Cơm huyết rồng
Vùng đất ngập lũ, nhiễm phèn ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long đã sản sinh ra giống lúa huyết rồng, từ đó tạo nên gạo huyết rồng.
Như tên gọi, gạo huyết rồng (dân gian thường gọi là gạo lứt) có màu đỏ đậm, hạt thon dài, có độ trong nhất định, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ, đầy đủ tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin (B1, B2, B3, B5, B6…), các nguyên tố vi lượng (canxi, sắt, magie, kali…).
![[BÀI TẾT 1] Ngày xuân, tìm hiểu những món ăn mang tên Rồng 1](https://image.voh.com.vn/voh/Image/2024/01/05/mon-ngon-dong-thap.jpg?t=o%3Ft%3Do&w=1600&q=85)
Cơm huyết rồng - là món ăn ngon nổi tiếng khi nhắc đến tỉnh Đồng Tháp. Gạo huyết rồng sau khi ngâm nước sẽ được trộn với hạt sen, muối mè sau đó bọc trong lá sen và hấp chín. Khi chín, hạt cơm, lá sen trộn lẫn vào nhau, tạo thành một mẻ cơm màu sắc bắt mắt, khi ăn có vị ngọt, béo của cơm, vị bùi, thơm mùi sen phảng phất của hạt sen và lá sen. Đây là món đặc sản được dùng để thiết đãi thực khách trong và ngoài nước khi đến với Đồng Tháp.
Đậu rồng
Đậu rồng thuộc họ đậu, thân leo, sống được nhiều năm, trái đậu rồng màu xanh, có 4 cạnh tương tự như trái khế nhưng răng cưa và không mọng nước. Nhà nông trồng đậu rồng để lấy trái ăn như các loại rau xanh khác... Ở nước ta đậu rồng được trồng nhiều tại các tỉnh Nam bộ.
Trái đậu rồng non giòn sật sật, vị bùi bùi có hậu ngọt nhẹ, khi ăn sống rất "đã răng". Ngoài ra, có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo thành một món xào thơm ngon, nhiều màu sắc.
![[BÀI TẾT 1] Ngày xuân, tìm hiểu những món ăn mang tên Rồng 2](https://image.voh.com.vn/voh/Image/2024/01/05/dau-rong.jpg?t=o%3Ft%3Do&w=1600&q=85)
Đậu rồng cung cấp nhiều protein, axit amin và lượng chất xơ cũng như khoáng chất có lợi cho cơ thể như sắt, kali, mangan và đồng. Đặc biệt, lượng folate đáng kể trong đậu rồng có lợi cho phụ nữ mang thai và có thể hỗ trợ tốt cho bộ não cũng như điều chỉnh lượng đường trong máu. Trong Đông y, đậu rồng được dùng để giảm triệu chứng khó tiêu, đầy chướng bụng…
Theo y dược cổ truyền, hạt đậu rồng có thể chữa đau bao tử khá hiệu quả. Đem 15-20 hạt đậu rồng rang cho vàng rồi để nguội. Dùng hạt trước mỗi bữa ăn khoảng 20-30 phút và mỗi ngày thực hiện 2-3 lần. Mỗi lần sử dụng, người bệnh chỉ cần lấy một vài hạt đậu rồng để nhai cho nhuyễn rồi nuốt trôi cùng với một ít nước. Với người bị hen suyễn, ăn đậu rồng giúp giảm các cơn hen cấp, cơ phế quản được thư giãn và điều hòa nhịp độ của hơi thở.
Không chỉ thế, chất kali chứa trong đậu rồng giúp ổn định nhịp tim, hạn chế ôxy hóa thành mạch, giảm thiểu cholesterol xấu, kiểm soát huyết áp, bảo vệ tim mạch trước nguy cơ đột quỵ, thiếu máu cơ tim, điều tiết insulin, hỗ trợ chuyển hóa glucose và cân bằng lượng đường trong máu.
Chả rồng đất
Con rươi là cách gọi phổ biến chúng ta thường nghe, nhưng đặc sản này còn được gọi là “rồng đất”. Sở dĩ có cách gọi như vậy là vì hình dáng dài, màu nâu hồng, thân có nhiều tơ và chân nên người dân có liên tưởng như vậy. Rươi thuộc họ giun, thường sống tại các khu vực nước lợ, vùng đồng bằng trũng thấp, đất ngập úng, các con sông, lạch nhỏ. Mùa rươi là khoảng các tháng 9, 10, 11 Âm lịch hàng năm.
Rươi có nhiều ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình… Nhưng rươi ngon nhất, mập nhất là rươi Tứ Kỳ, Hải Dương. Và nổi tiếng nhất không thể không kể đến món chả rươi.
Để rươi vừa ngon vừa dai, người dân địa phương sẽ đánh nhuyễn thân rươi đến khi sánh vàng với hỗn hợp thịt băm, trứng, ớt tươi, vỏ quýt, hành lá, thì là… Vỏ quýt là 1 trong số gia vị làm nên hương vị của món chả rươi Tứ Kỳ. Hương thơm nức mũi của chả rươi vừa mới chiên, cùng vị béo ngậy của thịt rươi hòa quyện với vị the the của vỏ quýt tạo nên một món chả rươi đặc sắc thơm ngon hấp dẫn vô cùng. Ăn chả rươi cùng với cơm nóng thì tuyệt còn gì bằng.
![[BÀI TẾT 1] Ngày xuân, tìm hiểu những món ăn mang tên Rồng 3](https://image.voh.com.vn/voh/Image/2024/01/05/cha-ruoi.jpg?t=o%3Ft%3Do&w=1600&q=85)
Ngoài chả rươi, các món như rươi kho niêu đất, rươi rang muối, mắm rươi… cũng là món khoái khẩu của nhiều người Các món từ rươi ngày càng phổ biến, đặc biệt nổi tiếng là chả rươi. Cũng vì ngày càng phổ biến nên rươi tự nhiên càng hiếm, giá càng lên cao, từ 500 - 900 ngàn đồng/kg.
Canh xương rồng
Món canh xương rồng (còn có tên khác là canh lưỡi long) của vùng đất ven biển Quảng Bình mang hương vị chua chua hấp dẫn, là món ăn thu hút sự chú ý của đông đảo thực khách khi đến mãnh đất miền Trung này.
Canh xương rồng Quảng Bình có cách chế biến cực kỳ đơn giản với nguyên liệu dân dã và rất dễ tìm. Ngoài nguyên liệu chủ yếu là vài nhánh xương rồng, người dân thường nấu chung với cá lóc hoặc cá đuối, kết hợp với đậu bắp, bạc hà cùng các loại rau nêm như ngò rí.
![[BÀI TẾT 1] Ngày xuân, tìm hiểu những món ăn mang tên Rồng 4](https://image.voh.com.vn/voh/Image/2024/01/05/canh-xuong-rong-1.jpg?t=o%3Ft%3Do&w=1600&q=85)
Xương rồng non (mục đích để mang lại vị ngọt và cảm giác mịn cho người ăn) đem lọc bỏ phần gai bên ngoài, mang đi thái mỏng rồi chần sơ với nước sôi để giảm độ nhớt. Sau đó, tùy theo khẩu vị và sở thích ăn uống của mỗi người thêm thắt các gia vị cần thiết.
Đây là món ăn rất thích hợp để thưởng thức vào những ngày hè oi nóng. Húp một ngụm canh, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được vị chua, ngọt xen lẫn chút cảm giác lạ miệng gây thương nhớ.