Đừng lãng phí nghệ thuật

(VOH) - Mỗi người làm nghệ thuật cũng đã biết tìm cho mình những lối rẽ, thay đổi để phù hợp với công chúng. Tuy nhiên cũng cần có thời gian và điều kiện để tác phẩm và công chúng gặp nhau.

Ngoài việc khán giả quay lưng với những tác phẩm đạt giải, còn một điều khác đáng lo ngại hơn là họ không có điều kiện để quảng bá tác phẩm. Đầu tư kinh phí lớn để đi thi, một khi đạt giải họ cũng muốn chia sẻ với khán giả của mình. Thế nhưng, nó trở nên xa xôi khi họ không có kênh quảng bá, không có điểm diễn, không đủ kinh phí để mời ca sĩ tên tuổi thể hiện ca khúc của mình, và thế là cất kho. Việc giới thiệu những tác phẩm hay, đã qua thẩm định nghệ thuật lẽ ra phải là chuyện đương nhiên, nhưng nhiều năm rồi, chúng ta thờ ơ với việc đó. Như chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, anh đang tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm sân khấu và âm nhạc do thành phố phát động, anh mong muốn giá trị nghệ thuật mà anh và các anh em nghệ sĩ làm ra bằng tim, óc sẽ không phải hô hào một 2 ngày trên mặt báo rồi biết mất, mà cần được hỗ trợ thật sự để lan tỏa.

“Điều mà những nhạc sĩ như Chung mong muốn khi mà mình dành tâm huyết và sự cống hiến cho âm nhạc là sự hỗ trợ tuyệt đối từ Nhà nước. Truyền thông cũng chỉ góp một phần lan tỏa đến khán giả, còn lại vẫn là sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý văn hóa, ví dụ các chương trình ca nhạc thiếu nhi, để các em hát được những bài ca hay đúng với lứa tuổi của mình từ nguồn ca khúc sẵng có. Nói chung có khá nhiều nghịch lý mà đã bao lâu rồi chúng ta vẫn chưa giải quyết”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết thêm.

Cần nhiều cuộc tiếp sức cho nghệ thuật

Một cảnh trong vở Đời cô Lựu - tác phẩm cải lương kinh điển của soạn giả Trần Hữu Trang luôn tạo sức cuốn hút với khán giả mộ điệu. Ảnh: SGGP

Sáng tạo nghệ thuật là để tìm khán giả chứ không phải tìm giải thưởng, nhưng trên đoạn đường ấy, cũng cần một vài giải thưởng, cần trải nghiệm một số cuộc thi để có thêm cảm hứng sáng tạo. Vậy nên các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi là vô cùng cần thiết cho quá trình thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Nhưng cũng như các chuyên gia đã chia sẻ là cần cân bằng cả hai yếu tố: định hướng tuyên truyền và tính giải trí. Và giờ đây là cần quan tâm hơn đến quảng bá tác phẩm, vì nếu bõ ngõ câu chuyện này, chúng ta mãi mãi để lãng phí tài năng và làm hao hụt nguồn khán giả vốn đã ít ỏi.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt anh tỏ ra bức xúc khi nói đến việc cất xó nhiều tác phẩm đầu tư hàng tỷ đồng đi thi nhưng rồi phập phồng lo lắng cho đầu ra của tác phẩm, như  vở diễn gần nhất mà anh vừa thực hiện cho một cuộc vận động: “Với sự quy tụ cho vở diễn, chúng tôi quy tụ được nhiều ngôi sao sân khấu cải lương, chúng tôi phải đi thuê sân khấu, vậy nên nếu không được hỗ trợ một cách tích cực thì chỉ diễn được 1 vở/ngày rồi thôi. Chúng tôi sẽ mất đi 600 triệu, xác suất đạt giải là bao nhiêu, nếu đạt giải cao lắm cũng chỉ tầm 100 triệu. Vậy không biết sẽ làm tăng lên niềm nhiệt huyết của mình trong sân khấu hay mất đi những điều đó. Cho nên anh em của một số sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống chúng tôi đang gặp nhũng vấn đề đó. Họ cũng muốn lao vào cuộc, nhưng rồi đầu ra, đầu vào tác phẩm làm họ chùn bước".

Đó là sân khấu, âm nhạc thì tỉ lệ cạnh tranh trên thị trường còn khốc liệt hơn. Làm gì còn chỗ cho những cá khúc bước ra từ các cuộc vận động chen chân, thế nên cần tạo cho người nhạc sĩ một sự đảm bảo về kênh quảng bá, để họ có niềm tin rằng tác phẩm mà họ dày công sáng tác rồi đây sẽ được công chúng đón nhận, sẽ có đời sống lâu bền hơn chứ không chỉ vang lên trong 1 cuộc thi ngắn ngủi. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Chung đã từng tham gia rất nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc mới bày tỏ: “Có nên chăng là một tác giả gửi tác phẩm dự thi họ cũng cần được những hỗ trợ nhất định để họ thấy mình được quan tâm. Quảng bá đầu ra, đây là một điều đặc biệt quan trọng. Vậy thì hoạt động của chúng ta như thế nào để chặt chẽ, rộng khắp. Ví dụ như khi đã có tác phẩm đạt giải, chúng ta nên tổ chức những cuộc thi chỉ sử dụng tác phẩm đạt giải. Nghe càng nhiều khán giả càng thấm, tôi nghĩ đó là một cách giáo dục thẩm mỹ tốt nhất”.

Với nghệ sĩ, được cống hiến, được lao động nghệ thuật là điều họ luôn khao khát, vậy nên đâu có lý do gì dập tắt đi điều đó. Một khi họ đã vì nghề, vì khán giả mà lăn xã thì nên chăng họ cũng được sự giúp đỡ, sự đồng hành cần thiết để tiếp tục làm nghề, để mang những đứa con tinh thần mà họ dày công thai nghén đến khán giả. Nhất là ngay giai đoạn này đây, những người lam nghệ thuật đang đối mặt với nhiều khó khăn, nên cho họ thêm điểm tựa để họ an tâm cống hiến. Mở rộng đề tài và quan tâm hơn đến mảng giải trí trong các cuộ thi. Có như vậy thì mới kích thích sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

NSND Trần Minh Ngọc, người đã tham gia chấm nhiều cuộc vận động, nhiều liên hoan nhận định: “Về các lĩnh vực khác tôi cảm thấy sự kết nối tốt hơn như âm nhạc, múa, hội họa, nhưng về lĩnh vực sân khấu thì chúng tôi đang lo ngại. Chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề khán giả, nhưng với những người làm sân khấu thì khán giả vẫn còn là một điều gì đó bí ẩn. Điều này giờ sân khấu vẫn đang không ngừng tìm tòi. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một hiện tượng nhất thời, rồi người làm sân khấu sẽ nhìn ra chân lý, phải đi như thế nào, định hướng như thế nào để chinh phục khán giả”.

Khi khán giả ngày một đòi hỏi cao hơn, thì người làm văn hóa cũng làm nghề ngày càng kỹ tính hơn, họ chỉnh chu và đặt cho mình nhiều tiêu chí trong nghệ thuật. Vậy nên một cuộc tiếp sức để họ có thể đi đường dại trong cuộc chạy đua chinh phục khán giả và tạo ra nhiều tác phẩm giá trị là cần thiết. Đừng để nghệ sĩ sáng tạo xong rồi đem cất vào tủ, đừng để lãng phí nghệ thuật, dù chỉ là một chút – nghệ thuật cần có được quan tâm, sẻ chia và lan tỏa.

Ngọc Thu