Chờ...

Giãn dây chằng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(VOH) – Giãn dây chằng là một trong những tình trạng có thể gặp ở bất kỳ ai, nhưng thường gặp nhiều nhất ở người trong độ tuổi trung niên, người lao động quá sức, vận động viên thể thao.

Người bị giãn dây chằng nếu không được điều trị đúng cách, có thể gây ra những tổn thương phổ biến và kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe sau này.

1. Giãn dây chằng là gì?

Dây chằng là các cơ quan bao quanh các khớp xương, có nhiệm vụ cố định và bảo vệ đầu khớp, đồng thời cũng giúp kết nối các xương lại với nhau.

Trên cơ thể, có hàng trăm dây chằng với nhiều kích thước, hình dạng khác nhau, phân bố ở các vị trí như: cổ, lưng, đầu gối, háng.... Giãn dây chằng là tình trạng dây chằng ở các khu vực trên bị căng kéo quá mức, nhưng chưa bị đứt. Về mặt kỹ thuật tình trạng này được gọi là bong gân.

gian-day-chang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-0
Giãn dây chằng là tình trạng dây chằng bị căng kéo quá mức, nhưng chưa bị đứt (Nguồn: Internet)

Khi dây chằng bị giãn, vùng tổn thương sẽ sưng to khiến bạn cảm thấy đau nhức và việc đi lại, vận động cũng gặp nhiều khó khăn do các khớp bị lỏng lẽo. Tình trạng này kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đứt dây chằng, viêm dây chằng....

2. Các vị trí giãn dây chằng thường gặp

Giãn chằng là tình trạng có thể xảy ra ở rất nhiều các vị trí khác nhau trên cơ thể như:

  • Giãn dây chằng ở chân: bàn chân, gót chân, cổ chân, mu bàn chân
  • Giãn dây chằng đầu gối: dây chằng chéo trước, dây chằng bên hông
  • Giãn dây chằng ở tay: tay phải, tay trái, khủy tay, ngón tay
  • Giãn dây chằng ở lưng, cổ, cột sống, mông, hông lưng, háng, quai hàm...

3. Các cấp độ của tình trạng giãn dây chằng

Trong y khoa, tình trạng giãn dây chằng được chia thành 3 cấp độ:

  • Giãn dây chằng độ 1: Dây chằng bị giãn hoặc bị đứt 1 vài sợi collagen. Khớp vẫn ổn định, vị trí bị tổn thương sẽ sưng và đau.
  • Giãn dây chằng độ 2: Các sợi collagen bị đứt nhưng không đứt hoàn toàn. Tình trạng khiến khớp lỏng lẻo, kém ổn định. Khu vực bị chấn thương có vết máu chảy bầm tụ
  • Giãn dây chằng độ 3: Các sợi collagen bị đứt hoàn toàn. Người bệnh không thể di chuyển. Khớp gối không còn ổn định.

4. Nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng

Dây chằng có thể bị tổn thương và kéo giãn bất thường do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:

4.1 Vận động sai tư thế

Giãn dây chằng có thể xảy ra khi bạn ngồi sai tư thế hoặc bưng bê đồ không đúng cách. Đặc biệt, những người chơi các môn thể thao như chạy điền kinh, đẩy tạ... việc tiếp đất sai hoặc bị trượt chân đều có thể dẫn đến tình trạng giãn dây chằng.

4.2 Chấn thương

Té ngã, va đập mạnh do tai nạn lao động, tai nạn giao thông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng.

4.3 Lao động quá sức

gian-day-chang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-1
Bưng bê các đồ vật nặng là một trong các nguyên nhân khiến dây chằng bị giãn (Nguồn: Internet)

Việc bưng bê các đồ vật nặng cần rất nhiều sức lực của cơ bắp và điều này có thể làm kéo căng dây chằng, khiến nó bị tổn thương. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra sẽ có thể khiến dây bằng bị giãn.

4.4 Tuổi tác

Dây chằng được tạo thành từ các sợi collagen. Theo thời gian, số lượng collagen trong cơ thể sẽ ngày càng ít đi. Do đó, dây chằng của người già sẽ nhanh bị thoái hóa, không còn dẻo dai, linh động và rất dễ bị kéo giãn.

4.5 Bệnh lý

Giãn dây chằng có thể xuất hiện do một số bệnh lý gây nên, chẳng hạn như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp...

Xem thêm: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giãn dây chằng thắt lưng và cách khắc phục

5. Triệu chứng giãn dây chằng

Đau, sưng và bầm tím ở vùng bị ảnh hưởng là những dấu hiệu nhận biết đầu tiên khi bạn bị giãn dây chằng. Khớp có thể bị lỏng hoặc yếu và không chịu được sức nặng. Mức độ của các triệu chứng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào việc dây chằng bị giãn nhiều hay ít.

Các triệu chứng thường gặp của tình trạng giãn dây chằng bao gồm:

5.1 Đau nhức

Triệu chứng dễ nhận biết nhất khi bị giãn dây chằng chính là những cơn đau nhức. Tùy vào mức độ giãn mà các cơn đau có thể chỉ thoáng qua hoặc kéo dài âm ỉ. Các cơn đau nhức này sẽ trở nên dữ dội hơn khi thời tiết chuyển lạnh, ẩm ướt.

gian-day-chang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-2
Giãn dây chằng thường sẽ gây ra các cơn đau nhức (Nguồn: Internet)

5.2 Sưng đỏ và bầm tím

Dây chằng bị kéo căng quá mức sẽ khiến cho vùng tổn thương bị sưng tấy. Máu tập trung khu vực này nhiều nên vùng tổn thương sẽ bị nóng và đỏ lên. Sau một thời gian, vùng da tại đó sẽ chuyển sang màu tím.

5.3 Khớp bị căng cứng

Giãn dây chằng quá mức có thể làm khớp bị căng cứng, bạn phải xoa bóp vài phút mới có thể cử động.

6. Cách điều trị giãn dây chằng giúp phục hồi nhanh

Do các triệu chứng giãn dây chằng thường giống với các loại bệnh lý đau nhức xương khớp, nên khi bạn bị đau và sưng tấy tại các khớp, hãy đến gặp bác sĩ để có được những chẩn đoán và phương pháp điều trị hiệu quả.

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán giãn dây chằng bằng việc thăm khám lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng như: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI. Sau khi xác định mức độ bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra các liệu trình điều trị thích hợp.

Cùng với các phương pháp điều trị của bác sĩ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây sẽ giảm thiểu các cơ đau nhức:

5.1 Nghỉ ngơi

Người bị giãn dây chằng nên được cố định bằng nẹp. Đồng thời, cần hạn chế vận động mạnh và có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý để giảm bớt những tổn thương lên dây chằng.

Tuy nhiên, đừng nên nằm im một chỗ, thỉnh thoảng bạn có thể đi lại nhẹ nhàng, kết hợp với việc xoa bóp nhẹ các khớp. Tham khảo thêm một số bài tập yoga hồi phục giãn dây chằng theo hướng dẫn của các chuyên gia để tăng cường sự dẻo dai của chằng và giúp tăng cường lưu thông máu.

5.2 Chườm lạnh

gian-day-chang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-3
Có thể giảm cảm giác đau bằng cách chườm lạnh (Nguồn: Internet)

Để giảm bớt cảm giác đau nhức khi bị giãn dây chằng, bạn có thể chườm lạnh lên vùng tổn thương trong khoảng 20 phút. Tuyệt đối, không thực hiện chườm nóng vì có thể khiến vùng tổn thương bị sưng to hơn.

Xem thêm: Tìm hiểu cách chườm nóng và chườm lạnh phù hợp với từng cơn đau

5.3 Chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp dây chằng nhanh hồi phục. Bạn nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, rau, củ quả tươi... để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm viêm và giảm đau hiệu quả.

Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng, đồ uống có cồn... vì chúng có thể khiến mức độ tổn thương dây chằng càng trở nên trầm trọng.

5.4 Sử dụng thuốc

Thuốc chống viêm và giảm đau không kê đơn có thể được dùng khi cần thiết để giúp giảm đau và sưng. 

Sau khoảng 3 tháng các sợi dây chằng sẽ bắt đầu lành lại. Tuy nhiên, với những trường hợp bong gân, giãn dây chằng nhẹ thì thời gian hồi phục sẽ nhanh hơn.

Thông thường, giãn dây chằng sẽ không được chỉ định mổ cấp cứu ngay tại thời điểm chấn thương, kể cả những trường hợp bong gân, giãn dây chằng mức độ nặng. Các chỉ định phẫu thuật sẽ chỉ được thực hiện sau một khoảng thời gian theo dõi từ bác sĩ.

6. Cách xử lý giãn dây chằng ngay tại thời điểm bị chấn thương

Khi bị giãn dây chằng, nếu không có các dụng cụ chuyên dụng để kẹp (nẹp) vùng bị thương, bạn có thể dùng áo hoặc khăn để xử lý chấn thương. Các bước thực hiện như sau:

  • Kéo thẳng trục vùng bị chấn thương để khớp về đúng vị trí.
  • Dùng áo hoặc khăn quấn chặt vùng bị giãn dây chằng để bảo vệ khớp và hạn chế tình trạng chảy máu. 
  • Dùng nước đá đặt trong một mảnh vải hoặc bọc ni-lông, sau đó đặt lên phía trên chỗ bị sưng để giúp giảm đau và sưng.
  • Nhanh chóng đưa người bị chấn thương đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thực hiện sơ cứu đúng cách.

Lưu ý

  • Không tự ý bẻ nắn vùng bị giãn dây chằng vì có thể khiến các dây chằng bị đứt hoặc giãn nghiêm trọng hơn. 
  • Không xoa bóp cũng như không chườm nóng. 
  • Không tự ý đắp các loại thuốc dân gian lên vùng chấn thương.

7. Giãn dây chằng có nguy hiểm không?

Giãn dây chằng không chỉ làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà nó còn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như:

  • Đứt dây chằng
  • Viêm khớp
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Thoái hóa khớp

8. Có thể ngăn ngừa giãn dây chằng bằng cách nào?

Mặc dù một số chấn thương bất ngờ như vấp ngã, tai nạn...không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, với một số trường hợp bạn có thể chủ động bảo vệ dây chằng của mình bằng cách:

  • Khởi động kỹ trước khi tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi sau những buổi tập luyện căng thẳng trước khi chuyển một hoạt động khác.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Khi cảm thấy cơ thể bị đau hoặc mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi.

Dây chằng có vai trò quan trọng trong việc vận động, đi lại của con người. Do đó, bạn không nên lơ là trước bất kỳ vấn đề nào xảy ra với dây chằng, nếu dây chằng bị giãn hãy tuân thủ các nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng để cơ thể nhanh chóng hồi phục.