Hội Nông dân Việt Nam lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII

(VOH) - Từ ngày 3 đến ngày 5/11/2020, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 6 cuộc hội nghị tại 6 cụm thi đua để lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII.

Ngày 5/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cụm thi đua số 6 gồm Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Hội nghị có sự tham gia của  đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong cụm thi đua số 6, các nhà khoa học của nhà nông, các chuyên gia, các doanh nghiệp, hợp tác xã, và đại diện các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong khu vực…

 Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
 Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Góp ý kiến tại hội nghị, ông Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến cho rằng, dự thảo văn kiện đề cập đến những giải pháp phát triển đặt nặng về phía cung nhiều hơn, nên ông đề nghị: "Phần 5 phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế vùng kinh tế biển, tôi đề nghị bổ sung thêm chỗ này tức là phát triển kết cấu hạ tầng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại. Tôi đề nghị phát triển hạ tầng thương mại và phát triển đồng bộ ba thị trường là thị trường giao ngay, thị trường B2B và thị trường tương lai. Chính 3 thị trường đó chúng ta mới tính được tổng cầu, từ tổng cầu chúng ta mới quy ra tổng cung để cân đối và mang lại lợi ích, đảm bảo giá cho người nông dân cũng như những sản xuất khác.”

Ông Phan Văn Thà, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh góp ý về vấn đề đào tạo cán bộ, vấn đề giao thông còn hạn chế, cũng như về việc nông nghiệp nước ta còn nhiều khó khăn. Do đó, ông kiến nghị, riêng về lĩnh vực nông nghiệp, mong rằng Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng có chiến lược, có chính sách đồng bộ, đồng đều để khi làm ra sản phẩm thì phải bán được. Phải có chính sách, phải có thông tin, phải có dự báo cho ngành nông nghiệp để nông dân bám vào đó mà đi theo và đi lên. 

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố nêu một số ý kiến liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật để sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; Minh bạch việc quản lý và sử dụng đất công; Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Xuân cho biết: “Hiện thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay được đầu tư hạ tầng khá nhiều nhưng hiệu quả hoạt động không cao. Trong cơ sở hạ tầng phục vụ thiết chế văn hóa cho người dân vẫn chưa đảm bảo. Thì làm sao nâng cao chất lượng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu thì đời sống vật chất tinh thần của người dân là điều hết sức quan trọng và đặc biệt là đối tượng nông dân ở trên địa bàn thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung.”

Hội nghị có 12 ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tập trung vào báo cáo chính trị, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội và báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng…

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh các ý kiến bao quát nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường. “Thứ nhất là về cơ chế chính sách, thể chế thì các đại biểu tập trung góp ý để làm sao có chính sách toàn diện, đồng bộ cho phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn. Phải có cơ sở pháp lý để phát huy vai trò chủ thể của nông dân, của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Và đặc biệt các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề phúc lợi cho nông dân. Vấn đề thứ hai là khoa học công nghệ thì các đại biểu tập trung nhiều nhất về vấn đề hiệu quả trong việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Vấn đề thứ ba là cơ sở hạ tầng thì các đại biểu góp ý nhiều nhất đó là vấn đề giao thông.”

Ông Điểu K’ré, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: “Ban Dân vận có trách nhiệm tổng hợp lại để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư rồi để đưa cho tiểu ban tham gia. Chúng ta phải tham gia góp ý văn kiện này để văn kiện hoàn thiện, lúc đó văn kiện ban hành mới thành Nghị quyết được.”

Bình luận