Ấn tượng Phú Sĩ với nét đẹp bốn mùa

(VOH) - Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản và cũng là ngọn núi được nhiều người Nhật yêu thích nhất và được xem là biểu tượng linh thiêng của đất nước Phù Tang.

>>>Nghe Du lịch qua Radio: Núi Phú Sĩ (Nhật Bản)

Khung cảnh núi Phú Sĩ mỗi mùa lại mang nét đẹp đặc trưng riêng. Ví như mùa xuân là sắc hoa anh đào rực rỡ, thì khi vào hạ lại là vẻ đẹp ngất ngây của muôn hoa đua nở.

Khung cảnh núi Phú Sĩ mỗi mùa lại mang nét đẹp đặc trưng riêng. Ảnh: flickr

Cứ mỗi điểm đến quanh núi là một khung cảnh khác nhau với nhiều loại hoa khoe sắc. Còn gì tuyệt đẹp hơn khi cảnh núi Phú Sĩ hùng vĩ dưới bầu trời trong xanh tỏa nắng mùa hè được tô điểm bởi vẻ đẹp duyên dáng của các nàng hoa. Đỉnh núi Phú Sĩ nhờ ánh mặt trời chiếu rọi, soi bóng xuống mặt hồ Kawaguchi tạo nên cảnh sắc lung linh.

Ảnh: flickr

Với độ cao 3.776m so với mực nước biển, có hình dáng như một tam giác cân. Núi Phú sĩ nằm giữa 2 tỉnh Shizuoka và Yamanashi. Ít ai biết rằng, trước đó cuộc chiến giành quyền thừa hưởng toàn bộ ngọn núi này (thời chiến quốc) đã kéo dài hàng thế kỷ, kết quả là nước Shizuoka đã thắng. Hiện tại, mặt tiền của núi Phú sĩ thuộc tỉnh shizuoka, còn phía bên kia là tỉnh Yamanashi. 

Dù đi lên đỉnh núi Phú Sĩ từ hướng nào, du khách cũng sẽ thấy những bảng chỉ dẫn như: “trạm số 1 – độ cao...” đến “trạm thứ 5 - cao 2.300m” và cuối cùng là "trạm thứ 10 - cao 3.776m". Tất cả vị trí, cự ly từng trạm cũng như độ cao của từng trạm dừng chân hoàn toàn không theo quy luật hay trật tự nào cả. Vậy ai là người đã quy định và đặt tên như vậy?

Theo dân gian truyền lại, người đầu tiên đặt chân lên núi Phú Sĩ là một nhà sư: lúc đó khi lên Núi, nhà sư có sử dụng cây đèn dầu (có lẽ là dùng nhựa thông để đốt). Khi xuất phát, nhà sư cho vào đầy 1 thùng và cầm đèn đi leo núi, khi hết dầu, đèn tắt và nhà sư ngồi xuống nghỉ ngơi, sau đó châm thêm 1 bình dầu khác, khi hết lần thứ hai thì đặt là “ni gồ mê” cứ thế khi đèn tắt là hết bình thứ 3 và đến cuối cùng hết 10 bình dầu. Có thể hiểu nôm na là sau 10 lần châm dầu và nghỉ nghơi thì vị sư nọ đã lên đến đỉnh núi Phú Sĩ.

Có khoảng 200,000 lượt người leo lên ngọn núi này mỗi năm. Ảnh: flickr

Thời gian mà nhiều người lao núi Phú Sĩ nhất là trong khoảng 2 tháng, từ mồng 1/7 đến 27/8. Có khoảng 200,000 lượt người leo lên ngọn núi này mỗi năm, trong số đó 30% là người nước ngoài. Hành trình trèo núi mất khoảng 3 đến 7 giờ, trong khi hành trình xuống núi thì nhanh hơn, chỉ mất khoảng 2 đến 5 giờ. Hầu hết các hành trình trèo núi là vào ban đêm để khi lên đến đỉnh thì gặp lúc mặt trời mọc buổi sớm mai.

Với người dân Nhật, núi Phú Sĩ trở thành “ngọn núi thiêng”, “ngọn núi thần” che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành, may mắn.

Có câu truyền miệng rằng: thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasu (nghĩa là, vào đêm mùng một Tết, may mắn nhất là nằm mơ thấy núi Phú Sĩ, thứ nhì là Chim ưng, thứ ba là Cà tím). Nhiều người Nhật sùng bái núi Phú Sĩ đã thành lập một tổ chức tín ngưỡng ngọn núi này với tên gọi Fuiiko. Việc chinh phục ngọn núi được coi là công việc thiêng liêng mà ai cũng cố gắng làm một lần trong đời.

Phú Sĩ vẫn là một biểu tượng được ca ngợi trong nhiều tác phẩm văn thơ, nhạc họa. Ảnh: flickr

Rất nhiều truyền thuyết quanh núi Phú Sĩ. Một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất, truyền từ đời này sang đời khác là về nàng công chúa mặt trăng Kaguya Hime. Chuyện kể về mối tình giữa nhà vua và nàng công chúa ống tre, họ đem lòng yêu thương nhau nhưng công chúa phải trở về mặt trăng theo vua cha. Đem lòng nhớ nhung nhà vua quyết định mang lá thư và viên thuốc bất tử của công chúa gửi lại lên ngọn núi cao nhất để đốt. Và Phú Sĩ là ngọn núi được chọn để gửi gắm tâm thư của nhà vua cho công chúa. Trong tiếng Nhật, từ bất tử được đọc là “fushi” hay "fuji”, thể hiện cho tình yêu sâu đậm của nhà vua dành cho công chúa ống tre khi nàng bay về trời, đồng thời trở thành tên gọi cho ngọn núi Phú Sĩ huyền thoại ngày nay.

Ảnh: flickr

Đỉnh núi Phú Sĩ hiện nay có dạng hình vòng tròn, miệng núi lửa rộng khoảng 500m, dốc và gồ ghề. Ngay giữa là miệng núi hình phễu sâu xuống khoảng 250 mét. Miệng núi trở thành hồ nước sau những cơn mưa, nước trong xanh vì được khử hóa chất trong chính miệng núi. Xung quanh núi Phú Sĩ có 5 hồ nước ngọt lớn bao bọc với các tên gọi như Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motosuu và Shoji. Người ta còn gọi với một cái tên thơ mộng hơn là Phú Sĩ Ngũ Hồ. Thiên nhiên ấy đã mang đến vẻ đẹp tuyệt vời, hài hòa một cách hoàn hảo cho biểu tượng của Nhật Bản. Phú Sĩ Ngũ Hồ là kết quả hình thành do quá trình núi lửa Phú sĩ hoạt động phun trào. Đây được xem là khu resort lý tưởng cho những ai yêu thích leo núi, cắm trại, câu cá và các trò thể thao mùa đông.

Cho đến hôm nay, Phú Sĩ vẫn là một biểu tượng được ca ngợi trong nhiều tác phẩm văn thơ, nhạc họa ở xứ sở Phù Tang, để từ đó, ai cũng mong ước được một lần đặt chân đến nơi này.

Thông tin thêm về tour du lịch Nhật Bản với điểm đến là thành phố Otaru lãng mạn, quý khách xin vui lòng liên hệ với Công ty Du lịch Intertour Việt Nam, 27 Nguyễn Thái Bình, Quận 1. Hoặc quý vị cũng có thể gọi qua số điện thoại 08. 3822.9999. Hotlines 0961.11.88.99 để biết thêm chi tiết.

Bình luận