Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào tháng 3 - 4 hoặc tháng 9 - 10 hàng năm, bởi đây là giai đoạn giao mùa, thời tiết có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho virus cúm phát triển nhanh chóng và gây bệnh.
Theo TS BS. Nguyễn Thị Sơn, Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, virus cúm mùa sau khi xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra các triệu chứng ban đầu bao gồm:
- Đau nhức cơ thể
- Nhức đầu
- Sốt
- Ho khan
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Trẻ em bị cúm mùa ngoài những triệu chứng trên, còn kèm theo một số tình trạng khác như: ho, nôn ói và tiêu chảy.
Trong một số trường hợp, bệnh cúm mùa có thể sẽ diễn tiến nặng với những dấu hiệu như:
- Toàn thân mệt mỏi, kiệt sức
- Sốt cao liên tục
- Khó thở
Đây là những dấu hiệu cho thấy cúm đã trở nặng và người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm từ bệnh cúm mùa.
Bác sĩ Sơn cũng cho biết, bệnh cúm mùa khi không được điều trị có thể chuyển sang cúm ác tính và gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe, đặc biệt là ở những đối tượng là trẻ em, người lớn tuổi có bệnh lý nền, người bị suy giảm hệ miễn dịch (chẳng hạn đang điều trị ung thư) và những đối tượng có tình trạng thừa cân, béo phì.
Vì vậy, người bị cúm mùa khi thấy có những dấu hiệu cho thấy bệnh cúm đã trở nặng như: mệt mỏi nhiều, khó thở nhiều, ho nhiều, sốt nhiều thì cần đến ngay bệnh viện. Việc đợi đến khi có dấu hiệu “tím môi, tím miệng” mới đến bệnh viện có thể sẽ khiến cho quá trình điều trị bị chậm trễ, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Bên cạnh việc theo dõi các triệu chứng của cúm mùa thì người bệnh cũng nên tìm hiểu dấu hiệu khác nhau giữa cúm mùa và Covid -19 để có thể sớm nhận biết và chủ động phòng tránh những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.
Đừng quên theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.