Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhận diện các dạng bệnh của viêm da mủ để chữa đúng cách

(VOH) - Vệ sinh kém, đề kháng yếu, da ẩm ướt,…là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn trên da tăng sinh, tăng độc tính gây bệnh viêm da mủ. Vậy viêm da mủ là bệnh gì, điều trị bằng cách nào hiệu quả?

Da là bề mặt lớn nhất trong cơ thể, có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, trên da lại có nhiều loại vi khuẩn ký sinh, trong đó nhiều nhất là tụ cầu và liên cầu. Khi gặp điều kiện thuận lợi, các loại vi khuẩn này sẽ tăng sinh và gây bệnh viêm da, trong đó phổ biến nhất là viêm da mủ.

1. Viêm da mủ là gì?

Bình thường có nhiều loại vi khuẩn sống ký sinh trên da người nhưng không gây bệnh, trong đó nhiều nhất là tụ cầu và liên cầu. Vi khuẩn thường trú nhiều ở những vùng nhiều lông và nhiều mồ hôi như nách, bẹn, các nếp kẽ, lỗ chân lông,… Khi có điều kiện thuận lợi như ra nhiều mồ hôi khi lao động, tập luyện, sức đề kháng yếu, vệ sinh kém, ngứa gãi, xây xát da thì các vi khuẩn trên da sẽ phát triển và gây nên bệnh viêm da mủ.

nhan-dien-cac-dang-benh-cua-viem-da-mu-de-chua-dung-cach-voh-1

Viêm da mủ thường do liên cầu hoặc tụ cầu (Nguồn: Internet)

Người ta thường phân viêm da mủ thành 2 loại là viêm da mủ tụ cầu và viêm da mủ liên cầu, nhưng ít khi 2 loại cầu khuẩn này gây bệnh riêng lẻ mà phần lớn chúng phối hợp gây bệnh.

2. Các dạng bệnh viêm da mủ thường gặp

2.1 Viêm da mủ do tụ cầu khuẩn

Tụ cầu thường gây tổn thương ở nang lông, cụ thể là những bệnh sau đây:

  • Viêm nang lông nông: là tình trạng viêm nông ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau đó hình thành mủ nhỏ, quanh chân lông có quầng viêm hẹp. Vài ngày sau, mụn mủ khô, để lại một vảy tiết màu nâu sẫm. Sau cùng, vảy bong ra, không để lại sẹo.
  • Viêm nang lông sâu: Quanh nang lông sưng tấy nhiều cụm, quanh lỗ chân lông có mụn mủ. Mụn mủ có thể rải rác hoặc tập trung thành đám đỏ, cứng cộm, nặn ra mủ. Viêm nang lông sâu thường tập trung ở vùng cằm, gáy, vùng da đầu tiến triển dai dẳng hay tái phát.
  • Đinh nhọt: Đây cũng gọi là tình trạng viêm nang lông. Nếu nhọt to, số lượng nhiều có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết sưng đau. Nhọt mọc ở lỗ tai thường được dân gian gọi là “đằng đằng”, nhọt quanh miệng gọi là “đinh râu”.
  • Nhọt ổ gà: Đây là tình trạng viêm nang lông kèm theo viêm tuyến mồ hôi, tuyến bã ở vùng nách, tạo thành một túi mủ sâu ở bì và hạ bì. Tổn thương nổi thành cục, thường ở vùng nách, ban đầu nhọt cứng sau thì mềm dần và vỡ mủ.

2.2 Viêm da mủ do liên cầu khuẩn

Vi khuẩn liên cầu thường gây nên các bệnh sau đây:

  • Chốc lây: Thường do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn phối hợp gây bệnh. Bệnh này thường gặp ở trẻ em hơn người lớn. Vị trí hay gặp là đầu, mặt, cổ, chân tay. Bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác nên có thể phát triển thành dịch ở nhà trẻ, trường học. Tổn thương ban đầu là một phỏng nước nhỏ, hình tròn, có quầng viêm đỏ. Lúc đầu nước trong, dần dần thành mủ đục. Giai đoạn phỏng nước và phỏng mủ rất ngắn, sau đó sẽ đóng vảy tiết vàng, dưới lớp vảy là một lớp chợt đỏ, nông và không cộm.
  • Chốc loét: Đây cũng là một loại chốc nhưng tổn thương lan sâu đến trung bì. Bệnh chốc loét thường gặp ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng có bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu. Vị trí hay gặp là cẳng chân, cổ chân, nhất là ở chân có giãn tĩnh mạch. Ban đầu bệnh cũng biểu hiện bằng một phỏng nước hoặc phỏng mủ, da xung quanh có vết loét tím tái, tiến triển dai dẳng, lâu liền sẹo.
  • Hăm kẽ: Bệnh này thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ béo phì hoặc gặp ở người lớn thừa cân, ra nhiều mồ hôi. Hăm kẽ thường thấy ở nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông và kẽ sau tai, rốn. Tổn thương là các đám đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền da mỏng, đau rát.
  • Chốc mép: Tổn thương ở 2 kẽ mép, bị nứt trợt, rớm dịch, đóng vảy vàng dễ chảy máu, đau rát gây khó ăn, khó uống.

3. Điều trị và phòng bệnh viêm da mủ

Viêm da mủ có nhiều dạng bệnh khác nhau, tùy vào từng loại mà bác sĩ da liễu sẽ chỉ định thuốc điều trị thích hợp. Người bệnh có thể dùng thuốc dạng uống hoặc thoa ngoài da theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm da mủ có thể khỏi nhanh chóng nếu người bệnh dùng đúng thuốc và chăm sóc da đúng cách. Nếu chủ quan để bệnh kéo dài, nó có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận, nhiễm trùng máu,…

3.1 Một số điều cần lưu ý khi điều trị viêm da mủ:

  • Không tự ý dùng kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá,…
  • Không cào xước, gãi ngứa vùng da bị viêm.
  • Không chích nặn những mụn đang viêm tấy, chưa hóa mủ.

3.2 Để phòng bệnh bạn cần tuân theo những điều sau đây:

  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ mỗi ngày.
  • Không nên ăn quá nhiều đồ nóng có hàm lượng đường cao.
  • Tăng cường bổ sung các loại vitamin từ thực phẩm, chế độ ăn nên có nhiều đạm để tăng sức đề kháng của cơ thể.
  • Với trẻ em nên tắm nước chè tươi, sài đất, mướp đắng,…vì có tác dụng phòng viêm da mủ rất hiệu quả.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, chăn mền,…với người đang mắc bệnh viêm da mủ để tránh bị lây lan.

nhan-dien-cac-dang-benh-cua-viem-da-mu-de-chua-dung-cach-voh-1

Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày để phòng bệnh viêm da mủ (Nguồn: Internet)

Nhìn chung, viêm da mủ là bệnh ngoài da thường gặp, có thể lây truyền từ người này sang người khác. Nếu nhận biết bệnh sớm và điều trị đúng cách thì bệnh không có gì đáng lo ngại, bệnh sẽ nhanh khỏi khi tuân theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, hãy học cách phòng ngừa viêm da mủ để bệnh không tái phát trở lại.

Bình luận