Bệnh dịch hạch – con đường lây truyền và cách phòng tránh

(VOH) - Theo các chuyên gia y tế, bệnh dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, lây lan mạnh và có tỷ lệ tử vong cao. Vậy làm sao để ngăn ngừa loại bệnh này?

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh dịch hạch, từ đó dễ dàng nhận biết từ các dấu hiệu ban đầu để kịp thời điều trị, tránh gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, qua bài viết này bạn cũng sẽ biết cách phòng bệnh dịch hạch cho chính mình và những người thân trong gia đình.

1. Bệnh dịch hạch là gì?

Bệnh dịch hạch là một bệnh lý truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn Yersinia pestis - là một loài vi khuẩn hình que thuộc họ Enterobacteriaceae). Bệnh lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm (chuột, thỏ,…) sang người qua vật chủ trung gian là bọ chét.

Tính đến năm 2014, thế giới đã xảy ra ba đại dịch và số người chết vì bệnh này lên tới hàng trăm triệu người.

Bệnh dịch hạch được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Ở Việt Nam, bệnh này thường phát triển vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét.

2. Bệnh dịch hạch lây qua đường nào?

Con người có thể mắc bệnh dịch hạch qua các con đường lan truyền sau đây:

2.1 Lây lan từ trung gian bọ chét

Bệnh dịch hạch lan truyền từ bọ chét là con đường lây lan phổ biến nhất. Bọ chét hút máu động vật mang bệnh (chuột, thỏ, nhím,…) rồi cắn người. Sau đó, vi khuẩn gây bệnh dịch hạch sẽ theo vết cắn vào cơ thể người và gây bệnh.

benh-dich-hach-con-duong-lay-truyen-va-cach-phong-tranh-voh-1

Bệnh dịch hạch ở chuột, thỏ...lây truyền cho người thông qua vết cắn của bọ chét (Nguồn: Internet)

Thông thường, sự lan truyền bệnh dịch hạch ghi nhận được từ các loài động vật gặm nhấm sang người. Tuy nhiên, sự lan truyền trực tiếp từ người sang người vẫn xảy ra thông qua bọ chét Pulex irritans, ở Nam Phi.

2.2 Lan truyền trực tiếp

Bệnh dịch hạch có thể lan truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh mà không cần sự có mặt của vật chủ trung gian như bọ chét. Các đường lây lan trực tiếp có thể là:

  • Đường hô hấp

Hít phải vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí do tiếp xúc với dịch hạch thể phổi hoặc người bệnh chết vì dịch hạch.

  • Đường tiêu hóa

Đây là đường lây truyền ít gặp vì vi khuẩn dịch hạch dễ bị tiêu diệt khi đun sôi, nấu chín.

  • Đường niêm mạc, da

Vi khuẩn dịch hạch có thể xâm nhập trực tiếp qua cả da lành và các vết thương hở trên da.

3. Dấu hiệu bệnh dịch hạch là gì?

Tìm hiểu dấu hiệu và triệu chứng bệnh dịch hạch sẽ giúp bạn sớm nhận biết khi chẳng may bị lây truyền bệnh.

Bệnh dịch hạch có 4 thể bệnh là thể hạch, thể phổi, thể da và thể nhiễm trùng huyết. Ở nước ta, thể hạch là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94 – 98%). Tùy vào mỗi thể bệnh, biểu hiện và triệu chứng bệnh dịch hạch có phần khác nhau. Cụ thể là:

3.1 Thể hạch

Các triệu chứng gồm có:

Sau 1 – 2 ngày, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát. Khi đó, bệnh sẽ dẫn đến viêm hạch ở khu vực liên quan đến nơi bọ chét đốt. Hạch viêm sẽ hóa mủ, tự vỡ, chảy dịch mủ và máu, chất hoại tử và lâu liền vết thương, nếu thành sẹo sẽ bị co rúm. Lúc này, nếu bạn được điều trị sớm, đúng phác đồ thì sẽ thu nhỏ lại.

3.2 Thể phổi

Thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ sau vài giờ, bệnh tiến triển nhanh và nguy cơ lây lan cao. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như:

  • Sốt cao, rét run, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, bứt rứt.
  • Khoảng 24 giờ sau, người bệnh sẽ thấy đau tức ngực, khó thở, thở nhanh nông.
  • Ho có đờm nhầy và loãng, sau đặc dần, có máu hoặc có nước bọt.

benh-dich-hach-con-duong-lay-truyen-va-cach-phong-tranh-voh-2

Bệnh nhân bị dịch hạch sẽ sốt cao (Nguồn: Internet)

3.3 Thể nhiễm trùng huyết

Các triệu chứng gồm có:

  • Sốt cao 40 – 41 độ C, rét run, đau đầu dữ dội, tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần.
  • Bệnh nhân hốt hoảng, vật vã, kích động, nói sảng, thở nhanh nông,…

3.4 Thể da

Bệnh dịch hạch thể da thường chỉ có biểu hiện lâm sàng tại chỗ. Các nốt dát xuất hiện tại vị trí vi khuẩn xâm nhập, sau tiến triển thành mụn nước rồi mụn mủ lẫn máu, bệnh nhân cảm thấy đau rát khi chạm vào.

Vùng da xung quanh mụn mủ xung huyết, thâm nhiễm, có gờ cao. Các mụn mủ dễ vỡ, để lại vết loét với đáy thâm nhiễm vàng, phủ vảy đen. Các vết loét này lâu lành và chậm liền sẹo.

4. Bệnh dịch hạch có chữa được không?

Bệnh dịch hạch tuy nguy hiểm nhưng có thể điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Các thuốc điều trị được lựa chọn là:

  • Kháng sinh nhóm aminoglycosides (streptomycin, gentamycin).
  • Nhóm tetracyclines (tetracyclin, doxycycline).
  • Nhóm fluoroquinolones (ciprofloxacin, levofloxacin).
  • Nhóm sulfonamides (trimethoprim-sulfamethoxazole).
  • Cloramphenicol.

benh-dich-hach-con-duong-lay-truyen-va-cach-phong-tranh-voh-3

Dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh dịch hạch (Nguồn: Internet)

Để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp, các bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố sau:

  • Chức năng thận.
  • Bệnh nhân có dung nạp kháng sinh hay không.
  • Tuổi (người lớn, trẻ em).
  • Phụ nữ mang thai.
  • Tình trạng bệnh.

Phụ nữ mang thai và trẻ em là 2 nhóm đối tượng mà việc điều trị nên được cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ do tác dụng phụ của thuốc.

Cùng với việc điều trị bệnh dịch hạch bằng kháng sinh, cần có sự kết hợp với điều trị các triệu chứng. Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, truyền dịch, chống toan huyết, chống suy đa phủ tạng, hồi sức tích cực trong thể nặng,…là những phương pháp có thể lựa chọn để điều trị kết hợp với kháng sinh.

5. Phòng bệnh dịch hạch bằng cách nào?

benh-dich-hach-con-duong-lay-truyen-va-cach-phong-tranh-voh-4

Hãy đeo găng tay khi dọn dẹp nhà cửa, nhất là khi dọn xác động vật chết (Nguồn: Internet)

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, để phòng bệnh dịch hạch cần lưu ý:

  • Vệ sinh môi trường, cải thiện nhà cửa, kho bãi nơi làm việc, cất giữ lương thực cho người, gia súc kín đáo. Điều này sẽ khiến cho chuột và các loài gặm nhấm không có nguồn thực phẩm và môi trường thuận lợi để sống, sinh sôi.
  • Đeo găng tay khi xử lý động vật chết để tránh tiếp xúc với da, vi khuẩn dịch hạch (nếu có).
  • Dùng thuốc chống, diệt côn trùng nếu nghĩ mình đã tiếp xúc với bọ chét qua các hoạt động như cắm trại, trú ẩn hay làm việc ngoài trời.
  • Tránh cho các vật nuôi khỏi bị bọ chét bằng cách dùng thuốc diệt bọ chét. Với chó, mèo,…thả rông sẽ có nhiều khả năng tiếp xúc với chuột bị dịch hạch hay bọ chét và có thể mang bệnh về nhà. Do đó, nếu thấy vật nuôi bị bệnh nên đưa đến cơ sở thú y để khám.
  • Diệt chuột, bọ chét bằng cách đặt bẫy, phun thuốc, nuôi mèo, chim để bắt chuột,…
  • Khám và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có biểu hiện của bệnh dịch hạch.

Tóm lại: Bệnh dịch hạch vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chữa được bằng các kháng sinh thông thường và sẵn có. Phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cơ hội hồi phục hoàn toàn. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi cần được theo dõi và cách ly.