Chờ...

Hội chứng tennis elbow là gì? Nhận biết và điều trị dứt điểm

(VOH) – Khuỷu tay là một trong những vùng chịu nhiều ‘áp lực’ từ các vận động thường ngày của chúng ta. Nếu không chăm sóc kĩ càng bộ phận này, nguy cơ cao sẽ mắc hội chứng tennis elbow.

Khớp khuỷu tay (thường biết đến là cùi chỏ) nằm trong nhóm khớp tương đối phức tạp của cơ thể, là phần đầu tròn nằm giữa cánh tay, “điểm nối” giữa bắp tay và cẳng tay. Phần khớp này sẽ đảm nhiệm chức năng hỗ trợ cánh tay gập và duỗi nên nếu bất cẩn trong hoạt động thì sẽ gây ra các tổn thương, làm đau khuỷu tay, trong đó bao gồm hội chứng tennis elbow. 

1. Hội chứng tennis elbow là gì? 

Hội chứng tennis elbow hay còn được gọi là viêm mỏm lồi cầu ngoài xương cánh tay, tổn thương này xảy ra do các cơ gân cánh tay bị sưng viêm hoặc bị rách. Thực tế, chính nhờ các cơ gân này bám vào xương khuỷu tay mà cánh tay của chúng ta có thể co duỗi dễ dàng.  

Nếu chỉ nghe tên của hội chứng, bạn có thể nhầm tưởng rằng tình trạng này chỉ xảy ra ở nhóm người chơi bộ môn tennis. Song theo thống kê, tỷ lệ người chơi tennis mắc hội chứng chỉ chiếm 50%, còn lại có thể xảy ra ở rất nhiều đối tượng khác nhau với các ngành nghề cần sử dụng nhiều đến cánh tay như đầu bếp, thợ sơn sửa hay họa sĩ...

2. Nguyên nhân gây ra tennis elbow

Với mỗi đặc thù của công việc và hoạt động, nguyên nhân khiến những người mắc hội chứng tennis elbow có thể không giống nhau, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm những tác nhân phổ biến sau đây: 

2.1 Vận động nặng

Khi phải bê vác đồ nặng, bạn sẽ sử dụng lực nhiều hơn khiến các cơ gân cũng “gắng sức” nhiều hơn, do đó nếu không kịp thời điều chỉnh thì các sợi gân nối ở phần khớp khuỷu tay sẽ căng quá mức và dẫn tới rách. 

2.2 Lặp lại liên tục các cử động

Bất cứ cử động nào diễn ra với cường độ cao, lặp lại với tần suất dày đặc đều có thể gây mỏi, đau nhức và sưng viêm các khớp. 

Vi chấn thương này thường xuyên xảy ra ở nhóm người lớn tuổi, bởi các điểm bám của gân trong xương thoái hóa, sợi collagen non không thể tái tạo hoàn toàn phần gân tổn thương. 

hoi-chung-tennis-elbow-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-dut-diem-voh-0
Tập luyện quá sức với tần suất dày đặc có thể gây ra hội chứng tennis elbow (Nguồn: Internet) 

2.3 Không khởi động khi chơi thể thao

Dù bạn tham gia môn thể thao nào, việc khởi động trước khi bắt đầu thường đóng vai trò rất quan trọng. Nếu ngay từ đầu, bạn đã thực hiện các kĩ thuật khó thì nguy cơ gặp phải chấn thương sẽ tăng cao vì các khớp chưa được nới lỏng và không di chuyển linh hoạt. 

2.4 Lựa chọn dụng cụ không phù hợp

Các trang thiết bị hỗ trợ cho công việc, bài tập cần phù hợp với khả năng và sức chịu đựng của cánh tay. Việc lựa chọn dụng cụ quá to hay quá nhỏ đều khiến cơ thể phải cố sức, dẫn tới những tác động lực lớn lên phần khớp cùng các cơ gân.

Xem thêm: Những thói quen ‘tàn phá’ xương khớp bạn trước khi về già

3. Triệu chứng tennis elbow

Khi mắc hội chứng tennis elbow, các triệu chứng thường khá giống với những tổn thương ở vùng khớp khác. Tổn thương khớp bên trong rất khó kiểm soát nên nếu nhận thấy có các dấu hiệu sau thì tốt nhất bạn nên thăm khám các cơ sở y tế để kiểm tra: 

  • Đau nhức: Đây là yếu tố nhận biết dễ dàng nhất ngay từ những ngày đầu mắc tennis elbow, các cơn đau có thể xuất hiện thường xuyên hoặc thỉnh thoảng nhói đau.
  • Sưng đỏ: Hiện tượng viêm cơ gân bên trong sẽ dẫn tới tình trạng sưng to, ửng đỏ khuỷu tay. 
  • Cứng khớp: Nếu đã xuất hiện tổn thương thì rất khó để cử động bởi phần khớp đang dần co cứng lại. 

Xem thêm: Ấn vào một khớp nào đó và cảm thấy đau, bạn có thể đang mắc một trong các loại bệnh viêm khớp

4. Điều trị tennis elbow như thế nào?

Tùy thuộc vào mức độ và diễn tiến của hội chứng tennis elbow sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Nếu phát hiện sớm ngay khi tình trạng tương đối nhẹ thì có thể tự điều trị tại nhà, trong trường hợp bệnh tình không thuyên giảm thì bạn nên tới các cơ sở y tế. 

hoi-chung-tennis-elbow-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-dut-diem-voh-1
Cần kiểm tra mức độ của hội chứng tennis elbow để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp (Nguồn: Internet) 

4.1 Điều trị tennis elbow tại nhà  

Trong quá trình điều trị tại nhà, người bệnh nên chủ động điều trị bằng cách kết hợp thực hiện đều đặn các phương pháp sau: 

Giảm tần suất vận động

Dành thời gian nghỉ ngơi (trong khoảng 4 - 5 tuần) để vùng khớp khuỷu tay phục hồi trở lại, tránh vận động quá nhiều. 

Chườm lạnh

Mỗi ngày nên tiến hành chườm lạnh vào vùng tổn thương khoảng 2 – 3 lần, mỗi lần kéo dài từ 10 – 15 phút. Tuyệt đối không chườm nóng, dùng dầu gió hay các thuốc xoa bóp để tránh gây viêm mãn tính.

Xem thêm: Tìm hiểu cách chườm nóng và chườm lạnh phù hợp với từng cơn đau 

Cố định bằng nẹp 

Để hạn chế các vận động và giảm các cơn đau, có thể sử dụng dây đeo cẳng tay hay cố định bằng nẹp. Phương pháp này cũng phòng tránh tình trạng bị xô lệch khớp bên trong. 

Xoa bóp làm căng gân 

Gập cổ tay, đặt khuya tay vuông góc, dùng ngón tay cái của tay còn lại chà vào vùng đau, làm căng nhóm gân nhằm định hướng lại sợi collagen để giảm đau. 

Sử dụng thuốc giảm đau

Nhóm thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen hay aspirin có thể được sử dụng với cơn đau nhức mạnh. Tuy nhiên cần tuân theo chỉ định liều lượng của bác sĩ kê đơn, tránh lạm dụng loại thuốc này, vừa không thể điều trị dứt điểm bệnh vừa gây nguy hiểm đến tính mạng. 

4.2 Điều trị tennis elbow tại các cơ sở y tế

Thông thường các cơn đau sẽ giảm dần sau khoảng 1 tháng và hội chứng tennis elbow sẽ không còn. Tuy nhiên, sau thời gian tự điều trị tại nhà, vẫn chưa kiểm soát và chữa trị dứt điểm thì cần tới chuyên khoa cơ xương khớp thăm khám để thay đổi phác đồ. 

Tập vật lý trị liệu

Các bài tập co duỗi nhẹ nhàng, đúng kĩ thuật được thiết kế riêng và điều chỉnh theo tình trạng bệnh sẽ hỗ trợ phục hồi sớm, hạn chế tổn thương nặng hơn.  

hoi-chung-tennis-elbow-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-dut-diem-voh-2
Hội chứng tennis elbow nghiêm trọng cần được điều trị tại bệnh viện (Nguồn: Internet)

Tiêm kháng viêm tại chỗ

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành tiêm thuốc kháng viêm ngay tại vùng tổn thương hoặc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân để làm lành sợi gân bám. 

Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị được tính đến sau cùng, các bác sĩ có thể chỉ định mổ nội soi khâu lại gân cơ. Theo đó, thời gian phục hồi hoàn toàn và có thể chơi thể thao trở lại là 6 - 8 tháng. 

5. Biến chứng của tennis elbow

Hội chứng tennis elbow gây ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cử động của vùng khớp khuỷu tay, do vậy nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng hướng thì nguy cơ phải đối mặt với các biến chứng sau:

  • Giảm khả năng vận động: Khi các dây chằng tổn thương, việc nối các khớp sẽ trở nên khó khăn, khối khớp trở nên lỏng lẻo và làm giảm khả năng vận động. 
  • Teo cơ: Càng trì hoãn điều trị chấn thương thì cơ sẽ bị teo nhỏ, sợi cơ nối khớp sẽ yếu dần đi. 
  • Liệt tay: Đây là biến chứng nặng nhất, tỉ lệ xảy ra thấp nhưng cũng cần chủ động đề phòng để không mất hoàn toàn khả năng cử động. 

6. Phòng ngừa tennis elbow 

Tổn thương tennis elbow có thể làm gián đoạn sinh hoạt cũng như các hoạt động thể thao, công việc hàng ngày. Chính vì lý do đó, bạn hãy tham khảo và áp dụng một số lưu ý phòng ngừa sau đây:

  • Cân đối lịch trình giữa vận động, tham gia thể dục thể thao với nghỉ ngơi, tránh để rơi vào tình trạng quá sức.
  • Tìm hiểu và thực hiện đúng các yêu cầu kĩ thuật liên quan đến bài tập thể chất, có thể đeo bao bảo vệ khi tập luyện. 
  • Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm giàu collagen như rau xanh, cá, ngũ cốc,...để giảm bớt nguy cơ thoái hóa.
  • Khi vừa hồi phục các chấn thương, hạn chế dồn sức vận động mạnh. 

Hy vọng rằng những chia sẻ từ bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về hội chứng tennis elbow, từ đây có thể xây dựng một kế hoạch làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi thật hợp lý để duy trì hệ vận động thật khỏe mạnh, dẻo dai.