Chờ...

Đau dưới lòng bàn chân và những lưu ý khắc phục hiệu quả

(VOH) – Bàn chân được coi là ‘trái tim’ thứ hai của cơ thể, những bất thường xảy ra ở bộ phận này cũng cảnh báo các vấn đề sức khỏe. Nếu cảm thấy đau dưới lòng bàn chân thì có nguy cơ mắc bệnh lý nào?

Bàn chân đảm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ quan trọng, vừa giúp nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể, vừa hỗ trợ thực hiện các hoạt động di chuyển. Tuy nhiên, chúng ta thường ‘lơ là’ trong việc chăm sóc đôi bàn chân, nên khi tình trạng đau nhức xuất hiện cũng là thời điểm có nguy cơ cao mắc các bệnh lý mãn tính. 

1. Đau dưới lòng bàn chân do đâu?

Đau dưới lòng bàn chân có thể chỉ xảy ra trong một vài ngày rồi thuyên giảm, song cũng có trường hợp diễn ra âm ỉ kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng vận động. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình khiến bạn gặp phải tình trạng đau dưới lòng bàn chân: 

1.1 Căng cơ bàn chân 

Căng cơ bàn chân xảy ra khi các cơ căng giãn quá mức, lòng bàn chân phải chịu áp lực lớn. Theo thống kê thì tình trạng này khá phổ biến ở nhóm đối tượng thường xuyên mang giày cao gót hoặc sử dụng đôi chân trong thời gian dài không nghỉ.

1.2 Thừa cân béo phì

Khi cân nặng vượt quá kiểm soát, gây béo phì thì nguy cơ mắc các bệnh xương khớp thường khá cao. Lúc này sụn khớp (đặc biệt ở đôi bàn chân) sẽ phải chịu áp lực lớn, các gai xương bị đau nhức và dễ bị nứt. 

1.3 Cấu tạo bàn chân bẹt

Cấu tạo bàn chân bình thường sẽ có vòm gan chân, tuy nhiên với trường hợp mắc dị tật bàn chân bẹt thì lòng bàn chân như một mặt phẳng. Chính vì lý do đó, trong quá trình đi lại, các xương ở cẳng chân xoay chuyển khiến khớp gối bị lệch, dẫn tới có triệu chứng đau nhức lòng bàn chân. 

dau-duoi-long-ban-chan-va-nhung-luu-y-khac-phuc-hieu-qua-voh-0
Cấu tạo bàn chân dẹt sẽ làm ảnh hưởng đến các khớp xương (Nguồn: Internet) 

1.4 Viêm cân gan bàn chân

Viêm cân gan bàn chân hay dân gian thường gọi là gai xương gót. Cân gan chân được biết đến như một gân cơ đàn hồi quan trọng, góp phần hình thành nên vòm cong của bàn chân và giảm sang chấn trong suốt quá trình đi lại.

Thực tế khi cân gan bàn chân bị sưng viêm, cơn đau nhức thường xuất hiện ở vùng xương gót chân, rồi lan tới phần trung tâm của cân gan chân. Bên cạnh đó, khi tình trạng sưng viêm xảy ra, cơ thể sẽ bồi đắp canxi lên vùng tổn thương để “gia cố”, nếu chụp chiếu phim sẽ thấy hình ảnh giống gai xương. 

1.5 Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có lẽ là một trong căn bệnh thường gặp với nhóm người phải ngồi làm việc lâu và ít vận động. Cơn đau chủ yếu xảy ra do dây thần kinh tọa bị chèn ép, gây nhức mỏi từ vùng thắt lưng lan xuống tới một hoặc cả hai chân. 

Xem thêm: Bác sĩ chia sẻ 2 phương pháp giảm đau thần kinh tọa hiệu quả

1.6 Viêm khớp dạng thấp

Đau nhức lòng bàn chân là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm khớp dạng thấp. Theo đó, bệnh lý này làm ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, khiến các khớp bị co cứng và căng hơn bình thường, thậm chí nếu không kịp thời phát hiện thì xương có thể bị ăn mòn. 

1.7 Viêm khớp gout

Hoạt động bài tiết và lọc acid uric của thận ở người mắc bệnh gout không diễn ra hiệu quả. Sự rối loạn này dẫn tới nguy cơ tích tụ acid uric trong máu, gây sưng phù cũng như đau nhức ở lòng bàn chân. 

Xem thêm: Cách giảm axit uric tại nhà, ngăn ngừa bệnh gout, tim và sỏi thận

2. Biện pháp khắc phục đau lòng bàn chân

Tình trạng đau dưới lòng bàn chân có thể sớm khắc phục hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bởi đây là biểu hiện của khá nhiều bệnh lý xương khớp. Khi nhận thấy các cơn đau này kéo dài, bạn cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế, nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác để tuân thủ theo hướng điều trị đúng. 

Tùy theo tình trạng tổn thương xương khớp, một số phương pháp sau đây thường được kết hợp thực hiện:

  • Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không chứa steroid. 
  • Chiếu sóng âm cao tần vào vùng đau nhức, phù nề. 
  • Tiêm kháng viêm corticoid vào cân gan chân, tuy nhiên chỉ tiêm khoảng 2 - 3 lần trong năm. 
  • Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, xoa bóp nhẹ nhàng để kéo căng cân gan chân như đứng nhấc gót chân khỏi mặt đất trong khoảng 5 - 7 giây. 
  • Châm cứu và bấm các huyệt ở lòng bàn chân.
  • Tăng cường bồi bổ thêm các nhóm thực phẩm giàu collagen, kích thích sản sinh các gân cơ như rau xanh, trứng, cá, ngũ cốc,...
dau-duoi-long-ban-chan-va-nhung-luu-y-khac-phuc-hieu-qua-voh-1
Bấm huyệt, xoa bóp lòng bàn chân để giảm đau (Nguồn: Internet) 

3. Lưu ý phòng ngừa đau lòng bàn chân

Các cơn đau ở lòng bàn chân xuất hiện chính là “tín hiệu” nhắc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn tới cơ thể. Do vậy, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đau nhức lòng bàn chân xảy ra, điều cần làm là hãy thực hiện thói quen sinh hoạt và ăn uống hợp lý để duy trì một sức khỏe thật tốt. 

Bạn nên tham khảo thực hiện một số lưu ý sau:

  • Không nên gắng sức vận động, dành thời gian cho đôi chân nghỉ ngơi. 
  • Trang bị đầy đủ các dụng cụ hỗ trợ, phòng chấn thương cho bàn chân khi tập thể thao. Sau khi tập luyện, cần thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng cho đôi bàn chân. 
  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, giảm các thực phẩm giàu mỡ, nhiều muối, tăng cường thực phẩm giàu canxi và chất xơ. 

4. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp

Trong chương trình Phòng mạch FM, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đã giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến tình trạng đau dưới lòng bàn chân. 

Hỏi: Thường xuyên chơi đá banh, thời gian gần đây có xuất hiện triệu chứng đau gót chân, khi đi khám bác sĩ chẩn đoán là viêm cân gan lòng bàn chân. Vậy nếu sử dụng thuốc kháng viêm và tạm nghỉ chơi đá banh trong khoảng 2 - 3 tháng thì có khỏi hoàn toàn không? 

Bác sĩ trả lời: Cân gan chân bị viêm phần lớn do thiếu máu nuôi, làm thoái hóa sợi gân. Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, cần kết hợp tập các bài vật lý trị liệu để bệnh không tái phát. 

Hỏi: Mang giày cao gót thường bị đau lòng bàn chân, vậy nên xoa dầu (chườm nóng) hay chườm lạnh thì tốt hơn?

Bác sĩ trả lời: Có thể áp dụng cả phương pháp chườm nóng và chườm lạnh. Tuy nhiên trong trường hợp đang điều trị tiểu đường, nên cẩn trọng khi thực hiện chườm hoặc ngâm nước nóng, bởi bàn chân thường khó cảm nhận được độ nóng của nước, nguy cơ cao sẽ gây bỏng rát và trầy da gây nhiễm trùng.

Hỏi: Tình trạng đau nhói lòng bàn chân ở phụ nữ mang thai có gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi không? Nên áp dụng biện pháp nào để khắc phục? 

Bác sĩ trả lời: Trong thời gian mang thai, do sự rối loạn nội tiết tố nên các điểm bám gân cơ ở chân bị suy yếu, dẫn tới tình trạng viêm cân gan chân. Chứng đau nhức này không ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi, nhưng có thể làm gián đoạn khả năng vận động của mẹ. Do vậy, mỗi ngày các mẹ bầu nên tập luyện các bài tập đứng nhón gót chân khoảng 5 giây, từ 2 - 3 lần. 

Bảo vệ đôi bàn chân khỏe mạnh, dẻo dai chính là một trong nhiệm vụ cần ưu tiên trong quá trình chăm sóc sức khỏe của mỗi chúng ta. Chính vì vậy nếu nhận thấy dấu hiệu đau nhức bất thường nào hãy sớm liên hệ các chuyên gia y tế để thăm khám nhé.