Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh để phục vụ nhân dân, phát triển Thành phố

(VOH) -  Là Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ nên việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải thể hiện, truyền tải giá trị văn hóa Hồ Chí Minh vào các hoạt động của Thành phố.

Trong bài 1 của loạt bài “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Bác - Trách nhiệm và quyết tâm”, đã đề cập đến các công trình văn hóa mang đặc trưng Thành phố Bác. Đó là niềm tự hào của người dân Thành phố, vừa là những di sản văn hóa góp phần quan trọng trong xây dựng Thành phố, xây dựng con người nơi đây.

Mời quý độc giả đến với bài 2, nhan đề: “Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh để phục vụ nhân dân, phát triển Thành phố”.

Là Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ nên việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải thể hiện, truyền tải giá trị văn hóa Hồ Chí Minh vào các hoạt động của Thành phố. Để xây dựng thành công Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần cụ thể hóa để người thụ hưởng tiếp cận nhanh hơn, hiểu rõ hơn thì những không gian văn hóa công cộng cần gắn với hình ảnh của Bác Hồ, nhất là tại các trường học và cơ quan nhà nước.

Hiểu được tầm quan trọng của việc rèn luyện nhân cách của các em học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều cuộc thi để các em học sinh, sinh viên tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, để từ đó giá trị tư tưởng, đạo đức của Bác thấm nhuần vào giới trẻ. Tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh - Quận 1, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên, và ở đó các em học sinh được học, tiếp cận và thi đua theo tinh thần của Bác. Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh Cao Đức Khoa cho biết: "chúng tôi cũng thực hiện Không gian văn hóa nói chung và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng, chúng tôi tổ chức các Câu lạc bộ và ở mỗi tổ bộ môn đều có câu lạc bộ, đặc biệt là tổ sử, địa, công dân. Đây là tổ mà phát triển các em về văn hóa dân tộc và văn hóa Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ này thì thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho các em tham gia thi. Chúng tôi cũng tổ chức các hội thi của thành đoàn, thành phố, của ngành giáo dục, liên quan đến các cuộc thi là tìm hiểu văn hóa, truyền thống dân tộc, về Bác Hồ. Chúng tôi tổ chức đủ các hoạt động này để cho các em nắm bắt, theo dõi và dự thi".

Còn tại Trường Đại học Văn Hóa TPHCM thì việc tổ chức các chương trình học chính khóa tìm hiểu về Bác rất được chú trọng trong thời gian qua. PGS.TS Nguyễn Thế Dũng - hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: "Trong trường chúng tôi giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình chính khóa với thời lượng 45 tiết. Tôi cũng đề nghị các thầy, sinh viên là thông qua môn học đó, làm cho sinh viên nhận thức đầy đủ về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thứ hai, lực lượng thứ hai phải làm là phòng công tác sinh viên, đoàn thanh niên, hội sinh viên sẽ tiếp tục phát triển chủ trương này ra trong thực tiễn. Năm nào trường cũng tổ chức cuộc thi về Chủ nghĩa Max Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời hằng năm chúng tôi đều phát động trong cán bộ, sinh viên có những tác phẩm để quảng bá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh để phục vụ nhân dân, phát triển Thành phố 1
Ảnh minh họa: ttbc-hcm.gov.vn

Chính từ việc tìm hiểu, được tham gia các cuộc thi hay đọc những tác phẩm của Bác, viết về Bác mà việc làm theo Người đã trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên, hữu ích của đoàn viên, thanh niên. Bí thư đoàn phường 17, Quận Phú Nhuận - Lê Phạm Ngọc Đức chia sẻ: "Khi Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ giúp cho các em thiếu nhi hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Học tập và làm theo tư tưởng Bác Hồ thì mình chọn ra những mục tiêu chủ đạo, chẳng hạn như tính cần kiệm, liêm chính. Như hiện tại bây giờ Đoàn phường đang tổ chức mô hình tiết kiệm để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Như thu gom ve chai, hay đóng góp tiết kiệm heo đất, gây quỹ để hỗ trợ học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tuyên dương những bạn tích cực trong mô hình đó để nhân rộng thêm".

Tại Phường Cầu Kho, Quận 1, chính nhờ không gian Văn hóa Hồ Chí Minh với các tác phẩm sách, ảnh được đã giúp cho cán bộ, công chức, người lao động thấm nhuần tư tưởng và vận dụng cụ thể trong công tác hành chính, nhằm phục vụ Nhân dân, phát triển Thành phố. Ông Vũ Đình Trung - Bí thư Đảng ủy Phường Cầu Kho quận 1 cho hay: "Chúng tôi sẽ xây dựng ở trung tâm hoạt động cộng đồng của phường, sẽ đầu tư sách để đảng viên cũng như quần chúng nhân dân đến đây có thể xem các thông tin nói về Bác. Các vấn đề mà Bác đặt ra cho chúng ta thấy trong mỗi giai đoạn như thế nào để làm sao mỗi người dân, đảng viên hiểu được vấn đề này. Cán bộ công chức phải là những người gương mẫu, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác, đặc biệt là trong công tác giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp".

Đề án xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang được triển khai, lấy ý kiến để hoàn thiện, đưa vào thực hiện. Đề án Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, việc xây dựng Không gian văn hóa có ý nghĩa rất lớn, xây dựng nên bản sắc văn hóa của Thành phố năng động, hiện đại, nghĩa tình. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo - Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam nêu quan điểm: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố này không nên giới hạn ở trong cái gì đó cứng nhắc, trong khuôn khổ về vật chất cụ thể mà tốt nhất thông qua khuôn vật chất, thông qua không gian cụ thể ấy để làm nổi bật tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đặc biệt là tấm gương Hồ Chí Minh đối với Nhân dân. Trong lúc này càng phải đề cao việc đưa tinh thần cốt lõi không gian văn hóa Hồ Chí Minh lên không gian mạng. Đó là một cách mà chúng ta làm cho mọi người hiểu hơn về đất nước này, con người dân tộc này. Mỗi sự phát triển của kinh tế xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh là biểu hiện thắng lợi của chúng ta trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh".

Việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh đang được Thành phố triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, muốn xây dựng một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh thì phải quảng bá sâu và dài lâu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác để tất cả mọi người ở mọi tầng lớp trong xã hội hiểu một cách thấu đáo. Và đề án này không thể hình thành trong một sớm một chiều, mà phải có thời gian và kế hoạch hoàn chỉnh. Cần có sự đầu tư cần thiết, phải có hàng loạt thiết chế văn hóa tương xứng, mà lãnh đạo TPHCM phải là đầu tàu, có sự định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài, trong xây dựng và phát triển Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh.