Tâm lý sợ bị nhờn thuốc của các bệnh nhân tăng huyết áp khiến họ thường xuyên thay đổi loại thuốc mình đang sử dụng. Thói quen này sẽ dẫn đến những hệ lụy gì cho sức khỏe người bệnh?
Nguy cơ tiềm ẩn khi thay đổi thuốc huyết áp thường xuyên
Theo bác sĩ Nguyễn Lê My, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, nếu bệnh nhân thường xuyên thay đổi thuốc có thể gây ra biến động lớn về huyết áp. Đồng thời, gây tổn thương các cơ quan đích (cơ quan hay mô đặc hiệu là nơi tác động của một loại hormon thuốc hay một chất khác).
Vì vậy, người bệnh cần phải uống thuốc dài hạn và kiểm soát chặt chẽ để giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Trong một số trường hợp huyết áp tương đối cao, người bệnh chỉ dùng một loại thuốc huyết áp nhưng không có sự cải thiện rõ rệt. Lúc này, bệnh nhân cần phải bổ sung và phối hợp các thuốc khác theo sự chỉ định của bác sĩ.
Đối với những bệnh nhân không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự ý quyết định chuyển đổi thuốc sẽ khiến bệnh tình có diễn tiến nặng. Huyết áp dao động lớn, khó kiểm soát hiệu quả trong một thời gian dài.
Dùng một loại thuốc huyết áp trong thời gian dài có nhờn thuốc?
Bác sĩ Nguyễn Lê My cho biết, trong thực tế, việc điều trị nào cũng cần có một quá trình. Một số loại thuốc hạ áp như thuốc ức chế men chuyển có tác dụng tương đối nhẹ. Huyết áp chỉ đạt mức kiểm soát lý tưởng và ổn định sau khi dùng thuốc trong khoảng 1 - 2 tuần.
Đồng thời, thuốc hạ áp cũng không gây kháng thuốc hay phụ thuộc thuốc. Nếu bệnh nhân tăng huyết áp dùng một hoặc phối hợp nhiều loại thuốc hạ áp, thuốc sẽ phát huy tác dụng tối đa. Huyết áp sẽ ổn định và được kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên, bệnh nhân thường mong muốn hạ huyết áp nhanh nên khi thấy thuốc không hiệu quả, sau ít ngày đã ngưng và đổi thuốc. Một số khác lại sợ thuốc gây ra tác dụng phụ, sợ kháng thuốc, sợ nhờn thuốc. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ gặp phải những biến chứng càng cao. Do đó, chúng ta không tự ý tăng hay thay đổi liều lượng thuốc.
Thông thường, huyết áp tăng hoặc dao động trong quá trình dùng thuốc có thể do các yếu tố như bị cảm lạnh, mất ngủ, đau khớp và do sử dụng một số loại thuốc khác. Vì vậy, đầu tiên, người bệnh cần xác định nguyên nhân khiến huyết áp dao động trước khi đổi thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác. Đồng thời, phải tuân thủ theo sự hướng dẫn và chẩn đoán của chuyên gia.
Bác sĩ Nguyễn Lê My
Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.