Chờ...

Viêm gan B lây qua đường nào? – Cần biết để tránh bị lây nhiễm

(VOH) - Hiểu rõ việc viêm gan B có lây không, nếu có thì viêm gan B lây qua đường nào sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh cho mình cũng như tránh lây nhiễm cho người thân, xã hội khi chẳng may mắc phải.

1. Bệnh viêm gan B có lây không?

Viêm gan B là bệnh gan phổ biến do virus HBV gây ra. Bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mãn tính và để lại hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan.

Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vắc xin.

viem-gan-b-lay-qua-duong-nao-biet-de-phong-tranh-bi-lay-nhiem-voh-1

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm (Nguồn: Internet)

Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng cũng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày. Virus có thể được phát hiện trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Virus viêm gan B rất dễ lây lan, khả năng lây nhiễm cao hơn HIV gấp 50 đến 100 lần.

2. Bệnh viêm gan B lây qua đường nào?

Viêm gan B lây qua đường gì? là câu hỏi được nhiều người quan tâm vì hầu hết ai cũng ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này và muốn tìm hiểu để phòng tránh đúng cách.

Cách thức lây nhiễm virus viêm gan B cũng giống như cách lây truyền của virus HIV. Bao gồm:

2.1 Đường từ mẹ sang con

Khi phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B có thể truyền sang bào thai. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con từ 60 – 70% nếu mẹ bị bệnh viêm gan B ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh.

2.2 Lây qua đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus

Người bị lây nhiễm virus viêm gan B có thể xảy ra trong những trường hợp như truyền máu, các chế phẩm từ máu, phẫu thuật, tiêm chích ma túy,…

Ngoài ra, trong một số trường hợp mà đôi khi bạn không để ý cũng dễ dàng lây lan virus viêm gan B như dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, lây qua vết trầy xước, xăm mắt, xăm môi, xăm da, xỏ lỗ tai với các vật dụng không được khử trùng đảm bảo,…

2.3 Lây truyền qua đường tình dục

viem-gan-b-lay-qua-duong-nao-biet-de-phong-tranh-bi-lay-nhiem-voh-2

Quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh viêm gan B sẽ bị lây bệnh (Nguồn: Internet)

Viêm gan B lây truyền qua máu, tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch khác của cơ thể. Loại viêm gan này dễ lây truyền hơn HIV (virus gây bệnh AIDS) từ 50 – 100 lần và nhất là qua đường quan hệ tình dục không an toàn.

Bệnh viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới.

3. Viêm gan B lây qua đường nước bọt không?

Thông thường, trong nước bọt có rất ít virus viêm gan B. Tuy nhiên, những người có tổn thương khoang miệng như nhiệt miệng, chảy máu chân răng,…thì trong miệng lại có rất nhiều virus, điều này có nghĩa là viêm gan B lây qua đường nước bọt cũng có khả năng xảy ra.

4. Viêm gan B lây qua đường ăn uống không?

Virus viêm gan B không lây qua đường tiếp xúc thông thường hàng ngày như bắt tay, ho, hắt hơi, ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan B, hôn lên má, dùng chung ly, chén, dĩa, muỗng,…

viem-gan-b-lay-qua-duong-nao-biet-de-phong-tranh-bi-lay-nhiem-voh-3

Viêm gan siêu vi B không lây truyền qua đường ăn uống và giao tiếp hàng ngày (Nguồn: Internet)

Như vậy, virus viêm gan B không lây qua đường ăn uống chung hoặc tiếp xúc thông thường. Do đó, bạn không cần thiết phải có chế độ ăn uống và sinh hoạt riêng với người bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B cần hết sức thận trọng vì chỉ cần một vết trầy xước nhỏ trên cơ thể, nếu vô tình tiếp xúc với người khác thì cũng có thể truyền mầm bệnh cho họ.

Lời khuyên: Để phòng viêm gan B tốt nhất là tiêm vắc xin viêm gan B, đặc biệt là vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau khi sinh và tiêm đúng lịch, đủ liều cho trẻ trong tiêm chủng mở rộng. Người lớn cần xét nghiệm kỹ lưỡng trước khi tiêm vắc xin ngừa viêm gan B.