Chờ...

Tại sao khi đau mắt đỏ nên đeo kính râm và khẩu trang?

VOH - Nhiều người cho rằng, đeo kính râm khi bị đau mắt đỏ sẽ ngăn chặn được việc bị lây khi nhìn vào mắt người bệnh. Đây là quan niệm sai lầm.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây nhiễm, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động và có thể ảnh hưởng đến thị lực nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh thường được bác sĩ khuyên đeo kính râm, đeo khẩu trang. Điều này có tác dụng gì trong việc điều trị và phòng ngừa?

Đeo kính râm, khẩu trang khi bị đau mắt đỏ có tác dụng gì?

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) thường lành tính, ít gây biến chứng nhưng có tốc độ lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Nhiều trường hợp nghĩ rằng bản thân không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nhưng vẫn mắc nên lo ngại nhìn vào mắt sẽ bị lây và cho rằng đeo kính râm có thể phòng ngừa.  

Giải đáp những vấn đề trên, bác sĩ CKI Phan Thanh Khánh - bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn - khẳng định khi nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ không bị lây. 

Đau mắt đỏ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt và các dịch tiết viêm ở mắt, nước bọt, bắt tay… Bệnh có khả năng lây lan qua những vật dụng dùng chung như khăn mặt, chăn gối, ly uống nước… hay qua tiếp xúc gián tiếp như việc cầm, nắm, chạm vào vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy…).

Ngoài ra, thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng… hay dùng các nguồn nước nhiễm mầm bệnh cũng có thể khiến chúng ta bị đau mắt đỏ.

Tại sao khi đau mắt đỏ nên đeo kính râm, đeo khẩu trang? 1
Bệnh nhân bị đau mắt đỏ thường được bác sĩ khuyên đeo kính và đeo khẩu trang - Ảnh: Shutterstock

Trên thực tế, đeo kính râm không giúp hạn chế sự lây lan của bệnh. Bác sĩ Phan Thanh Khánh cho biết, tác dụng của việc mang kính khi bị đau mắt đỏ là bảo vệ mắt, tránh bị kích thích bởi các tác nhân bên ngoài như khói bụi, ánh sáng… hay thói quen dụi mắt, tránh bệnh diễn biến nặng hơn.

Mang khẩu trang sẽ giúp ngăn chặn dịch tiết ở vùng mũi, họng của người bệnh bắn ra ngoài khi nói chuyện, hắt hơi… Từ đó, tránh lây bệnh cho người khác. Đây chính là lý do bác sĩ khuyên người bị đau mắt đỏ nên đeo kính râm và đeo thêm khẩu trang.

Xem thêm:
Đau mắt đỏ có bị lại không, bao lâu thì khỏi?
Mẹ bầu, phụ nữ đang cho con bú bị đau mắt đỏ nên làm gì?

Cần làm gì để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ?

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh đau mắt đỏ cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Người đã bị đau mắt đỏ vẫn có khả năng bị lại sau vài tháng khỏi bệnh.

Đặc biệt, người bị đau mắt đỏ trong giai đoạn ủ bệnh, chưa có triệu chứng rõ ràng và trong vòng 1 tuần sau khi khỏi bệnh vẫn có thể lây cho người khác. Do đó, mỗi người cần chủ động trang bị cho mình những biện pháp phòng ngừa.

Theo bác sĩ Phan Thanh Khánh, khi tiếp xúc hoặc ở gần với người bị đau mắt đỏ, chúng ta cần:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm.
  • Rửa tay sau khi tiếp xúc với người đau mắt đỏ và các vật dụng của họ.
  • Không dùng chung đồ với người bị nhiễm bệnh.
Tại sao khi đau mắt đỏ nên đeo kính râm, đeo khẩu trang? 2
Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp phòng chống đau mắt đỏ hiệu quả - Ảnh: Getty Images

Để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng;  không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
  2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
  3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
  4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
  5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. 

Trên đây là phần chia sẻ của bác sĩ CKI Phan Thanh Khánh - bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn - về con đường lây nhiễm và cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Khỏe của VOH để cập nhật các thông tin, kiến thức sức khỏe hữu ích.