Chờ...

Google Doodle hôm nay 28/9: Thực hiện chiến dịch tôn vinh cải lương nhân giỗ Tổ sân khấu

(VOH) - Nhân ngày Giỗ tổ nghiệp sân khấu, Google đổi biểu tượng Google Doodle bằng Tiếng Việt nhằm tôn vinh cải lương, bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

Biểu tượng Google Doodle Cải Lương hôm nay không chỉ tập trung khai thác hai diễn viên trên sân khấu với phong thái hào sảng – những nhân vật chính của sân khấu cải lương, mà còn thể hiện cả dàn nhạc công với những nhạc khí đặc trưng trong cải lương. Những dụng cụ âm nhạc như đàn bầu, đàn cò, đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, ghi-ta phím lõm, góp phần làm nên cái hồn, cái chất của môn nghệ thuật biểu diễn này. Việc thể hiện cả dàn nhạc nhằm làm nổi bật những nét độc đáo riêng của cải lương so với các loại hình tương tự khác, cũng như tôn vinh cả những nhạc công thầm lặng đã góp phần giúp cải lương đi vào lòng khán giả.

Google Doodles tôn vinh sâu khấu cải lương
Hình ảnh trên Google Doodles tôn vinh sấn khấu cải lương

Ngoài sự thay đổi biểu tượng trang chủ, Google cũng hợp tác với Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh (HTV) để đưa lên nền tảng YouTube bản độc quyền trọn vẹn của vở cải lương kinh điển ‘Tiếng Trống Mê Linh’, đồng thời giới thiệu vở diễn đến không chỉ cộng đồng trong nước mà còn tất cả kiều bào trên khắp thế giới thông qua trang web Google Doodle.

Khi truy cập trang giới thiệu về Doodle Cải Lương, người xem có thể thưởng thức trực tiếp vở diễn này.

Vở Tiếng trống Mê Linh của đoàn Thanh Minh được công diễn lần đầu tiên năm 1977, thu hút được sự quan tâm rất lớn của công chúng bấy giờ. Năm 1978, cùng với Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh được Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh chọn ghi hình, là những vở cải lương đầu tiên được phát trên sóng truyền hình tại TP. Hồ Chí Minh.

Đạo diễn thực hiện ghi hình là Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Để (Diên An), với sự diễn xuất của dàn nghệ sĩ cải lương tài năng nhất thời đó như Thanh Nga, Thanh Sang, Văn Ngà, Bảo Quốc, Hùng Minh. Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh gần gũi với khán giả nhưng cũng đầy chất văn học. Đây là vở cải lương ca ngợi lòng yêu nước, tạo nên sự đoàn kết dân tộc mạnh mẽ.

Chiến dịch tôn vinh cải lương cũng được tham gia hưởng ứng bởi những nghệ sĩ sân khấu cải lương, các nhà sáng tạo nội dung YouTube, và các đơn vị khác:

  • NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Ngọc Huyền, nghệ sĩ Quế Trân, Khoai Lang Thang, Phương Mỹ Chi, Diệu Nhi, Chi Pu, sẽ cùng nhau thực hiện những nội dung đăng tải trên kênh YouTube cũng như trên kênh mạng xã hội của mình, chia sẻ tình yêu, kỷ niệm gắn liền với cải lương, hoặc thể hiện trực tiếp những trích đoạn cải lương mình yêu thích, giúp lan tỏa ý nghĩa chương trình và quảng bá nghệ thuật cải lương truyền thống đến công chúng.
  • HTV cũng nhân dịp này đăng tải Bên Cầu Dệt Lụa và Tô Ánh Nguyệt – hai vở cải lương kinh điển có bản quyền khác trên YouTube.
  • Nhà Hát Cải Lương Trần Hữu Trang – trên kênh YouTube chính thức vừa thành lập của nhà hát – cũng đăng tải hai trích đoạn cải lương Chiến Binh và Hiu Hiu Gió Bấc.
Google Doodle hôm nay 28/9: Thực hiện chiến dịch tôn vinh cải lương nhân giỗ Tổ sân khấu 2
Vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh gồm các nghệ sĩ: Thanh Nga - Thanh Sang - Văn Ngà - Bảo Quốc - Hùng Minh.

Việc số hóa và đưa những vở diễn kinh điển lên YouTube trong chiến dịch lần này nhằm phát huy vai trò của nền tảng này trong việc góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận, giúp khán giả dễ dàng thưởng thức bất cứ lúc nào, đồng thời cũng giúp bảo tồn những thước phim có giá trị văn hóa lịch sử trên nền tảng số.

Đại diện cho đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy loại hình sân khấu truyền thống dân tộc tại miền Nam, ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang cho biết: “Để giữ lại thời hoàng kim của sân khấu cải lương vào những thập niên 70, 80 là thách thức khó khăn đối với những người đang làm nghề. Với công nghệ 4.0 ngày hôm nay, các kênh: Google, YouTube giúp đưa những hình ảnh, những vở diễn, những chương trình, tiếp cận với khán giả một cách dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho việc quảng bá nghệ thuật truyền thống một cách hiệu quả. Tôi rất ủng hộ nỗ lực của Google về việc cải lương được tôn vinh trên trang chủ của Google với những chiến dịch quảng bá nghệ thuật Cải lương truyền thống.

Những nỗ lực quảng bá Cải lương của Google là hết sức đáng trân trọng, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này”, ông Triệu Trung Kiên, giám đốc nhà hát Cải lương Trung ương, đánh giá.

Chia sẻ cảm nghĩ từ góc độ một người nghệ sĩ và cũng là một chuyên gia về cải lương, NSND Bạch Tuyết cho biết: “Tận đáy lòng tôi biết ơn và thấy mình may mắn được đồng hành cùng các bạn trong dự án đặc biệt này. Việc giới trẻ tìm kiếm thông tin trên Google diễn ra mọi lúc mọi nơi. Tôi tin rằng các bạn vừa ngạc nhiên vừa tự hào khi nhìn thấy biểu tượng sân khấu dân tộc hiện diện trên trang chủ. Với thói quen thích tìm tòi, khám phá của những người trẻ, các bạn ấy sẽ chủ động tìm về cội nguồn, để hiểu và yêu hơn loại hình nghệ thuật cao quý này. Với tư duy nhân văn và tâm huyết của Google, tôi tin chúng ta đang song hành với những khán thính giả trẻ của sân khấu dân tộc Việt Nam.

Bà Diệp Bửu Chi, Phó Tổng Giám Đốc Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về mối quan hệ hợp tác với Google trong chiến dịch quảng bá cải lương: “Thông qua các hoạt động này, HTV mong muốn Google với những sản phẩm, tập người dùng khổng lồ, đưa nội dung truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc đến với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Các video thuộc chiến dịch quảng bá cải lương từ HTV, nhà hát Trần Hữu Trang và các nhà sáng tạo tham gia chương trình sẽ được tổng hợp trong danh sách phát Tôn Vinh Cải Lương trên kênh YouTube Google Việt Nam.

Về Cải Lương

Cải Lương là một loại hình nghệ thuật truyền thống ra đời vào đầu thế kỷ XX, được biểu diễn theo lối nhạc kịch, cải cách từ loại hình hát bội, hòa quyện với nhạc tài tử, dân ca nam bộ cho phù hợp với thị hiếu công chúng. Trong suốt hơn 1 thế kỷ lưu truyền và phát triển, cải lương đã được phổ biến rộng rãi và chiếm được tình cảm của công chúng trên khắp đất nước Việt Nam. Không chỉ mang những nét đặc trưng về nghệ thuật truyền thống dân tộc, với những làn điệu dân ca, nhạc tài tử, hệ thống ký xướng âm đặc biệt, tạo nên giai điệu độc đáo không lẫn với âm nhạc của bất kỳ quốc gia nào khác, cải lương còn phản ánh bối cảnh đời sống xã hội, tâm tư và quan điểm của người dân Việt Nam theo từng thời kỳ. Đó cũng là yếu tố đã giúp cải lương không ngừng phát triển và giữ chân khán giả trong suốt hơn 100 năm qua.

Xu hướng tìm kiếm Cải lương xấp xỉ nhạc Rap

Xu hướng tìm nhạc cải lương xấp xỉ nhạc rap
Xu hướng tìm kiếm nhạc Cái lương xấp xỉ nhạc Rap

Giữa bối cảnh hiện đại với sự ra đời của nhiều thể loại âm nhạc và nghệ thuật mới, cải lương dù đã qua thời hoàng kim, vẫn duy trì ổn định được sức hút và chỗ đứng trong nền nghệ thuật qua từng thời kỳ. Theo thống kê từ Google Xu hướng trong một năm trở lại đây, trước khi chương trình truyền hình về Rap ra đời khiến nhạc Rap được nhiều người chú ý hơn, xu hướng tìm kiếm nhạc Rap và Cải Lương trên Google Tiếng Việt gần như xấp xỉ nhau. Trong khi đó, xu hướng tìm kiếm dành cho EDM thậm chí còn thấp hơn.

Google Doodle là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com (hay Google Tiếng Việt - Google.com.vn) nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại. Trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) từ năm 2003 đến nay đã có nhiều tác phẩm Doodle như cách mà Google tôn vinh nét văn hoá đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống như Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Ngày Quốc Khánh, các nhân vật đặc biệt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái…

Xem thêm: