyền thành phố đã chủ động thích ứng, điều chỉnh thói quen sống, học tập, lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn và cùng thành phố phục hồi kinh tế.