Vì sao gọi bệnh cúm là “cúm mùa ác tính”?

VOH - Cúm mùa là một căn bệnh đáng sợ khi bùng phát thành đại dịch và có thể cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới.

Cúm mùa dễ "đánh lừa" người khác thành những căn bệnh đường hô hấp khác với các triệu chứng thông thường như ho, hắt hơi,... Nếu mắc cúm nhẹ, bệnh sẽ khỏi trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Nhưng một số trường hợp, cúm có diễn tiến thành ác tính và gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.   

Khi cúm mùa biến chứng ác tính

Chia sẻ với VOH, TS BS. Nguyễn Thị Sơn, Trưởng khoa Nội Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nhóm virus cúm A là nhóm virus có nguy cơ khiến người bệnh gặp các biến chứng nặng. Thông thường, cúm mùa chỉ làm viêm đường hô hấp trên. Virus sẽ đi từ mũi, họng đến vùng thanh quản, khí quản. 

Tuy nhiên, khi virus cúm di chuyển xuống đường hô hấp dưới (bao gồm phế quản và phổi) có thể gây ra những tổn thương phổi nặng nề. Đó là dấu hiệu cho thấy người bệnh đã bị cúm ác tính. 

Cúm ác tính xảy ra nhanh chóng trong vòng 3 - 5 ngày hoặc khoảng 7 ngày.  Trong khi đó, đây là giai đoạn lui bệnh thì người bệnh bất ngờ gặp biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, tím tái và có thể gây đột tử. 

Cúm mùa là nguyên nhân chính làm tổn thương đa cơ quan khiến bệnh nhân bị viêm phổi nặng. Tim mạch, gan, thận của người bệnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề, dễ dẫn đến tử vong.

Vì vậy, khi mắc cúm mùa, người thân và cả bản thân bệnh nhân không nên chủ quan. Nếu trường hợp bệnh trở nặng hoặc cảm thấy khó thở, mệt nhiều,... người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để các y bác sĩ có thể can thiệp sớm, phòng tránh những biến chứng không có lợi cho sức khỏe.

Vì sao gọi bệnh cúm là “cúm mùa ác tính”? 1
Cúm có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và dẫn đến tử vong - Ảnh: Canva

Vì sao lại gọi là “cúm mùa ác tính”?

Cũng theo TS BS. Nguyễn Thị Sơn, cúm mùa biến chứng ác tính xảy ra nhanh và có thể gây tổn thương đa cơ quan, thậm chí là gây tử vong. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm mùa ác tính thường là người bị suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng kém như trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người lớn tuổi. 

Chẳng hạn, bệnh nhân bị ung thư hoặc đang điều trị bệnh lý ung thư, bệnh lý miễn dịch như lipid ban đỏ,... sẽ có hệ miễn dịch yếu. Đây là điều kiện lý tưởng để virus cúm tấn công vào hệ thống miễn dịch, làm sức đề kháng kém đi, dẫn tới tình trạng ác tính.

Ngoài ra, người mắc bệnh nền như suy thận, suy tim, hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, đái tháo đường,... khiến cúm mùa trở nặng, gây tổn thương các cơ quan. Người bị thừa cân, béo phì thường bị rối loạn về chuyển hóa cũng có khả năng mắc cúm mùa ác tính cao. 

Vì sao gọi bệnh cúm là “cúm mùa ác tính”? 2

Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận