Hiểu hơn về Bác qua vở diễn "Nợ Nước Non"

(VOH) - Tối 26/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức công diễn vở sân khấu "Nợ Nước Non" tại Nhà hát TP.

Đây là phần I trong tác phẩm "Nước Non Vạn Dặm". Công trình kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2022) và 132 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2022).

Vở diễn
Vở diễn "Nợ Nước Non" được công diễn tại Nhà hát TP.

"Nước Non Vạn Dặm" có 3 phần, do nhà văn, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chắp bút. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên và ê kíp nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu.

Vở diễn kể về cuộc đời của Bác trong 21 năm đầu tiên từ lúc Bác được sinh ra trong gia đình của ông bà ngoại. Lớn lên, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cho đến năm 21 tuổi Bác chia tay cha ở Bình Định. Lúc đó, Bác được sự giúp đỡ của những người chí cốt với cha, các vị đưa vào Sài Gòn. Sau mấy tháng sinh sống, hòa nhập và tìm hiểu người dân nơi đây, Bác xin được việc làm trên con Tàu Pháp và quyết định vượt trùng khơi cứu nước ngày 05/6/1911.

Phần I tập trung vào những ký ức lịch sử, xã hội, những yếu tố văn hóa, tư tưởng đã hun đúc, rèn dũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba trong không gian văn hóa vùng miền từ Bắc vào Nam. Đồng thời, thể hiện trọn vẹn sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. 

Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: "Ở vở diễn, vừa gửi lên tấm lòng của mình, trân quý, kính trọng đối với Bác, biết ơn Bác. Đồng thời, qua đó có một tiếng nói về ngôn ngữ nghệ thuật, đây là một cái tác phẩm sân khấu cải lương mang nhiều yếu tố đương đại. Nợ Nước Non có nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như: dân ca Ví Giặm xứ Nghệ, câu hò Huế, làng điệu của Bài chòi, dân ca Nam Bộ, cải lương… Thế nhưng các loại hình vẫn có nét chung đó chính là âm nhạc của Việt Nam, bắt nguồn từ những vùng đất quê hương. Dù có các đặc thù khác nhau nhưng nó có điểm chung là thể hiện tâm hồn người Việt. Khi đặt gần nhau thì sự tương phản, đặc sắc của các loại hình đó tạo cho người xem thêm sự thú vị".

Buổi công diễn vở kịch có sự tham gia của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các cán bộ, viên chức, văn nghệ sĩ, người dân và đoàn viên, học sinh, sinh viên.

Hiểu hơn về Bác qua vở diễn
"Nợ Nước Non" là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Vở diễn "Nợ Nước Non" có sự tham gia của các diễn viên: Bé Anh Đức (vai Nguyễn Sinh Cung), Minh Hải (vai Nguyễn Tất Thành), Như Quỳnh (bà Hoàng Thị Loan), Mạnh Hùng (Nguyễn Sinh Sắc), Ngân Hà (Út Huệ)...  cùng các diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ và nghệ sĩ múa TPHCM.

Diễn viên Minh Hải (vai Nguyễn Tất Thành, diễn viên tại Nhà hát Cải lương Việt Nam) cho biết: "Đây là một cơ duyên rất lớn với mình, ở ngoài Bắc có rất nhiều nghệ sĩ cải lương ca hay, diễn tốt, yêu nghề nhưng có lẽ đạo diễn nhìn thấy ở mình có nét hao hao về Bác giai đoạn 21 tuổi. Cho nên đã giao cho Minh Hải vai Nguyễn Tất Thành, đó là một cái duyên rất lành. Trong các vở diễn, mình mong có nhiều bạn trẻ Việt Nam đến xem, vì khán giả cải lương thường là những người lớn tuổi. Còn vở diễn này mình mong muốn các bạn thế hệ trẻ xem để mở mang và học được nhiều điều".

"Nợ Nước Non" là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam, vừa bảo tồn được giá trị của nghệ thuật sân khấu Cải lương dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa của sân khấu đương đại thế giới. Vở diễn để lại dấu ấn cho khán giả với nhiều cảnh diễn xúc động, lôi cuốn: Đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; Cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát; Cảnh cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành chia tay ở Bình Định; Cảnh Nguyễn Tất Thành nói lời tạm biệt với cô Huệ để lên tàu ra đi tìm đường cứu nước...

Khán giả Xuân Mai tâm sự: "Thật sự mình với khán giả ngồi ở dưới khán đài thì ai cũng cảm xúc vỡ òa, có thể cho xem lại cũng vẫn với cảm xúc đó. Tại vì đối với tình yêu vô hạn dành cho Bác Hồ thì những hình ảnh, lời nói vẫn hiện hữu, đó là cảm xúc dâng trào của những con người dành tình cảm vô bờ bến đối với Bác. Ở đoạn kết, Bác chia tay cô Huệ trước khi lên tàu, cho thấy được sự hy sinh to lớn, Bác dành tình yêu trọn vẹn cho đất nước. Nhất là câu thoại Bác nói là Tôi nhất định sẽ trở về... đó là sự hy vọng ra đi để cứu dân tộc với một niềm tin mãnh liệt, khiến mình cảm thấy nhiều cảm xúc nhất".

Sau hai suất diễn phục vụ khán giả TPHCM đêm 25 và 26/7 tại Nhà hát Thành phố, vở diễn "Nợ Nước Non" đi lưu diễn tại một số tỉnh, thành như: Bình Phước (ngày 27/7), Long An (ngày 29/7), Đồng Nai (ngày 30/7). Sau đó, sẽ đến với các địa phương ở miền Trung: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Bình Định...

Hai phần tiếp theo của tác phẩm sân khấu "Nước Non Vạn Dặm" sẽ ra mắt công chúng năm 2023, 2024, dự kiến tên gọi phần 2 mang tên "Lênh Đênh Bốn Biển" và phần 3 mang tên "Người Về". Trong 2 phần này, tác giả và ê-kíp thực hiện tiếp tục khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.