Tìm hiểu đầy đủ về bệnh viêm kết mạc sẽ giúp bạn sớm nhận biết bệnh cũng như điều trị kịp thời và phòng ngừa đúng cách.
1. Viêm kết mạc là gì?
Kết mạc là một màng mỏng, trong và bóng che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt, đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu và có thể trượt dễ dàng trên bề mặt này mà không gây tổn thương cho giác mạc.
Viêm kết mạc còn gọi là bệnh đau mắt đỏ (Nguồn: Internet)
Viêm kết mạc (còn gọi là bệnh đau mắt đỏ) là tình trạng kết mạc bị viêm do nhiễm trùng từ vi khuẩn hoặc virus. Viêm kết mạc cũng có thể do dị ứng, tổn thương mắt hoặc phản ứng với thuốc. Bệnh viêm kết mạc thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt còn lại.
2. Vì sao bị viêm kết mạc?
Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường là do vi khuẩn hoặc virus, ngoài ra còn có trường hợp bị viêm kết mạc dị ứng.
- Do virus: Viêm kết mạc cấp do virus là nguyên nhân phổ biến nhất, trong đó có khoảng 80% là Adenovirus. Ngoài ra, viêm kết mạc do virus còn xuất hiện sau khi bị sốt virus, viêm phổi cấp hoặc sau sởi, nhiễm virus simplex, herpes zoster.
- Do vi khuẩn: Viêm kết mạc do vi khuẩn thường là liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Đặc biệt, viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do lậu, do lây truyền từ mẹ sang con là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời.
- Do tác nhân gây dị ứng: Viêm kết mạc dị ứng thường do bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc,… Bệnh thường xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng và có khả năng tái đi tái lại.
3. Viêm kết mạc có lây không và lây qua những đường nào?
Viêm kết mạc hay bệnh đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch. Những con đường lây lan bệnh viêm kết mạc gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm kết mạc qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay…
- Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm thang máy,…)
- Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, ly uống nước, gối nằm,…
- Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh.
- Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm tay vào miệng, cắn móng tay,…
Dùng chung khăn với người bệnh viêm kết mạc sẽ bị lây bệnh (Nguồn: Internet)
Ở những nơi công cộng bao gồm bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc,…hoặc những khu vực có mật độ người đông thì nguy cơ lây lan bệnh viêm kết mạc sẽ càng cao. Hơn nữa, trong vòng một tuần sau khi hết bệnh, người bệnh vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Vì vậy, những người bị viêm kết mạc cần chú ý vấn đề này để tránh lây lan cho những người xung quanh.
4. Triệu chứng viêm kết mạc
Có thể nhận biết bệnh viêm kết mạc qua những triệu chứng sau đây:
- Đỏ mắt.
- Mí mắt sưng, đỏ.
- Ngứa, bỏng rát mắt.
- Chảy nước mắt.
- Lông mi bết lại hoặc khô cứng.
- Cảm giác có dị vật trong mắt.
Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi mới thấy), những trường hợp này thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác.
5. Viêm kết mạc có chữa được không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà có cách điều trị viêm kết mạc khác nhau. Có một số trường hợp viêm kết mạc có thể tự khỏi nhưng có trường hợp cần phải điều trị đúng cách để tránh biến chứng đau mắt hột.
Các phương pháp điều trị viêm kết mạc dựa vào nguyên nhân gồm có:
- Viêm kết mạc do virus: Nếu nguyên nhân gây viêm kết mạc do virus, người bệnh không cần điều trị. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, bao gồm chườm mát, rửa mắt bằng nước sạch, tránh khô mắt bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo kèm theo kháng sinh phòng bội nhiễm.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: Điều trị nguyên nhân gây bệnh bằng kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc tra mắt.
- Viêm kết mạc do dị ứng: Đầu tiên, bạn cần xác định tác nhân gây dị ứng để tránh xa tác nhân đó. Các trường hợp này điều trị bằng các thuốc chống dị ứng, nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm khó chịu.
Mặc dù có trường hợp viêm kết mạc không cần điều trị, tuy nhiên nếu có dấu hiệu của căn bệnh này thì bạn cũng phải đến gặp bác sĩ để thăm khám nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp.
6. Viêm kết mạc kiêng gì?
Kiêng khem đúng cách sẽ giúp người bệnh viêm kết mạc điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn. Do vậy, người bệnh nên chú ý kiêng các vấn đề sau đây:
- Kiêng các gia vị, thực phẩm cay: Vị cay của thực phẩm dễ làm chảy nước mắt, điều này gây khó chịu đối với người bệnh viêm kết mạc. Các loại gia vị, thực phẩm cay cần kiêng gồm ớt, tiêu…
- Kiêng thực phẩm gây dị ứng: Nếu cơ địa bệnh nhân bị dị ứng với loại thức ăn gì thì cần kiêng loại thức ăn đó trong khi bị viêm kết mạc.
- Kiêng chất kích thích: Rượu bia, các nước uống có cồn,…cần kiêng dùng trong khi điều trị viêm kết mạc.
- Tránh các tác nhân và những hoạt động gây hại cho mắt: Người bị viêm kết mạc nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, tránh dụi mắt, tránh đi bơi, tránh những nơi có khói, bụi, gió mạnh,…
Người bị viêm kết mạc nên tránh ăn cay (Nguồn: Internet)
Một số điều mà người bệnh nên làm:
- Để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn tốt.
- Ngủ đủ giấc.
- Trong giai đoạn bị viêm kết mạc nên xin nghỉ phép, không nên đi làm, đi học để tránh lây bệnh cho người khác.
7. Biện pháp phòng bệnh viêm kết mạc
Để phòng bệnh viêm kết mạc cần:
- Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt khi trong gia đình có người bị viêm kết mạc.
- Cẩn trọng khi sử dụng kính áp tròng.
- Không tùy tiện dùng thuốc nhỏ mắt.
- Mang kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, hóa chất,…
- Tăng cường bổ sung vitamin A, C, E,…để nâng cao sức đề kháng.
Nhìn chung, bệnh viêm kết mạc không nguy hiểm nhưng rất dễ mắc và dễ lây lan trong cộng đồng. Hơn nữa, bệnh còn có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và làm việc. Do vậy, khi có triệu chứng đỏ mắt, ngứa mắt, cộm mắt,…thì cần đi khám để điều trị kịp thời.