Hơn 90% các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

(VOH) - Ngày 25/5, Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM tổ chức Hội thảo Quản trị Tài sản Trí tuệ của doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Thông qua chuỗi 5 hội thảo này, Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp có cách tiếp cận thực tế để bảo vệ và quản lý và khai thác tài sản trí tuệ để làm giàu cho doanh nghiệp và phát triển xã hội.

Các tài sản trí tuệ gồm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh… đóng vai trò sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế và giai đoạn cả thế giới chống chọi với dịch Covid-19.

vi phạm sở hữu trí tuệ
Hội thảo Quản trị Tài sản Trí tuệ của doanh nghiệp trong thời đại 4.0 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có cách tiếp cận thực tế để bảo vệ và quản lý và khai thác tài sản trí tuệ

Thạc sĩ Võ Duy Tuyến, Giám đốc Điều hành Việt Mỹ - IPC nêu thêm một số hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ thường xảy ra như vi phạm tên miền, vi phạm tương tự hai nhãn hàng với nhau cùng kênh tiêu thụ, cùng sản phẩm với nhau, vi phạm giữa nhãn hiệu độc quyền và tên thương hiệu.

“Trường hợp phổ biến là làm giả sản phẩm. Đối với nhãn hiệu đã đăng ký rồi thì doanh nghiệp nên quản trị cho tốt. Những nhãn hàng có ý định hình thành trong tương lai cũng phải đăng ký ngay. Trong quá trình phát triển và khai thác, chúng ta luôn luôn tìm kiếm trên thị trường các nguồn thông tin để biết rằng có đơn vị nào gây nhầm lẫn hoặc đang xâm phạm sở hữu trí tuệ của mình hay không” – ông Tuyến chia sẻ.

Bà Nguyễn Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhìn nhận, hiện nay vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, phần lớn xảy ra ở môi trường mạng là chính. Trên thực tế, các vụ việc xảy ra có hơn 90% liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Mỗi năm, có đến cả trăm ngàn vụ việc vi phạm tương tự xảy ra trên toàn quốc.

Với những hành vi bán hàng gian, hàng giả xảy ra ngày càng nhiều, Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM cũng cảnh báo đến cơ quan nhà nước về các hành vi đó, đưa ra khuyến nghị về sửa đổi Luật pháp làm sao có thể bảo vệ được quyền của các chủ thể trên môi trường mạng, đề xuất các giải pháp để cơ quan nhà nước có những chế tài, xử lý ngay các vụ việc.

“Tôi cho rằng, khiếu nại hành chính chỉ mất vài tháng nhưng nếu đi theo con đường tòa án thì kéo dài đến mấy năm. Văn phòng của tôi có vụ việc thụ lý kéo dài đến 7 năm. Như vậy, đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có hiệu quả. Do đó, tôi kiến nghị vẫn nên giải quyết bằng con đường hành chính. Chúng tôi mong muốn làm sao có bộ Luật không chỉ phù hợp với các quy định quốc tế mà còn thực sự bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp” - bà Nguyễn Minh Hương đề xuất.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường TPHCM, 4 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Thành phố và các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hơn 5.300 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý hình sự 14 vụ việc, 24 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính và nộp ngân sách nhà nước hơn 800 tỷ đồng.

“Triển khai chuyên án phòng chống đấu tranh về ma túy để theo kịp phương thức thủ đoạn của tội phạm. Thứ hai, ngăn chặn kịp thời nếu chúng tôi phát hiện xuất nhập khẩu qua Việt Nam thì chúng tôi có những biện pháp để phối hợp với lực lượng chức năng xử lý vụ việc” - ông Đỗ Thanh Quang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho hay.