1. Ung thư tuyến tụy là gì?
Tuyến tụy là bộ phận có hình tam giác thuôn dài nằm phía sau bụng, sát dạ dày có chức năng sản xuất các men (enzym) tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn và sản xuất hormone bao gồm cả insulin tham gia quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Tuyến tụy có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các men tiêu hóa (Nguồn: Internet)
Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Có một số loại ung thư tuyến tụy, trong đó ung thư biểu mô tuyến là loại phổ biến nhất (chiếm 85%) các trường hợp và thuật ngữ ung thư tuyến tụy, hầu như được dùng chỉ để đề cập đến loại ung thư này. Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu trong phần của tuyến tụy sản xuất các enzym tiêu hóa.
Ung thư tuyến tụy là căn bệnh ung thư đứng thứ 4, chỉ đứng sau ung thư phổi, ung thư vú và ung thư đại tràng. Mỗi năm, ung thư tuyến tụy cướp đi sinh mạng của gần 40.000 người Mỹ.
2. Nguyên nhân ung thư tuyến tụy
Nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy đến nay vẫn chưa rõ nhưng một số yếu tố nguy cơ đã được xác định. Các yếu tố dưới đây chỉ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh.
- Tuổi cao: Ung thư tuyến tụy hiếm khi xảy ra trước 40 tuổi và khoảng 50% số ca ung thư tuyến tụy xảy ra ở những người trên 70 tuổi.
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.
- Tiền sử bệnh tiểu đường.
- Tiền sử viêm tụy.
- Uống rượu quá mức.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, virus viêm gan B hoặc virus gây suy giảm miễn dịch ở người.
- Ăn nhiều bơ, chất béo bão hòa, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn.
- Ăn ít trái cây và rau quả.
- Tiếp xúc thường xuyên với một số hóa chất.
- Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tụy.
Ung thư tuyến tụy vẫn chưa được biết rõ nguyên nhân (Nguồn: Internet)
Có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau liên quan đến việc phát triển ung thư tuyến tụy nhưng vẫn có người bị ung thư tuyến tụy mà không có yếu tố nguy cơ nào.
3. Cách nhận biết dấu hiệu ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy được gọi là căn bệnh “thầm lặng” bởi các triệu chứng thường không xuất hiện trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển và lây lan, bạn có thể nhận biết qua các triệu chứng sau:
- Cơn đau xuất hiện ở vùng bụng trên và đôi khi lan ra sau lưng. Cơn đau tồi tệ hơn sau khi bạn ăn và nằm xuống.
- Vàng da.
- Buồn nôn.
- Chán ăn, sụt cân.
- Mệt mỏi, suy nhược và trầm cảm.
- Phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu,…
Vàng da là dấu hiệu ung thư tuyến tụy phổ biến (Nguồn: Internet)
Nhìn chung, các triệu chứng đặc trưng để nghi ngờ mắc bệnh ung thư tuyến tụy không phát triển và biểu hiện ra ngoài cho đến khi bệnh đã đến giai đoạn cuối. Vào lúc phát hiện bệnh, ung thư tuyến tụy thường đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
4. Những biến chứng của ung thư tuyến tụy
Khi tiến triển, ung thư tuyến tụy có thể gây biến chứng sau đây:
- Vàng da: Ung thư tụy từ các khối ung thư ống mật gan có thể gây vàng da. Dấu hiệu bao gồm vàng da và mắt, nước tiểu có màu tối và màu phân nhạt.
- Đau: Một khối u đang phát triển có thể chèn ép dây thần kinh ở bụng, cơn đau bụng sẽ nghiêm trọng hơn.
- Tắc nghẽn đường ruột: Ung thư tụy phát triển ép vào thành tá tràng, có thể chặn dòng chảy của thức ăn tiêu hóa từ dạ dày – ruột non.
- Giảm trọng lượng: Một số yếu tố có thể gây ra giảm cân ở những người bị ung thư tuyến tụy.
Một trong những điều nguy hiểm của bệnh ung thư tuyến tụy là rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Đến khi bệnh tiến triển, gây đau thì người bệnh mới đi thăm khám và được chẩn đoán. Việc điều trị ung thư tuyến tụy ở giai đoạn muộn sẽ khó khăn, bên cạnh đó tỷ lệ sống sau điều trị cũng không cao.
5. Ung thư tuyến tụy có chữa được không?
Hiện nay, điều trị ung thư tuyến tụy có thể kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị với điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch học, chăm sóc nâng đỡ bệnh nhân. Phương pháp điều trị được chỉ định dựa vào giai đoạn ung thư của mỗi bệnh nhân.
5.1 Phẫu thuật
Phẫu thuật là biện pháp duy nhất thường được tiến hành đối với bệnh nhân ung thư tụy, tuy nhiên một trong những hạn chế của việc loại bỏ khối u ở tụy là dễ xảy ra xuất huyết ồ ạt, do tụy thường gắn với các cơ quan khác như lá lách, túi mật... Khi phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ các phần ung thư xâm lấn, giữ lại các phần, bộ phận không bị khối ung thư tấn công.
5.2 Xạ trị
Xạ trị sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Bức xạ thường được sử dụng trong khoảng 5 ngày/ tuần và kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Phương pháp này sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại trong khu vực sau khi phẫu thuật. Xạ trị có thể giúp giảm đau hoặc các vấn đề về tiêu hóa gây ra bởi khối ung thư.
5.3 Hóa trị
Hóa trị là việc sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn chúng phát triển hoặc nhân lên. Các bác sĩ có thể sử dụng 1 loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Có thể dùng thuốc uống hoặc tiêm, khi thuốc đi vào máu, chúng đi khắp cơ thể và tiêu diệt tế bào ung thư.
5.4 Miễn dịch
Phương pháp này gọi là liệu pháp sinh học, miễn dịch nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch của con người để chống lại bệnh tật. Đây là phương pháp mới đang được nghiên cứu, nhằm tìm ra cách mà hệ thống miễn dịch có thể tấn công các tế bào ung thư.
5.5 Điều trị giảm nhẹ
Liệu pháp giảm nhẹ thường được sử dụng để làm giảm triệu chứng và giảm đau không phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh hoặc các phương pháp điều trị khác. Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ là để cải thiện chất lượng cuộc sống cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh. Khi bệnh đang ở giai đoạn phát triển, giảm đau là cách thức quan trọng để hỗ trợ bệnh nhân.
6. Biện pháp phòng bệnh ung thư tuyến tụy
Phòng ngừa ung thư tuyến tụy trong tương lai bằng cách từ bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ (Nguồn: Internet)
Để phòng tránh ung thư tuyến tụy, hãy bắt đầu bằng cách tránh xa dần dần với các yếu tố nguy cơ như:
- Từ bỏ thuốc lá.
- Giảm chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Hạn chế rượu, bia.
- Hạn chế ăn thịt chế biến sẵn hay thịt đỏ.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Phòng ngừa bệnh tiểu đường.
- Tập thể dục mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch.
Các biện pháp ngăn ngừa này quan trọng với tất cả mọi người nhưng đặc biệt quan trọng hơn với những người có người thân đã từng bị ung thư tuyến tụy.