Khi còn nhỏ, trẻ có thể chưa ý thức được những bất thường của cơ thể mình, tuy nhiên mắc dị tật lỗ tiểu thấp sẽ tác động không nhỏ đến đời sống tâm sinh lý trong tương lai của con.
1. Dị tật lỗ tiểu thấp là gì?
Lỗ tiểu thấp hay lỗ tiểu đóng thấp là khiếm khuyết bẩm sinh ở bộ phận niệu đạo của bé trai. Dị tật này xảy ra khi niệu đạo của trẻ quá ngắn, lỗ tiểu nằm xa đỉnh quy đầu, thấp hơn vị trí bình thường, lúc này niệu đạo không mở ra ở đầu dương vật mà ở phần thân dưới.
Dựa theo vị trí của lỗ tiểu, dị tật được chia làm 3 thể:
- Thể trước (thể nhẹ): Lỗ tiểu sẽ nằm ở quy đầu, khấc quy đầu.
- Thể giữa (thể trung bình): Vị trí lỗ tiểu ở thân dương vật.
- Thể sau (thể nặng): Lỗ tiểu sẽ ở gốc dương vật, gần bìu và tầng sinh môn.
2. Triệu chứng của dị tật lỗ tiểu thấp
Trong quá trình chăm sóc và quan sát con từ khi chào đời, nếu nhận thấy những dấu hiệu sau đây thì tỉ lệ bé mắc dị tật lỗ tiểu thấp khá lớn:
2.1. Dương vật cong
Đây có thể coi là triệu chứng dễ nhận biết và thường gặp khi trẻ mắc dị tật lỗ tiểu thấp. Trục dương vật của con lúc này sẽ cong xuống, hơn nữa, một số tình trạng nặng, “cậu nhỏ” của bé có thể bị kéo vào giữa bìu nên đôi khi sẽ không nhìn thấy.
Xem thêm: Nguyên nhân khiến 'cậu nhỏ' bị cong và những ảnh hưởng trong chuyện 'phòng the' phái mạnh
2.2. Tia nước tiểu không thẳng
Vì vị trí của lỗ tiểu bị sai lệch, bé trai sẽ gặp khó khăn khi bài tiết nước tiểu, tia nước tiểu không thẳng về phía trước mà lệch xuống dưới hoặc ra sau, thậm chí còn có thể vọt ra phía sau phần mông của con.
2.3. Da quy đầu bất thường
Phần da bao quy đầu của bé phân bố không đồng đều, thừa da ở mặt lưng nhưng lại bị thiếu da ở mặt bụng của "cậu nhỏ".
3. Nguyên nhân gây dị tật lỗ tiểu thấp
Theo các chuyên gia y khoa, việc xác định nguyên nhân gây nên dị tật này ở bé trai gặp khá nhiều khó khăn. Một số yếu tố được phân tích dưới đây có thể là tác nhân khiến con mắc dị tật:
- Di truyền: Khả năng con mắc dị tật sẽ tăng cao khi trong gia đình có người từng bị. Dựa trên nghiên cứu của bệnh viện Nhi đồng, 8% trẻ bị lỗ tiểu thấp khi cha bị lỗ tiểu thấp, 14% trẻ mắc nếu anh trai ruột có lỗ tiểu thấp, tỉ lệ sẽ lên tới khoảng 21% nếu có trên 2 người thân mắc dị tật.
- Sức khỏe mẹ bầu không tốt: Nếu người mẹ mang thai ở giai đoạn sau 35 tuổi thì nguy cơ để lại dị tật cho thai nhi sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong 13 tuần đầu tiên của thai kì, nếu lượng testosterone trong cơ thể trẻ không đủ để hoàn tất sự phát triển của niệu đạo, sẽ để lại khiếm khuyết lỗ tiểu thấp.
Xem thêm: Điều cần nhớ khi chăm sóc bà bầu trong từng giai đoạn thai kỳ
4. Chẩn đoán dị tật lỗ tiểu thấp
Xác định tình trạng bệnh ở trẻ nhỏ đòi hỏi có sự thăm khám và kiểm tra kĩ lượng, chính vì vậy cha mẹ nên liên hệ sớm với các bác sĩ để được chẩn đoán.
- Thăm khám tiền sử bệnh: Các bác sĩ thăm hỏi và xác định tiền sử bệnh lý của bé cũng như người thân trong gia đình bởi đây có thể là khiếm khuyết do di truyền.
- Tiến hành xét nghiệm: Các xét nghiệm máu, nước tiểu và tinh dịch đồ sẽ được tiến hành để nhận định chính xác tình trạng bệnh của con.
- Tầm soát nhiễm sắc thể: Đây là phương pháp rà soát những bất thường do cấu trúc nhiễm sắc thể không hoàn chỉnh gây nên.
5. Phác đồ điều trị lỗ tiểu thấp
Phác đồ điều trị dị tật cho bé được khuyến cáo thực hiện khi con trong giai đoạn dưới 1 tuổi. Hiện nay, phẫu thuật tạo hình lỗ tiểu là phương pháp được áp dụng chính để khắc phục dị tật cho trẻ.
5.1. Tiến hành phẫu thuật
Mục đích của phẫu thuật chính là kéo dài niệu đạo, định hình lại dương vật của con cũng như tái tạo lại bao quy đầu. Các mô phụ của bao quy đầu sẽ được bác sĩ sử dụng để sửa chữa những dị tật này.
5.2. Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật
Nhằm đảm bảo an toàn và không để lại di chứng cho trẻ sau này, cần thực hiện một số lưu ý để chăm sóc con ở giai đoạn hậu phẫu.
- Cho trẻ mặc đồ rộng rãi, hạn chế di chuyển, vận động mạnh.
- Khuyến khích con uống nhiều nước, đi tiểu thường xuyên, tránh để lại sẹo trong niệu đạo.
- Nếu thấy rò rỉ nước tiểu, hoặc vết bầm máu đông thì nên đưa con tới cơ sở nhi khoa để kiểm tra.
6. Biến chứng của dị tật lỗ tiểu thấp
Điều trị càng sớm để khắc phục dị tật sẽ giúp bé tránh gặp phải những biến chứng xấu sau:
6.1. Không thể đứng tiểu
Lỗ tiểu ở sai vị trí khiến hoạt động bài tiết nước tiểu ở bé trai gặp nhiều bất tiện, khi lớn hơn, con không thể đứng để đi tiểu, dẫn đến ngại ngùng và nhịn tiểu.
6.2. Rối loạn cương dương
Dị tật lỗ tiểu thấp kéo theo “cậu bé” của con biến dạng, hoạt động cương cứng ở tuổi dậy thì bị rối loạn, gây gián đoạn những hoạt động sinh lý thiết yếu như xuất tinh, biến chứng nặng hơn dẫn tới vô sinh.
Xem thêm: Giải pháp cho nam giới thoát cảnh ‘trên bảo dưới không nghe’ để lấy lại sự tự tin
7. Phương pháp phòng ngừa mắc dị tật lỗ tiểu thấp
Để đảm bảo trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và hạn chế mắc các dị tật nguy hiểm, người mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong thời gian mang thai.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin và axit folic.
- Tránh tiếp xúc môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khói thuốc lá.
- Khám thai định kỳ để kiểm soát bệnh cho mẹ và thai nhi.
Cha mẹ nên phát hiện và điều trị sớm dị tật lỗ tiểu thấp bởi đây là cách tốt nhất giúp con có thể lớn khôn khỏe mạnh và tự tin về cơ thể mình.
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/c/NhipSongKhoeVOH
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh