Chờ...

Bác sĩ giải thích tại sao bị nấc cụt và chia sẻ mẹo chữa cực hay

( VOH ) - Chứng nấc cụt có thể xảy ra đột ngột nhưng cũng biến mất nhanh chóng, đôi khi nó còn là lời cảnh báo về một số vấn đề của sức khỏe, bất cứ ai cũng phải hết sức cảnh giác.

Dưới đây là những chia sẻ của PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) về nguyên nhân cũng như cách chữa chứng nấc cụt đơn giản trong chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

1. Nấc cụt là gì?

Bác sĩ Bay cho biết, nấc cụt là những đợt co thắt đột ngột và ngắt quãng của cơ hoành lặp đi lặp lại nhiều lần. Cơ hoành là phần phân chia vùng ngực với vùng bụng, có liên hệ với toàn bộ hệ thống thần kinh. Vì thế, khi chúng ta sặc, nói vội hay nuốt nhanh hoặc bị tác động bởi yếu tố tâm lý,…thì sẽ làm cơ hoành co thắt đột ngột và đóng nắp thanh quản lại. Từ đó tạo ra tiếng mà chúng ta hay gọi đó là nấc cụt.

bac-si-giai-thich-tai-sao-bi-nac-cut-mach-ban-meo-chua-cuc-hay-voh-1

Khi nào nấc cụt là dấu hiệu bệnh lý? (Nguồn: Internet)

Nếu hiện tượng nấc cụt kéo dài 1 hoặc 2 phút trong vòng 24 tiếng thì đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi nấc cụt kéo dài đến 48 tiếng thì bạn cần đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau.

2. Nguyên nhân gây nấc cụt

Theo bác sĩ Bay, nguyên nhân gây nấc cụt là do:

2.1 Do rối loạn hệ thần kinh trung ương

Các bệnh lý nhiễm trùng ở vùng vỏ não như khối u trong não, viêm màng não sẽ tạo ra những phản xạ làm kích thích dây thần kinh và gây ra tiếng nấc. Hoặc mắc các bệnh lý có dây thần kinh phế vị đi qua như các bệnh lý tại họng, thanh quản, bệnh về đường hô hấp (u phổi, viêm màng phổi), rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, viêm tụy…thì sẽ kích thích cơ hoành tạo tiếng nấc.

2.2 Do bệnh lý rối loạn chuyển hóa

Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, nhất là bệnh về gan như xơ gan làm ứ mật. Khi đó nó sẽ không tổng hợp được chất đạm gây ứ đọng u-rê trong máu cao. Từ đó gây ra phản xạ nấc cụt.

2.3 Do bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, rối loạn natri, canxi trong máu

Khi mắc phải những căn bệnh này bạn sẽ dễ gặp tình trạng nấc cụt. Đặc biệt là những bệnh lý tim mạch (suy tim, hở van tim) khi tình trạng giảm cacbonic cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu gây ra nấc cụt.

Như vậy, nấc cụt có thể là hiện tượng sinh lý bình thường, khi đó bạn có thể chữa bằng các mẹo dân gian đơn giản. Tuy nhiên, nếu do bệnh lý thì bạn cần phải đi khám chuyên khoa để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị dựa vào nguyên nhân gây ra.

3. Mách bạn mẹo chữa nấc cụt cực đơn giản

Dưới đây là những mẹo chữa chứng nấc cụt đã được bác sĩ Bay chia sẻ:

3.1 Nuốt cơm, nuốt nước, nhai và nuốt bánh mì, nín thở trong vài giây

Bác sĩ Bay cho biết, những cách này sẽ giúp đẩy cơ hoành, nén áp lực xuống để tạo nên phản ứng cơ học ở cơ hoành giúp giải quyết tình trạng nấc cụt.

3.2 Hít thở trong túi ni lông

Bạn có thể hít thở từ 5 – 10 lần trong túi ni lông để cơ thể đồng thời hít khí cacbonic và thở ra khí cacbonic. Từ đó làm tăng lượng cacbonic trong máu để khắc phục tình trạng nấc cụt.

3.3 Làm cho người nấc cụt giật mình

Thực hiện bằng cách vỗ lưng người bị nấc một cách đột ngột nhưng không quá mạnh.

3.4 Dùng muỗng đè lưỡi

bac-si-giai-thich-tai-sao-bi-nac-cut-mach-ban-meo-chua-cuc-hay-voh-2

Dùng vật đè lưỡi cũng là mẹo chữa nấc cụt đơn giản (Nguồn: Internet)

Dùng muỗng đè lưỡi xuống để gây kích thích dây thần kinh phế vị làm giảm nấc cụt.

3.5 Nhai mứt gừng hoặc gừng tươi

Nếu không nhai được gừng tươi vì quá cay thì bạn cũng có thể thay thế bằng mứt gừng.

3.6 Dùng giấm hoặc chanh

Bạn có thể nhỏ từ 2 – 3 giọt giấm hoặc chanh vào ly nước lạnh để uống.

Lưu ý: Chỉ nên dùng giấm nuôi từ trái chuối, không nên dùng giấm hóa học, đồng thời nếu mắc bệnh bao tử thì không nên áp dụng cách này.