Mọi kiến thức về dương vật mà nam giới cần phải biết

(VOH) - Dương vật là một bộ phận rất quan trọng ở cơ quan sinh sản của nam giới. Cùng tìm hiểu rõ hơn về cấu tạo sinh học của dương vật và cách 'giữ gìn phong độ' của bộ phận này.

Là một bộ phận đảm nhiệm nhiều chức năng, những cấu trúc phức tạp nhất của "anh bạn nhỏ" này đã được hình thành và phát triển rất sớm ngay từ khi còn trong bụng mẹ. 

1. Tìm hiểu cấu tạo dương vật 

Cấu tạo của dương vật khá phức tạp, việc tìm hiểu rõ về đặc điểm sinh học sẽ giúp "đấng mày râu" chủ động chăm sóc và phòng những tổn thương dễ gặp cho "cậu bé".

1.1. Cấu tạo dương vật 

Cấu tạo ngoài của dương vật

Nằm ở vị trí giữa hai bẹn và xương mu, hình dáng của “cậu bé” là một hình trụ tròn, gồm các phần quan trọng: 

  • Gốc, thân, rãnh dương vật
  • Quy đầu

Đặc biệt, phía dưới có hai tinh hoàn - bộ phận đảm nhiệm vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh tinh.

Cấu tạo trong của dương vật 

Một phần của bộ phận này không thể quan sát ở bên ngoài do nằm sâu bên trong khoang bụng. Ở khoang bụng sẽ bao gồm: ống dẫn tinh, túi tinh, bàng quang và tuyến tiền liệt. Tại đây cũng có hệ thống động mạch và tĩnh mạch khá phức tạp của “cậu nhỏ”.

Cấu trúc bên trong được tạo nên từ ba ống hình tròn: hai ống thể hang và một ống thể xốp. 

  • Thể hang: Đây là ống có mô cương cứng, nằm dọc theo chiều dài của dương vật và được những lớp Buck bao quanh. 
  • Thể xốp: Thể xốp có chứa niệu đạo nơi thoát ra của nước tiểu và tinh dịch. Phần cuối của ống nở ra là quy đầu.
kien-thuc-ve-duong-vat-ma-nam-gioi-can-biet-voh-0
Cấu tạo bên trong dương vật (Nguồn: Internet) 

1.2. Kích thước dương vật 

Phái nam khá “tò mò” về ảnh hưởng của kích thước “cậu bé” đối với sức khỏe sinh sản. Kích thước này sẽ biến đổi khác nhau khi chuyển từ trạng thái bình thường sang cương cứng. 

 Kích thước bình thường

Ở tuổi dậy thì từ 10-14 tuổi, bộ phận này của nam giới sẽ bắt đầu phát triển, có sự thay đổi về cả chiều dài và chiều rộng. Khi kích thước đã đạt chuẩn, sự phát triển này sẽ dừng lại ở giai đoạn khoảng 16-21 tuổi. 

Kích thường bình thường sẽ vào khoảng 3.6 inch, tương đương với khoảng 9cm. 

Kích thước khi cương cứng

Ở trạng thái cương cứng, "cậu nhỏ" có thể đạt kích thước 5.7 inch, khoảng 14.25 cm. 

Theo nhiều nghiên cứu, cương cứng là một hoạt động sinh lý bình thường ở nam giới, thậm chí nó có thể diễn ra ngay từ lúc còn ở trong bụng mẹ. Nếu hiện tượng cương dương không xảy ra hợp lý, mô dương vật có thể trở nên kém đàn hồi và co lại, điều này sẽ làm giảm chiều dài của “cậu bé” so với bình thường. 

1.3. Bao quy đầu

Bao quy đầu là lớp da bao bọc bên ngoài, gồm hai lớp cơ trơn với mạch máu, nơ ron, da và niêm mạc. Trong quá trình phát triển của nam giới, vào giai đoạn dậy thì, sẽ có hiện tượng tự lột bao quy đầu khi cương dương. 

Theo nhiều nghiên cứu, có tới hơn 42 loại vi khuẩn sinh sống ở nếp gấp bên trong bao quy đầu. Đây được xem là những lợi khuẩn vì chúng có thể giúp nam giới phòng chống những bệnh viêm nhiễm. 

1.4. Hiện tượng xuất tinh 

Vùng khoái cảm ở phần dưới của “cậu nhỏ” được xem là khu vực nhạy cảm với những kích thích nhất. Sau khi nhận được tín hiệu kích thích, hiện tượng cương dương sẽ xuất hiện, lúc này từ mào tinh tạo nên áp lực để tinh trùng đi tới ống dẫn tinh và cuối cùng dừng ở túi tinh. 

Vào thời điểm tinh dịch tiết ra nhiều, các vòng dưới niệu đạo cũng bắt đầu mở ra, các cơ nền ở đáy chậu co bóp, gây áp lực xuất tinh.

Xem thêm: Làm thế nào để 'cứu' nam giới khỏi cảnh 'chưa đến chợ đã hết tiền' 

2. Các bệnh về dương vật thường gặp

Là môi trường sống của nhiều vi khuẩn nên các bệnh viêm nhiễm có nguy cơ cao xảy ra ở dương vật. Bên cạnh đó, nếu chủ quan trong sinh hoạt hàng ngày có thể gây ra những tổn thương ở bộ phận này.  

2.1. Lỗ tiểu thấp 

Lỗ tiểu thấp thường là một bệnh lý bẩm sinh do niệu đạo ngắn dẫn đến lỗ tiểu nằm xa đỉnh quy đầu, mở ra ở phần dưới thân của dương vật. Ở vào tuổi dậy thì, khi cương cứng, “cậu nhỏ” có thể bị biến dạng, hướng cong xuống. 

2.1. Nấm candida

Candida là tên một loại nấm men gây nên bệnh nhiễm trùng nấm Candida. Chúng thường "cư ngụ" tại các vùng ấm và ẩm ướt trên cơ thể. Khi vùng kín nhiễm nấm candida, bạn sẽ thấy những đốm màu đỏ hoặc màu trắng, những đốm này gây ngứa, rát và đôi khi có thể bị sưng viêm “cậu nhỏ”

2.2. Rối loạn cương dương

Đây được xem là một bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở phái nam do tình trạng cương cứng của “cậu bé” không diễn ra đúng mức, có thể là không cương cứng lên được hoặc không đủ cương cứng khi quan hệ tình dục.

Xem thêm: Giải pháp cho nam giới thoát cảnh ‘trên bảo dưới không nghe’ để lấy lại sự tự tin

2.3. Mụn dương vật

Mụn hình thành ở dương vật có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên điển hình phải kể đến là việc không giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, các lỗ chân lông ở đây sẽ bị bít kín, gây sưng viêm. 

2.4. Mụn rộp sinh dục

Mụn rộp sinh dục hay còn được biết đến là Herpes sinh dục, gây nên tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở vùng kín. Bệnh lý này lây lan trong quá trình quan hệ tình dục, virus Herpes xâm nhập vào cơ thể, di chuyển đến các tế bào thần kinh gần cột sống. Các virus này sẽ lưu trú ở đó cho đến khi hệ miễn dịch ở cơ thể người bệnh bị suy yếu sẽ gây bệnh. 

2.5. Viêm niệu đạo

Bộ phận niệu đạo ở nam giới đảm nhiệm vai trò dẫn nước tiểu từ bàng quang đến đầu dương vật qua lỗ sáo. Bên cạnh đó, niệu đạo cũng dẫn truyền tinh dịch mỗi khi nam giới xuất tinh. 

Khi tình trạng sưng viêm niệu đạo xảy ra ta sẽ thấy “cậu bé” cũng sưng lên so với bình thường, nếu không kịp thời điều trị sẽ gây biến chứng thành viêm tuyến tiền liệt, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.  

2.6. Dương vật cong

kien-thuc-ve-duong-vat-ma-nam-gioi-can-biet-voh-1
Dương vật cong có thể gây rối loạn cương dương (Nguồn: Internet) 

Hình dạng của “cậu nhỏ” bị cong có thể gây nên bệnh Peyronie, khi cương cứng nhưng lại cong lên trên, có cảm giác đau và tình trạng sưng viêm xảy ra. Bệnh lý này thường xuất hiện chủ yếu ở nam giới ngoài 40 tuổi, có thể chuyển biến xấu gây rối loạn cương dương. 

Xem thêm: 'Cậu nhỏ' của chàng bị cong khiến chuyện 'phòng the'  không như ý!

2.7. Gãy dương vật 

Sự bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày có thể gây gãy dương vật ở nam giới. Thực chất đây là hiện tượng rách bao xơ trắng bên ngoài “cậu bé” khi cương cứng, máu tràn ra ngoài và bị ứ lại, làm sưng viêm. 

Tình trạng “gãy” này sẽ để hậu quả nặng nề cho hệ tiết niệu, thậm chí chuyển biến nặng sẽ gây liệt dương. 

2.8. Đau dương vật 

Đau dương vật được xem là một tổn thương vật lý dễ xảy ra ở nam giới sau "cuộc yêu", mức độ đau nhức còn tùy thuộc vào hoạt động gây kích thích. Nếu diễn tiến trong thời gian dài thì cần tới các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng bệnh lý. 

2.9. Teo dương vật 

Số lượng mô ở "cậu bé" giảm xuống làm thay đổi chiều dài cũng như kích thước, dẫn đến bệnh lý teo dương vật. Thực tế thì tình trạng này không ảnh hưởng quá nhiều tới sinh hoạt vợ chồng, tuy nhiên "phái mạnh" có thể thấy mất tự tin và không thoải mái khi gần gũi bạn đời. 

2.10. Ung thư dương vật 

Các khối u ác tính xuất hiện trên da hoặc trong các mô tế bào vảy của “cậu nhỏ” phát triển có thể gây nên bệnh ung thư. Thời điểm phát bệnh, các hạch ở bẹn thường sưng tấy rất to, cứng và không di chuyển.

Xem thêm: Ung thư dương vật khiến cơ hội làm cha trở nên 'mong manh'

2.11. Giảm ham muốn tình dục 

Mọi kiến thức về dương vật mà nam giới cần phải biết 3
Giảm nội tiết tố gây giảm ham muốn tình dục (Nguồn: Internet) 

Lượng nội tiết tố nam Testosterone được sản xuất ở tinh hoàn giảm xuống sẽ dẫn tới tình trạng giảm ham muốn. Khi chỉ số ham muốn giảm xuống kéo theo những hệ lụy về đời sống tinh thần, gây căng thẳng và lo lắng về vấn đề sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến việc điều hòa hoạt động cương dương.

2.12. Bệnh liên quan đến bao quy đầu

Bao quy đầu là bộ phận khá nhạy cảm của dương vật. Các vấn đề bệnh lý như hẹp bao quy đầu, dài bao quy đầu hay sưng viêm bao quy đầu đều ảnh hưởng không nhỏ đến “cậu nhỏ”, tác động trực tiếp đến vấn đề bài tiết nước tiểu và hoạt động sinh lý. 

2.13. Một số bệnh lây qua đường tình dục khác

Các bệnh lây qua đường tình dục thường gặp có thể kể đến như Chlamydia, giang mai, bệnh lậu hay viêm gan B. Khi không may mắc phải một trong những bệnh lây nhiễm này, nam giới sẽ cảm thấy đau buốt khi đi tiểu, nhận thấy những bất thường của tinh dịch khi xuất tinh. 

Xem thêm: ‘Điểm mặt’ những căn bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục nhất

3. Lưu ý vệ sinh vùng kín nam giới

Nam giới thường “ngó lơ” sức khỏe cơ quan sinh sản của mình, tuy nhiên để đảm bảo có được một cơ thể khỏe mạnh, hãy chủ động tìm hiểu các phương pháp chăm sóc phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý giữ vệ sinh vùng kín mà nam giới cần biết. 

  • Vệ sinh kĩ càng: Nam giới nên vệ sinh sạch sẽ “cậu nhỏ” vào buổi sáng, buổi tối và đặc biệt, sau mỗi lần sinh hoạt tình dục, tránh tình trạng để tồn đọng mồ hôi tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu sử dụng xà phòng hay dung dịch vệ sinh, cần rửa nhẹ nhàng và kĩ lượng, không để tồn đọng bọt trên da. 
  • Lựa chọn đồ lót: Nên chọn chất liệu thấm hút mồ hôi, không nên chọn loại quá chật, tránh gây bí bách. Nên giặt sạch đồ lót và phơi nơi thông thoáng, có ánh nắng mặt trời. 

Việc tìm hiểu về các cơ quan trong cơ thể sẽ giúp nam giới biết quan tâm và tìm hiểu cách chăm sóc tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. 

🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html

Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH

Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH

Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh

Bình luận