1. Viêm thanh quản là gì?
Bệnh viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm bị sưng dẫn đến khàn hoặc mất giọng. Dây thanh âm là những nếp gấp trong niêm mạc thanh quản. Khi chúng bị sưng, âm thanh hình thành do không khí đi qua dây thanh âm bị biến dạng khiến cho giọng người bệnh nghe khàn khàn.
Viêm thanh quản thường biến mất sau 2 – 3 tuần nhưng khi bệnh kéo dài lâu hơn nếu không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến viêm thanh quản mãn tính.
Hình ảnh viêm thanh quản (Nguồn: Internet)
2. Nguyên nhân gây viêm thanh quản
Nguyên nhân gây viêm dây thanh quản thông thường là do cảm lạnh, cảm cúm do nhiễm virus. Ngoài ra, viêm thanh quản còn do một số nguyên nhân khác như:
- Nói to, nói nhiều: Những người làm nghề giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, diễn viên,…thường phải sử dụng giọng nói nhiều. Nếu sử dụng quá mức rất dễ dẫn đến bệnh viêm thanh quản.
- Do thời tiết thay đổi đột ngột: Viêm thanh quản do thời tiết thay đổi đột ngột rất thường gặp, đặc biệt là khi thời tiết nóng chuyển sang lạnh hoặc cơ thể bị lạnh đột ngột do uống nước đá, đang ở ngoài nóng đột ngột bước vào phòng máy lạnh,…
- Tiếp xúc với hóa chất: Thường xuyên hít phải hóa chất như chất tẩy rửa hoặc xăng dầu dễ bị ảnh hưởng và gây viêm thanh quản.
- Mắc một số bệnh đường hô hấp: Viêm họng, viêm amidan cấp do vi khuẩn,… kéo dài có thể dẫn đến viêm thanh quản.
- Các yếu tố khác: Hút thuốc lá, uống nhiều bia, rượu, bị trào ngược dạ dày,…cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản.
3. Biểu hiện viêm thanh quản
Tùy vào nguyên nhân mà bệnh có biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng chung mà bệnh nhân viêm thanh quản nào cũng gặp là:
- Khàn tiếng, tắt tiếng.
- Sưng hạch cổ, đau họng, ngứa rát họng, nuốt vướng.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Ho khan.
- Sốt nhẹ hoặc cao, đôi khi sốt không thuyên giảm.
Những triệu chứng này nếu không điều trị, kéo dài hơn 3 tuần nó sẽ chuyển sang viêm thanh quản mãn tính.
4. Viêm thanh quản có nguy hiểm không?
Viêm thanh quản ảnh hưởng lớn đến giọng nói gây khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là những người cần nói nhiều.
Tuy nhiên, viêm thanh quản ở người lớn không gây ra các tình trạng nguy hiểm, có khả năng phục hồi tốt. Đối với trẻ em cần phải theo dõi sát vì dễ gây khó thở thanh quản, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Viêm thanh quản có thể tiến triển thành viêm phế quản, viêm phổi nhưng hiếm gặp.
5. Viêm thanh quản điều trị bằng cách nào?
Đối với các trường hợp viêm thanh quản nhẹ, bạn có thể dùng các loại thuốc không chứa aspirin như acetaminophen. Ngoài ra, bạn có thể dùng siro ho, thuốc giảm đau để làm giảm triệu chứng. Nếu nguyên nhân gây viêm thanh quản là do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh.
Nếu nguyên nhân gây ra viêm thanh quản là do khối u, bác sĩ có thể sẽ thực hiện cắt bỏ khối u đi.
6. Chế độ sinh hoạt cho người bệnh
Ngoài việc uống thuốc, khi bị viêm thanh quản bạn có thể tự chăm sóc và điều trị viêm thanh quản tại nhà bằng những cách sau:
6.1 Hít thở không khí ẩm
Sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ cho không khí trong nhà hay văn phòng ẩm. Bạn cũng có thể hít hơi nước từ một chậu nước nóng.
Người bệnh viêm thanh quản hãy thường xuyên hít không khí ẩm (Nguồn: Internet)
6.2 Nghỉ nói càng nhiều càng tốt
Tránh nói chuyện hoặc hát quá to hoặc quá lâu. Nếu cần nói chuyện trước đám đông trong lúc bị viêm thanh quản thì hãy sử dụng micro hoặc loa.
6.3 Loại bỏ các yếu tố gây hại
Khi bị viêm thanh quản, bạn nên tránh uống rượu, bia hay hút thuốc lá quá nhiều. Nếu công việc của bạn phải ở gần khói hóa chất hãy đeo khẩu trang thường xuyên để hạn chế bụi hóa chất đi vào làm tổn thương thanh quản của bạn.
6.4 Uống nhiều nước
Nghỉ ngơi và uống đủ nước mỗi ngày, tốt nhất uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
6.5 Vệ sinh răng miệng đúng cách
Hàng ngày cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Hãy súc họng bằng nước muối sinh lý trước khi đánh răng.
Lời khuyên: Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp do lạnh, dị ứng có thể tự khỏi nhưng người bệnh cần có chế độ chăm sóc và sinh hoạt đúng cách. Nếu tình trạng viêm kéo dài không khỏi thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, khó điều trị.