Theo đó, mỗi kỷ lục gia sẽ chọn cho mình một món ăn đặc trưng của Việt Nam mà mình yêu thích. Đó có thể là món ăn thường ngày của bà, của mẹ, những món ăn gắn liền với tuổi thơ và gia đình hoặc một món ăn, đặc sản của địa phương ghi dấu sâu đậm trong tâm trí để giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế trong các sự kiện họ tham gia.
Các món ăn, đặc sản được kỷ lục gia giới thiệu sẽ gia tăng cơ hội được du khách trong nước và quốc tế biết đến và tìm về các địa phương xuất xứ để thưởng thức và cảm nhận, từ đó giúp kích cầu phát triển kinh tế du lịch cho địa phương.
“VietKings hy vọng thông qua hành trình này, bằng tiếng nói và hành động của các Kỷ lục gia Việt Nam góp phần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa các giá trị tinh hoa của ẩm thực Việt, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam khắp năm châu, trước hết là trong hệ thống các Tổ chức Kỷ lục Quốc gia trên thế giới. Cũng là sự nối dài cho Hành trình giới thiệu và quảng bá ẩm thực đặc sản Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) thực hiện trong 12 năm liên tục (2010-2022)”, ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Vietkings chia sẻ.
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Châu Á có quyết định công bố xác lập 11 kỉ lục vào ngày 15/8/2022, cho 11 loại ẩm thực, đặc sản của Việt Nam gồm: 07 loại món ăn đặc sản: gỏi sầu đâu (tỉnh An Giang), gỏi cá trích phú quốc (tỉnh Kiên Giang), lẩu mắm U Minh (tỉnh Cà Mau), các món ăn từ sen (tỉnh Đồng Tháp), các món ăn từ cá Thát lát (tỉnh Hậu Giang), các món ăn từ Cá ngừ Đại dương (tỉnh Phú Yên), các món ăn từ Dừa (tỉnh Bến Tre); 02 đặc sản thiên nhiên: tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang); 02 đặc sản quà tặng: yến sào (tỉnh Khánh Hòa), rượu Sim Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Dự kiến, bằng Kỷ lục Châu Á sẽ được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ủy quyền cho VietKings trao tặng đến các địa phương vào dịp Hội ngộ Top diễn ra vào cuối năm 2022 tại TP.Hồ Chí Minh.