Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đau nửa đầu: Nguyên nhân và biện pháp điều trị, phòng ngừa

(VOH) – Đau nửa đầu là một loại bệnh lý thần kinh, thường xuất hiện với những cơn đau nửa đầu và kéo dài nhiều giờ. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác.

1. Đau nửa đầu là bệnh gì?

Đau nửa đầu hay còn gọi là bệnh đau nửa đầu Migraine, là một chứng nhức đầu kinh niên với những cơn đau nhói đột ngột xuất hiện một bên đầu. Kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày. Biểu hiện của bệnh là các cơn đau đầu tái diễn từ mức độ vừa đến nặng, cơn đau tăng dần, thậm chí kèm theo các triệu chứng buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, căng thẳng.

Đau nửa đầu được chia thành 2 loại chính đó là: đau đầu Migraine tiền triệu và đau đầu Migraine không có tiền triệu.

1.1 Đau đầu Migraine tiền triệu

Migraine tiền triệu chiếm khoảng 10% các trường hợp. Đau đầu tiền triệu thường kéo dài từ vài phút tới 30 phút, xảy ra trước cơn đau với các triệu chứng về mắt như: thấy chớp sáng, ánh sáng nhấp nháy, quầng hào quang hoặc điểm mù. Các tiền triệu ít gặp hơn là: tê tay và tê một bên mặt, mất ngôn ngữ thoáng qua. Khi các triệu chứng trên biến mất thì cơn đau đầu xuất hiện với các đặc tính điển hình.

Cơn đau Migraine thường khởi phát ở một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên. Cơn đau theo nhịp mạch và bệnh nhân có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh. Cường độ đau tăng dần và càng lúc càng dữ dội, kéo dài từ khoảng 4 - 72 giờ. 

Bên cạnh cơn đau, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng đi kèm như: Sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn và có thể nôn. Khi đi vào những nơi tối và yên tĩnh thì cơn đau có vẻ dịu bớt đi.

dau-nua-dau-nguyen-nhan-va-bien-phap-dieu-tri-phong-ngua-voh

Đau nửa đầu là bệnh lý thần kinh thường gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau (Nguồn: Internet)

1.2 Đau đầu Migraine không có tiền triệu.

Ở Migraine không có tiền triệu, các cơn đau có đặc tính giống như Migraine tiền triệu nhưng cường độ đau thường ít hơn. Tuy không có tiền triệu chứng nhưng bệnh nhân có thể có một số triệu chứng báo trước như: Chán ăn, lo lắng. Khi cơn đau nửa đầu xuất hiện, bệnh nhân có hiện tượng tăng cảm giác đau vùng da đầu. 

Lưu ý: Trên cùng một bệnh nhân có thể có cả hai loại cơn đau đầu có và không có tiền triệu.

2. Nguyên nhân gây đau nửa đầu

Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây đau nửa đầu Migraine, nhưng các nghiên cứu cho thấy cơn đau nửa đầu thường xuất hiện khi các mạch máu trong da đầu và các mô quanh não bị giãn nở hoặc co hẹp, làm phải bơm nhiều máu qua não hơn. Ngoài ra, những thay đổi về hoạt động và về các hóa chất của não cũng có tác động đến các cơn đau nửa đầu.

Các bác sĩ cho rằng có "các tác nhân khởi phát" gây nên một cơn đau đầu, một số các tác nhân khởi phát thường gặp bao gồm:

  • Hormone là nguyên nhân hàng đầu gây đau nửa đầu ở phụ nữ, việc thay đổi nội tiết tố làm cho những người có tiền căn đau nửa đầu bị nhức đầu trước hoặc trong chu kỳ kinh. Một số khác bị đau nửa đầu khi mang thai hoặc mãn kinh.
  • Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone cũng có thể làm trầm trọng thêm chứng đau nửa đầu.
  • Các loại thực phẩm như rượu, bia, pho mát, sôcôla; lạm dụng caffein, bột ngọt, thức ăn mặn, và thực phẩm chế biến, bỏ bữa... là yếu tố gây nên chứng đau nửa đầu.
  • Căng thẳng, stress có thể làm cho cơn đau nửa đầu phát sinh.
  • Cảm giác kích thích từ ánh đèn chói sáng và mặt trời, âm thanh lớn, mùi bất thường, bao gồm cả mùi hương dễ chịu, chẳng hạn như nước hoa, và mùi khó chịu (sơn và khói thuốc) cũng có thể gây đau nửa đầu.
  • Thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều là tác nhân làm phát sinh các cơn đau nửa đầu ở một số người.
  • Khi có hoạt động gắng sức, kể cả hoạt động tình dục, cũng có thể gây đau nửa đầu.
  • Đau nửa đầu cũng có thể xảy ra khi thời tiết thay đổi. 
  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình có cha hoặc mẹ hoặc cả hai bị đau nửa đầu thì con sinh ra sẽ có khả năng bị đau nửa đầu.

3. Đau nửa đầu có nguy hiểm không?

Với tình trạng đau nửa đầu, đa số người bệnh đều bị đau nửa đầu bên trái. Tình trạng đau kéo dài, thường xuyên dễ bị chẩn đoán nguyên nhân đau đầu là do viêm xoang và có thể dẫn đến điều trị không đúng bệnh. 

Đau nửa đầu: Nguyên nhân và biện pháp điều trị, phòng ngừa 2

Đau nửa đầu kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Mặc dù là bệnh lành tính tuy nhiên, người bị cơn đau nửa đầu trái hoặc phải hành hạ lâu ngày có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe như: suy giảm trí nhớ, khó tập trung, trầm cảm thậm chí là đột quỵ. Một số trường hợp còn có biến chứng suy thoái võng mạc, mất thị lực và mù vĩnh viễn.

Ngoài ra, chứng đau nửa đầu Migraine còn gây ra biến chứng đau đầu mãn tính, nhồi máu não, co giật.

3.1 Khi nào bạn cần gặp bác sĩ

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh đau nửa đầu, tuy nhiên bệnh thường phổ biến ở độ tuổi từ 10 – 45 tuổi, trong đó nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Do đó, bạn có thể cân nhắc việc đến gặp bác sĩ để được thăm khám chính xác tình trạng sức khỏe của mình. Các trường hợp bạn nên đến gặp bác sĩ là:

  • Tình trạng đau nửa đầu ngày càng nghiêm trọng.
  • Thường xuyên bị đau nửa đầu đột ngột.
  • Bị sốt kèm theo đau đầu hoặc bị nôn mửa nghiêm trọng.
  • Cứng gáy, gặp khó khăn khi nói, động kinh, nhìn mờ.

4. Điều trị đau nửa đầu như thế nào?

Để điều trị đau nửa đầu, bạn có thể điều trị các cơn đau cấp và điều trị dự phòng. Bạn nên chủ động tìm đến bác sĩ để được khám, tư vấn điều trị đúng cách thay vì tự dùng thuốc giảm đau. Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau trong thời gian dài khi chưa có sự cho phép từ bác sĩ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, chức năng gan, thận, gây huyết áp cao...

Thông thường bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và khám thực thể. Ngoài ra các bác sĩ cũng sẽ dùng những phương pháp như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ, chọc dò tủy sống, xét nghiệm máu nhằm xem xét tủy hoặc não có các khối u, bị xuất huyết, bị nhiễm trùng… hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị đau nửa đầu phù hợp để ngăn chặn các cơn đau tái phát. 

Bên cạnh đó, bạn cần áp dụng các biện pháp sau giúp giảm đau, giảm tần suất cơn đau nửa đầu xuất hiện:

  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, massage vùng đầu.
  • Sử dụng các loại trà gừng, trà hoa cúc giúp giảm cảm giác đau.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt.
  • Tránh xa, hạn chế các chất kích thích như rượu và các chất có cồn, phô mai, hành tây, thức ăn béo và thực phẩm có tính axit... vì chúng có thể khiến bệnh càng thêm nghiêm trọng.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, đủ chất
  • Vận động thể dục thể thao thường xuyên bằng các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền, đi bộ...
  • Sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ

Như vậy, bệnh đau nửa đầu là căn bệnh thường gặp ở nữ giới. Trước khi cơn đau xảy ra thường có những triệu chứng báo trước như chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn… Tuy là bệnh lành tính nhưng có thể khiến bạn khó chịu và làm gián đoạn công việc. Bạn nên điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ và có thể chủ động hạn chế tái phát bệnh bằng một lối sống lành mạnh. 

Bình luận