Ra mắt hai ấn phẩm 'Việt Nam sử lược' và 'Việt Nam văn hóa sử cương'

(VOH) - Hai ấn phẩm nổi tiếng "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim và "Việt Nam văn hóa sử cương" của học giả Đào Duy Anh vừa được ra mắt đến độc giả.

Ngày 30/7, tại Đường sách TPHCM, Đông A Books đã tổ chức buổi tọa đàm để ra mắt hai ấn phẩm nổi tiếng "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim và "Việt Nam văn hóa sử cương" của học giả Đào Duy Anh. Đây là tọa đàm được tổ chức nhân dịp phát hành ấn phẩm có diện mạo mới và được đầu tư công phu với nhiều chi tiết bổ sung, cập nhật.

ra-mat-hai-an-pham -viet-nam-su-luoc- va -viet-nam-van-hoa-su-cuong-voh.com.vn-anh1
Ấn bản "Việt Nam văn hóa sử cương" của Đông A.

"Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim ra mắt độc giả năm 1920, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như "Đại Việt sử ký toàn thư" hay "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" là nguồn sử liệu chính thống. Chia sẻ về hướng tiếp cận lịch sử, biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân gợi ý nên bắt đầu với quyển "Việt Nam sử lược". Đây là bản bao quát tất cả các sự kiện lớn trong từng thời kỳ của đất nước Việt Nam. Từ ấn phẩm trên có thể giúp người đọc nắm được dòng chảy cơ bản hiểu hết dòng chảy của lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến trước năm 1920.

Đối với "Việt Nam văn hóa sử cương" được biên soạn và xuất bản lần đầu năm 1938, là một nỗ lực giải quyết cuộc va chạm giữa văn hóa Việt Nam truyền thừa từ bao đời và văn hóa phương Tây du nhập lan tràn trong bối cảnh xã hội nước ta đầu thế kỷ XX. Đào Duy Anh nhìn nhận cuộc va chạm ấy chính là “bi kịch hiện thời” đến từ “sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương”.

Về sự cải tiến và cập nhật mới của hai ấn phẩm trên, Biên tập Đỗ Quốc Đạt Nhân cho biết: "Chúng tôi xuất bản "Việt Nam sử lược" của Đông A là in theo bản năm 1954. Tại sao là bản 1954? Vì đó chính là bản cuối cùng có sự chỉnh sửa trực tiếp của cụ Trần Trọng Kim trước khi mất. Trước đó là ấn bản 1920 là ấn bản lần đầu, ấn bản lần 2 in năm 1928, rồi ấn bản trước năm 1954 là ấn bản năm 1951. Chúng tôi ban đầu cũng như một số nhà khác sẽ in ấn bản năm 1954. Nhưng trong quá trình biên tập thì chúng tôi phát hiện một số vấn đề có những chi tiết bản 1954 hấp dẫn hơn hay hơn bản năm 1920 hoặc 1928".

Ngoài việc được nghe giới thiệu về hai ấn phẩm buổi tọa đàm còn cung cấp kiến thức về lịch sử khơi dậy lòng ham học hỏi, mối quan tâm với văn hóa, lịch sử và tình yêu quê hương đất nước. Tìm hiểu về lịch sử một cách tỉnh táo, phải có nguồn tư liệu rõ ràng.

Nói về vấn đề này Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Hoàng Vũ chia sẻ: "Khi mà bạn đọc thì bạn phải xem người viết này, người đưa ra tư liệu, họ là người ở gần hay ở xa với sự kiện đó, thì chúng ta chỉ coi trọng tài liệu gốc. Thứ hai nữa chúng ta coi trọng tài liệu của nhân chứng trực tiếp".