Nhiều hoạt động chăm lo cho người khó khăn tiếp tục phát huy

(VOH) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhóm lao động tự do, mất việc không có nhu nhập ổn định để tiếp cận được nguồn hàng hóa, nhiều đơn vị, tổ chức đã có các hoạt động chăm lo ý nghĩa.

Sau khi TPHCM thực hiện chỉ thị 16, ai không có việc gì cấp thiết, không có lí do chính đáng thì không đi ra đường. Việc áp dụng quy định này nhằm mục tiêu khống chế kiểm soát dịch một cách triệt để nhất. Nhận thấy, thời điểm dịch bùng phát, nhóm lao động tự do, mất việc không có nhu nhập ổn định để tiếp cận được nguồn hàng hóa, nhiều đơn vị, tổ chức đã có các hoạt động chăm lo ý nghĩa. 

Các đoàn thể và địa phương hỗ trợ người khó khăn

Hiện nay, các địa phương đang thực hiện chỉ thị 16, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên địa bàn mình nhưng cũng vừa tổ chức các hoạt chăm lo cho người nghèo. Những hoạt động này mang ý nghĩa an sinh xã hội và còn là các địa điểm đáng tin cậy cho những người lao động khó khăn tìm đến.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Thủ Đức - TPHCM vẫn đang duy trì các chương trình như  “Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức”, “Đi chợ giúp dân mùa Covid-19”; “Bếp ăn nghĩa tình Thủ Đức” từ tháng 6 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Thủ Đức cho biết, hoạt động “Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức” và chương trình “Đi chợ giúp người dân trong mùa Covid” hỗ trợ các hàng nhu yếu phẩm các loại...đã giúp 1.544 phần quà/1.544 hộ dân tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly trên địa bàn các phường với tổng số tiền 386.000.000 đồng. Đồng thời, duy trì 16 “Bếp ăn nghĩa tình Thủ Đức” cùng 22 đội tình nguyện để chuyên cung cấp và phát cơm, thức ăn đến các cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bán vé số, người lao động khó khăn bị mất việc do dịch Covid-19. Bình quân mỗi ngày phát 3.850 suất cơm, cháo thịt, suất ăn sáng.

Sau chỉ thị 16: Nhiều hoạt động chăm lo cho người khó khăn tiếp tục phát huy 1

UBND phường 6 - quận Tân Bình tổ chức phiên chợ 0 đồng cho người lao động khó khăn ở phường

Ngoài các hoạt động phối hợp tổ chức cấp thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội; Hội thành viên tích cực tổ chức các hoạt động chăm lo cho lực lượng thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố và các hộ dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức như: Hội Liên Hiệp phụ nữ Thành phố Thủ Đức vận động các nhà hảo tâm các nhu yếu phẩm tổ chức chăm lo cho các hộ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với tổng số tiền 338.510.000 đồng.

Liên đoàn lao động thành phố Thủ Đức cũng tham gia hỗ trợ 205 trường hợp công nhân ở trọ bị ảnh hưởng việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh Covid-19 tác động với tổng kinh phí chăm lo hơn 61.500.000 đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ nhu yếu phẩm (mì gói, gạo, dầu ăn, đường,..) và Liên đoàn cũng tiếp tục vận động các chủ nhà trọ Tổ công nhân tự quản về an ninh trật tự thực hiện giao kết giảm giá cho công nhân ở trọ, tính đến nay đã có 33 nhà trọ ký giao kết, qua đó đã hỗ trợ cho hơn 3.500 công nhân ở trọ với tổng số tiền hơn 46.000.000 đồng.

Liên đoàn lao động quận Bình Tân cho biết, đơn vị này đã lên kế hoạch chăm lo cho người lao động  từ ngày 8-7 đến ngày 15/7. Theo đó, Liên đoàn tiếp tục trao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận nhu yếu phẩm từ các CĐCS hỗ trợ trị giá 21.000.000 đồng để chăm lo các chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và 60.000.000 đồng ủng hộ kinh phí hỗ trợ mua vắcxin phòng, chống Covid-19;  Phối hợp Công ty TNHH TM-SX Nam Hải trao tặng 02 tấn cá cho lực lượng phòng chống dịch và công nhân lao động tại các khu phong tỏa trên địa bàn quận; hỗ trợ khẩn cấp đợt 7 cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 ngày 27 tháng 4 năm 2021.

Tại địa bàn quận Tân Bình, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, UBND các phường còn phối hợp với các mạnh thường quân chăm lo cho người khó khăn. Tại phường 4, UBND phường ra soát các hộ khó khăn và trao 200 suất quà và 250 suất cơm trưa cho các hộ khó khăn, người bán vé số, ve chai. Các cơ sở tôn giáo như chùa Di Đà, chùa Vạn Hạnh, chùa Báo Ân cũng chung tay tặng gạo, suất ăn miễn phí đến những nhóm lao động yếu thế. Tổng kinh phí cho các hoạt động này gần 300.000 đồng.

Phó chủ tịch UBND phường 4 - quận Tân Bình Lê Hữu Tuấn cho biết, các mạnh thường quân đã chủ động liên hệ với phường để hỗ trợ người dân. Hiện tại, phường đang lên danh sách những người khó khăn sẽ nhận tiền hỗ trợ từ UBND TP.HCM. Ông Tuấn nói: “Hiện nay, phường có văn bản gởi các khu phố, tổ dân phố để nắm lại danh sách các trường hợp thuộc đối tượng nhận hỗ trợ từ chính sách của TP để chi trả”.

Sau chỉ thị 16: Nhiều hoạt động chăm lo cho người khó khăn tiếp tục phát huy 2

UBND phường 6 - quận Tân Bình tổ chức phiên chợ 0 đồng cho người lao động khó khăn ở phường

Trong khi đó, UBND phường 6 (quận Tân Bình) có Chương trình đồng hành "Cùng nhân dân tham gia chống dịch". Ngày 8/7/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch phối hợp với các đoàn thể phường và các mạnh thường quân tổ chức trao 45 phần quà đến các hộ khó khăn, mỗi phần quà trị giá 250.000 đồng; Trao 55 phần quà cho các hộ dân bị phong toả trên địa bàn phường, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng; Trao 30 phần dành cho thiếu nhi trong các khu vực phong tỏa: 300.000 đồng/phần. Tổng kinh phí gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị Chi bộ khu phố 7 của phường cũng đã trao 2.000 kg gạo cho các hộ dân tại tuyến hẻm Phú Lộc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Bà Bùi Thị Ánh Nguyệt - Phó bí thư Đảng uỷ phường 6 chia sẻ, những suất quà tuy nhỏ nhưng phần nào chăm lo vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn phường 6, góp phần để người dân an tâm, vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Hiện nay, công việc ở các phường rất vất vả, vì đây là tuyến cuối cùng sẽ nhận các phần quà từ TP, từ các MTTQ, các đoàn thể khác gởi về tặng cho người khó khăn. Vì thế, ngoài việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch, họ còn kiêm thêm công tác chăm lo đời sống người dân. Cho nên, các cán bộ phường đang làm việc hết công suất. “Hội phụ nữ, các đoàn thể đi chợ giúp cho các hộ bị phong tỏa. Tất cả các phần quà từ TP, quận, các ban ngành đoàn thể đưa xuống thì phường đều nhận và có nhiệm vụ đem đến các khu phong tỏa, các hộ khó khăn”, bà Nguyệt cho hay.

Các cơ quan, đoàn thể đang dốc sức để kịp thời chăm lo cho người lao động khó khăn ở địa phương. Bên cạnh đó, nhiều nhóm thiện nguyện cũng chung tay nấu các bữa cơm tặng cho người nghèo.

Ngày 10/7, cô Trương Thị Thanh Hải (phường Trường Thọ) nấu 270 phần cơm cho các khu cách ly ở phường Trường Thọ và Linh Tây (Thành phố Thủ Đức). Đây là hoạt động đều đặn của cô và những người bạn từ khi xuất hiện dịch covid 19 ở TPHCM. Cô nói: “Mình chia sẻ và hỗ trợ lâu rồi vì thích làm. Trước khi giãn cách thì mình cũng vận động khẩu trang. Bây giờ bị cách ly, phong tỏa giữa phường với phường nên mình phát động ra, kêu gọi bạn bè ủng hộ tiền để có nấu cơm cho người nghèo”.

Sau chỉ thị 16: Nhiều hoạt động chăm lo cho người khó khăn tiếp tục phát huy 3

Địa chỉ 19, Trương Quốc Dung, phường 8, Quận Phú Nhuận treo bảng Nơi đây không bán rau, củ

Cẩn thận với những địa chỉ tặng quà “ảo”

Trong khi có những mạnh thường quân dốc tâm, dốc sức vì đời sống người lao động nghèo, thì hiện nay có những thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội facebook làm người dân hụt hẫng. Theo đó, một nhóm từ thiện không rõ danh tính nhưng tự xưng ở tỉnh Đắk Lắk có chương trình siêu thị 0 đồng và các địa điểm phát rau củ hỗ trợ cho TPHCM. Nhưng thực tế, các địa chỉ này không có các chương trình như vậy. Sáng 10/7, chúng tôi tìm đến địa chỉ số nhà 19, Trương Quốc Dung (phường 8, quận Phú Nhuận) là căn nhà của 1 hộ dân đóng cửa kín mít, chúng tôi thấy chủ nhà phải treo tấm biển “Địa chỉ này không bán rau củ quả” để người dân không gõ cửa làm phiền. Tương tự, địa chỉ siêu thị 0 đồng ở địa chỉ 239/1, Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp là quán bò tơ Năm Sánh và cửa đóng then cài; địa chỉ 125 đường Lương Ngọc Quyến (phường 5, quận Gò Vấp) là một quán cơm chay nhỏ  trong hẻm. Quán này cũng dán tờ giấy ghi Quán chay nghỉ qua mùa dịch. Chị Dương Thanh Thủy - một người dân tìm đến đây để xin rau chia sẻ: “Những sự dối trá này làm cho tôi rất buồn. Sáng nay tôi cũng gặp 1 cụ bà đã nghỉ bán vé số tới đó xin rau, bà cụ kì vọng ở đó cho cụ bánh mì vì cụ rất đói nhưng tới nơi không có, bà cụ đứng khóc. Chị không hiểu được, tại sao họ lại đưa ra địa chỉ như thế trong thời điểm mà ta cần sự chân thật nhất”.

Danh sách số điện thoại của các cá nhân trong  nhóm thiện nguyện này cũng không thể liên hệ được. Chủ nhân các số thuê bao đều từ chối cuộc gọi hoặc không bắt máy. Chị Thanh Thủy mong UBND cấp phường xem xét và chấn chỉnh những hoạt động từ thiện mạo danh này để giúp người dân không mất công sức tìm đến.

Có thể thấy, trong lúc khó khăn vì đại dịch, việc có sự tham gia của các mạnh thường quân chung tay cùng Thành phố giúp dân là đều đáng khích lệ nhưng cũng không tránh khỏi những người có ý đồ xấu. Vì vậy, người dân cần cẩn thận khi nhận được các thông tin từ thiện không rõ ràng, không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.