Chờ...

Sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ và cách điều trị tại nhà

VOH - Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh gây ra những biến chứng khó lường.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) rất dễ mắc, dễ lây và dễ thành dịch, nhất là vào thời điểm giao mùa. Tuy là bệnh lành tính, ít để lại di chứng nhưng có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi độ tuổi và có thể tái phát nhiều lần. 

Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh đau mắt đỏ, thay vì tìm đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị, nhiều người đã tự ý mua thuốc hoặc làm theo các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng. Bác sĩ.CKI. Phan Thanh Khánh - Bác sĩ chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết, cách làm này càng khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, như loét giác mạc, suy giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa.

Cách điều trị đau mắt đỏ tại nhà

Bác sĩ Khánh cho biết, bệnh đau mắt đỏ thường gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Để giảm triệu chứng và làm dịu cơn đau, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp chữa trị tại nhà như sau:

  • Chườm mắt: Việc này giúp làm giảm các triệu chứng sưng, nóng, đau.
  • Nghỉ ngơi tại nhà: Nhằm tránh khói bụi, hóa chất độc hại và ánh sáng mạnh gây kích thích mắt. 
  • Rửa mắt bằng nước muối sinh lý và nước sạch: Giúp loại bỏ dịch mắt, chất nhầy, bụi bẩn; rửa trôi một phần vi khuẩn, virus gây bệnh; làm giảm cảm giác khó chịu và các triệu chứng đau mắt đỏ. 
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột...; vitamin như A, E, C… trong khẩu phần ăn hàng ngày để tăng cường hệ thống miễn dịch. 
Sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ và cách điều trị tại nhà 1
Khi đau mắt đỏ không tự điều trị, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra - Ảnh: Internet

Những điều không nên làm khi bị đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần giữ vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc có chứa Corticoid hoặc những thuốc chưa rõ thành phần vào mắt. Điều này không những không có tác dụng mà còn làm mắt bị tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng và lây lan. 

Trên thực tế, người bị đau mắt đỏ không cần phải kiêng ăn quá nhiều món. Thay vào đó nên nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, khoa học và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý không nên ăn những món đã từng bị dị ứng trước đó. 

Ngoài ra, người bệnh cần kiêng ăn những thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến thời gian và hiệu quả điều trị đau mắt đỏ như thực phẩm có mùi tanh (thủy, hải sản: tôm, ốc…), thực phẩm cay nóng, rau muống, mỡ động vật, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. 

Cần lưu ý, khi bị đau mắt đỏ nên hạn chế sử dụng tivi, máy tính và điện thoại. Các tác động từ màn hình thiết bị điện tử đều không tốt cho mắt, đặc biệt là lúc đang bị đau mắt đỏ.

Dùng mẹo dân gian trị đau mắt đỏ: Nên hay không?

Nhiều người truyền tai nhau các biện pháp điều trị đau mắt đỏ dân gian chưa được kiểm chứng như xông lá trầu, nhỏ sữa mẹ, dùng lá diếp cá, nha đam, thậm chí là nước tiểu.

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, đã có không ít trường hợp bị biến chứng nặng nề khó hồi phục do áp dụng các phương pháp kể trên. Bệnh đau mắt đỏ tiềm ẩn nguy cơ và dễ tiến triển thành viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, thậm chí là mù lòa nếu người bệnh chủ quan, điều trị không đúng cách. 

Sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ và cách điều trị tại nhà 1
Trẻ đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM - Ảnh: BVCC

Xem thêm:
Mẹ bầu, phụ nữ đang cho con bú bị đau mắt đỏ nên làm gì?
Tại sao khi đau mắt đỏ nên đeo kính râm và khẩu trang?

Có nên dùng kháng sinh chữa đau mắt đỏ?

Theo bác sĩ Khánh, trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn, việc sử dụng kháng sinh tại chỗ cho hiệu quả điều trị tốt. Tình trạng đỏ mắt, chảy dịch thường bắt đầu thuyên giảm trong vài ngày. Nhưng nếu nguyên nhân là do virus thì việc nhỏ kháng sinh thường không có tác dụng tiêu diệt virus gây bệnh. Chúng chỉ có tác dụng khi xuất hiện tình trạng bội nhiễm.

Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh cần được thực hiện theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Dùng kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng cách có thể gây tác dụng phụ và tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn, gọi là kháng kháng sinh. 

Đa số các thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ có thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày. Sau thời gian này, nếu các triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh cân nhắc đổi loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Phụ huynh nên làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ?

Nếu chẳng may trẻ bị đau mắt đỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, những điều phụ huynh cần làm để bảo vệ cửa sổ tâm hồn của bé đó là:

  • Đưa trẻ tới cơ sở khám chữa bệnh để có cách xử trí và nhận lời khuyên kịp thời của bác sĩ chuyên khoa mắt. 
  • Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ, không dùng đơn thuốc cũ của trẻ khác. 
  • Lau rửa ghèn mắt cho trẻ ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ấm hoặc bông. Lau xong thì vứt bỏ khăn và không sử dụng lại.
  • Cho trẻ nằm nghiêng một bên nhỏ rửa mắt rồi dùng gạc y tế lau ghèn và nước mắt chảy ra.
  • Không tra vào mắt lành của trẻ thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. 
  • Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, mẹ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Lời khuyên trong việc phòng, chống các bệnh lây nhiễm với trẻ em 

Bác sĩ Khánh cho biết, hiện nay, không chỉ có dịch đau mắt đỏ mà sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng trở thành nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Để bảo vệ trẻ trước những bệnh lây nhiễm, bố mẹ không nên tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Việc tự ý mua thuốc chưa qua kê toa hay sử dụng đơn thuốc cũ của người khác có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bé.

Thêm vào đó, bố mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, giúp bé tăng khả năng miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, gia đình và nhà trường nên rèn luyện cho bé ý thức chủ động phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp đơn giản như khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; luôn rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi; vệ sinh thân thể và môi trường xung quanh.

Sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ và cách điều trị tại nhà 3
 Giáo viên Trường mầm non Hoa Đào, TP. Đồng Xoài, Bình Phước hướng dẫn học sinh rửa tay phòng chống bệnh đau mắt đỏ - Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước

Trên đây là những chia sẻ của Bác sĩ.CKI. Phan Thanh Khánh - Bác sĩ chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn về những sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ và cách điều trị tại nhà. 

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.