Chờ...

Những tấm gương bình dị có sức lay động

(VOH) - Sau 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, nhiều cá nhân, tập thể hội viên phụ nữ thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM đã thực hiện tốt, xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự là một công việc thường xuyên, liên tục như những bông hoa tỏa ngát hương trong khu vườn của Bác.

Chúng tôi đến thăm chị Salymah là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ phường 7, quận 6. Chị Salymah là hội viên dân tộc Chăm sống tại quận 6. Từ một hội viên tích cực tham gia hoạt động phong trào của hội tại địa phương, đến nay chị đã được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ phường 7, quận 6.

Với vai trò cán bộ hội, chị phát huy ưu thế trong tuyên truyền vận động phụ nữ đồng bào Chăm tại địa phương. Để làm tốt việc này chị đã dành thời gian đến từng nhà chị em phụ nữ đồng bào Chăm để thăm hỏi, tìm hiểu và tuyên truyền vận động giới thiệu về những quyền lợi, trách nhiệm của phụ nữ khi tham gia vào tổ chức hội.

Những tấm gương bình dị có sức lay động

Các gương điển hình giao lưu tại buổi Tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: phunuonline

Đối với những hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ chị luôn kịp thời nắm bắt trao đổi và mạnh dạn đề xuất các phương án hỗ trợ nhằm góp phần hỗ trợ cho các hộ phụ nữ đồng bào Chăm thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nói về chị Salymah, chị Xaron là một hội viên hội phụ nữ của phường 7, quận 6, nhờ sự hỗ trợ tận tình mà gia đình chị nay có cuộc sống đỡ chật vật hơn: "Salymah rất là tốt, chị hiểu biết nhiều, có kiến thức vì người phụ nữ Chăm ít ra ngoài lắm. Khi thành lập hội phụ nữ Chăm cùng sinh hoạt vui vẻ và có đủ thứ hết".

Qua các phong trào chị đã vận động được nhiều phụ nữ đồng bào Chăm đến với hội. Trong đó có 22 gia đình phụ nữ đạo hồi tham gia vào các Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ môi trường, gia đình phòng chống tệ nạn xã hội, chị Salymah chia sẻ:

"Các chị em phụ nữ khó khăn thì mình biết để giúp đỡ kịp thời giúp các chị vay vốn, xây dựng nhà tình thương. Tạo việc làm cho các chị, giúp các em được đến trường, phát quà cho các em vào đầu năm học mới. Đặc điểm của phụ nữ Chăm thì mình giới thiệu về các kỹ năng xây dựng đại đoàn kết nhiều năm qua làm theo lời Bác Hồ dạy".

Đặc biệt, chị thành lập CLB ca múa, nhạc kịch của người đạo hồi với 25 thành viên. Tạo sân chơi lành mạnh, vui tươi và bảo tồn văn hóa dân tộc cho cộng đồng hội viên phụ nữ người Chăm tại địa phương. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác hội chị đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng người Chăm, giữa Hội LHPN phường với hội viên phụ nữ Hồi giáo, góp phần củng cố niềm tin đồng bào người Chăm với Đảng, chính quyền và hội. Với những nỗ lực đó, năm 2016 chị đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chị Salymah là người tình nguyện làm cánh tay của Hội nối dài đến chị em người Chăm. Bởi như chị cho biết, khi có sự mở lời của chồng thì phụ nữ Chăm mới mạnh dạn bước ra ngoài với Hội. Từ đó, phong trào mới có thể lan rộng hơn, được nhiều chị em ủng hộ hơn: "Đa số các chị em phụ nữ dân tộc vẫn còn e dè, nhút nhát trong các hoạt động giao tiếp bên ngoài. Cái khó khăn nhất là mình phải đến nhà chị em các dân tộc để thuyết phục gia đình và các ông chồng để giải thích cho các ông hiểu và cho các chị vào Hội. Khi tiếp cận với các chị ưu tiên hàng đầu là làm sao để các chị hiểu được vai trò, giá trị của phụ nữ để các chị có những kiến thức cơ bản thì mới thuyết phục được".

Còn câu chuyện 20 năm phổ cập, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo của cô giáo Trần Thị Hai, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 làm nhiều người xúc động. Lớp học tình thương ban đầu không có bàn, ghế, bảng…

Vậy mà hơn hai mươi năm qua, địa chỉ này đã giúp hơn 2.000 đứa trẻ có những bài học vỡ lòng, nhiều anh chị từng là trẻ lang thang, bán vé số, từ lớp học của cô Hai đã trở thành công nhân, kỹ sư,… thành người có ích cho đời. Hiện nay cô Hai đã nghỉ hưu và tiếp tục giảng dạy tại trường Lê Văn Thọ, Quận 12. Cảm nhận được những khó khăn của học sinh tại địa phương, không có điều kiện đến lớp cô đã mở lớp dạy phổ cập tiểu học tại nhà.

Cô Trần Thị Hai, cho biết: "Gặp những em cơ nhỡ giống như mình nên tôi muốn ai ai cũng đều biết chữ, làm sao để trẻ em biết chữ. Vì mình xuất thân từ gia đình nghèo và được đào tạo tại địa phương nên tôi thấu hiểu các em cùng hoàn cảnh nghèo không nơi nương tựa.

Thứ hai nữa là cha mẹ các em gặp rất nhiều khó khăn. Thứ 3 nữa là các em phải đi bán vé số ở nhiều nơi và ở nhà trọ. Là một cán bộ phụ nữ đi theo sát từng hội viên nên biết rõ hoàn hoàn cảnh của các em nên đem các em về dạy dỗ".

Ba của em Nguyễn Bảo Vĩnh Nghi ở quận 12 kể, gia đình nghèo quá, phải ở nhà thuê nên không có tiền cho con đi học. Ông bà nội của Vĩnh Nghi năm nay gần 80 tuổi, sức khỏe yếu. Không có công việc làm ổn định, khó khăn chất chồng nên mẹ của Vĩnh Nghi đã bỏ nhà đi lấy chồng khác. Em còn nhỏ đã sớm phụ bà may túi xách để lo cho gia đình.

Nhờ có cô Hai mà năm nay Vĩnh Nghi đã vào lớp 6: "Cô Hai tốt lắm, nói chung thằng bé ở nhà đi học là cô Hai không có lấy tiền bạc gì hết. Giúp cho đỡ cho nó được đi học vậy thôi. Thằng Vĩnh Nghi nó thích đi học lắm. Hồi trước nó học mới lớp 5 là nó nghỉ, giờ nó muốn học lại là cô Hai cũng rèn cho nó học hành".

Tính đến nay, hơn 2.000 em nhỏ được cô Hai dạy vỡ lòng ở lớp phổ cập tại nhà, trong đó có người trở thành công nhân, kỹ sư. Được tuyên dương là điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cô Hai nói rất chân thành: Từ thời trẻ, đã nhận thức rõ ràng lời dạy của Bác, sự nghiệp trồng người là công việc cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, không ngưng nghỉ. Đó là lời di huấn đầy tình cảm, tâm tư, trí tuệ của Bác Hồ. Cô đã sống và làm theo phương châm đó suốt quãng đời đã qua của mình.

Qua những việc làm của cô Hai, chị Salymah là những tấm gương điển hình minh chứng sống động rằng: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là những việc to tát, lớn lao, mà trước hết là những việc làm bình dị, gần gũi, thiết thực nhất của mỗi người. Học và làm theo Bác không phải là chuyện phong trào, mà là công việc cả đời, mà là việc của từng ngày.