Chờ...

Tiêm vắc xin ngừa cúm và một số điều cần biết

VOH - Cúm là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra theo mùa và tiêm vắc xin cúm là cách phòng ngừa hiệu quả.

Cúm mùa là bệnh phổ biến, bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh cúm ở bất cứ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên số lượng người mắc bệnh cao nhất là vào mùa đông - xuân. Và tiêm vắc xin cúm mùa chính là biện pháp để mỗi người có thể chủ động bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề tiêm vắc xin ngừa cúm. Bài viết dưới đây, BSCKI Nguyễn Thị Tuyết, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn sẽ giúp giải đáp một số thắc mắc liên quan đến câu chuyện tiêm vắc xin ngừa cúm.

Tiêm vắc xin ngừa cúm và một số điều cần biết 1
Tìm hiểu những vấn đề xung quanh câu chuyện tiêm ngừa cúm hàng năm - Ảnh: Internet

MC: Thưa bác sĩ, vì sao khi chúng ta bị nhiễm cúm mùa hoặc là trước đó đã từng nhiễm cúm thì cần phải lưu ý trong câu chuyện chích ngừa cúm mùa hàng năm ạ?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông - xuân và lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Chúng ta biết rằng, đa số các loại vắc xin kháng thể được tạo ra vẫn giữ được hoạt động trong nhiều năm. Tuy nhiên,  riêng vắc xin cúm sẽ phải chích ngừa hàng năm bởi vì các loại virus gây bệnh cúm có thể thay đổi kháng nguyên qua từng năm. Trong khi đó, kháng thể bảo vệ tạo ra bởi vắc xin cúm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới một năm. Chính vì vậy, tiêm phòng vắc xin cúm sẽ được nhắc lại mỗi năm.

MC: Vậy những đối tượng nào cần được ưu tiên chích ngừa cúm và cũng như việc chích ngừa hàng năm như thế thì có gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, thưa bác sĩ?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Mọi người đều nên chích ngừa cúm hàng năm. Tuy nhiên, một số đối tượng được khuyến cáo nên ưu tiên chích ngừa cúm là: trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên; phụ nữ mang thai; người cao tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi; người mắc các bệnh lý nền như hen suyễn, viêm phổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy thận, suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm HIV/AIDS.

MC: Nhiều người cho rằng đã chích ngừa cúm mùa rồi thì sẽ không cần lo lắng trong câu chuyện bị cúm nữa, không biết là quan điểm này có đúng hay không ạ?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Chúng ta cần tiêm vắc xin cúm nhắc lại hàng năm, bởi vì virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên và kháng thể được tạo ra chỉ có tác dụng trong thời gian dưới một năm. Do vậy, tiêm vắc xin cúm không phải giúp chúng ta không nhiễm cúm mà mục tiêu của vắc xin là đảm bảo người bệnh không bị biến chứng nặng như suy hô hấp hoặc tử vong.

Ngoài ra, virus cúm gây bệnh có rất nhiều chủng khác nhau, trong khi vắc xin cúm chỉ phòng ngừa được khoảng 3 - 4 chủng loại nặng. Chính vì thế, việc tiêm phòng cúm hàng năm là rất quan trọng.

MC: Đối với những người đã chích ngừa cúm mùa rồi nhưng vẫn bị cúm mỗi khi giao mùa thì cần lưu ý điều gì, thưa bác sĩ?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Những người đã tiêm phòng vắc xin cúm nhưng vẫn bị cúm thì các triệu chứng cúm thường sẽ nhẹ hơn so với những người không tiêm ngừa cúm.

Ngoài ra, người mắc bệnh cúm cũng cần thực hiện những biện pháp nâng cao sức đề kháng như uống đủ nước, nghỉ ngơi, ăn những loại thực phẩm chứa nhiều kẽm, vitamin C…

Trên đây là những thông tin chia sẻ từ BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết về câu chuyện tiêm ngừa vắc xin cúm, hy vọng sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh cúm cũng như việc phòng ngừa căn bệnh này bằng vắc xin.

Tiêm vắc xin ngừa cúm và một số điều cần biết 2

Đừng quên theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.