Chờ...

Cách dạy trẻ tự đi vệ sinh, hình thành thói quen tự lập

(VOH) - Nhiều phụ huynh không chắc chắn khi nào nên bắt đầu tập cho bé 'đi toalet' hoặc 'đi bô'. Không phải tất cả trẻ em đều bắt đầu ở cùng một độ tuổi nên quan trọng phải chú ý đến dấu hiệu.

Mỗi một đứa trẻ sẽ có một khoảng thời gian và tốc độ phát triển khác nhau. Nếu một ngày ba mẹ nhận ra rằng đã đến lúc con mình có thể tự đi vệ sinh thì đó chính là lúc con lớn thêm một chút. 

Dấu hiệu.

Thay vì sử dụng tuổi, hãy tìm những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể sẵn sàng bắt đầu tự đi vệ sinh, chẳng hạn như:

  • Bé có biết làm theo hướng dẫn đơn giản không?
  • Bé có hiểu và sử dụng các từ về việc đi vệ sinh không?
  • Có lúc nào bé giữ tã khô trong 2 giờ trở lên?
  • Bé có thể kéo tã, quần lên và xuống thành thạo không?
  • Bé có thích sử dụng nhà vệ sinh không?
  • Bé có biết rửa tay không (điều này rất quan trọng để giữ vệ sinh đúng cách)?
  • Bé có biểu hiện hoặc phàn nàn khi tã ướt hoặc bẩn không?

Nếu hầu hết câu trả lời trên là “có”, con bạn có thể đã sẵn sàng. Nếu hầu hết các câu trả lời là “không”, hãy cho con bạn thêm thời gian. Đa số trẻ em bắt đầu có những dấu hiệu này khi chúng từ 18 đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên một số có thể bắt đầu muộn hơn thế. Bé trai thường bắt đầu muộn hơn và mất nhiều thời gian hơn để học cách tự đi vệ sinh hơn con gái. Hãy nhớ rằng con bạn PHÁT TRIỂN THEO TỐC ĐỘ CỦA RIÊNG MÌNH và ở đó KHÔNG CÓ ĐÚNG HAY SAI về thời gian.

voh.com.vn-tre-di-ve-sinh-1

Cách tập cho bé tự đi vệ sinh.

Khi nhận thấy bé có dấu hiệu sẵn sàng cho việc tự đi vệ sinh, bạn không nên tiến hành ngay. Bé cần một bước CHUẨN BỊ để việc tiến hành được thuận lợi.

  • Mỗi lần thay bỉm cho bé hoặc thấy bé có biểu hiện muốn đi vệ sinh (vắt chéo chân, rặn đỏ mặt, bối rối, ngồi xổm…), hãy sử dụng các từ liên quan đến việc đi vệ sinh như “đi tè”, “đi ị”, “phân”… để bé làm quen dần với một “công việc mới”

Ví dụ:

Chỉ vào bỉm của bé nói: “Bi tè đây này. Lần sau muốn đi tè, Bi nói với mẹ là: “mẹ ơi, con muốn đi tè nhé!”

Hoặc thấy bé đang rặn ra bỉm, mẹ có thể lại gần và nói: “ Con đang ị phải không?”.  Khi vệ sinh cho bé, hãy chỉ cho bé thấy: “Phân Bi ị đây này. Lần sau muốn đi ị, Bi hãy nói với mẹ là: “Mẹ ơi con muốn đi ị nhé”.

Hoặc, khi chính bố mẹ đi vệ sinh cũng có thể nói với bé: “Bố đi ị xong sẽ ra chơi với Bi tiếp nhé”.

  • Cũng với cách trên, hãy dạy bé thông báo cho bạn khi tã bé bị ướt hoặc bẩn.
  • Chọn bô cho bé: bạn có thể chọn bô trẻ em hoặc một tấm lót bồn cầu cho bé ngồi với các hình thức bắt mắt trên thị trường hiện nay. Nếu chọn tấm lót bồn cầu, bạn cần chuẩn bị cho bé một chiếc ghế để bé bước lên dễ dàng khi đi ị cũng như đứng tè. Hãy cho bé thử ngồi lên như một cách để “dụ” cho bé thích thú với việc được đi vệ sinh ở đó.

 

voh.com.vn-tre-di-ve-sinh-2

Bạn có thể chọn bô trẻ em hoặc một tấm lót bồn cầu cho bé.

  • Làm cho việc sử dụng nhà vệ sinh trở nên thú vị. Muốn vậy, hãy thử âm nhạc thư giãn, đồ chơi gắn ở khu vực đặt bô hoặc bồn cầu, nhiệt độ thoải mái và tuyệt vời hơn nữa là một hương thơm thư giãn như vani hoặc oải hương… Nếu bạn từng có trải nghiệm ở nhà vệ sinh ở các trung tâm thương mại lớn hoặc công ty nước ngoài, chắc chắn bạn sẽ có cảm giác khác biệt với việc PHẢI đi vệ sinh ở các khu vực công cộng mất vệ sinh. So với người lớn, một đứa trẻ cũng mới làm quen với nhà vệ sinh còn nhạy cảm hơn rất nhiều.

Nếu bạn đã quyết định rằng con bạn đã sẵn sàng để bắt đầu học cách sử dụng bô, những lời khuyên này có thể giúp ích cho bạn:

  • Dù ngồi bô hay ngồi bồn cầu thì nơi bé đi vệ sinh nên là trong nhà vệ sinh. Điều này không những giữ cho ngôi nhà của bạn sạch sẽ mà còn  dạy bé về nguyên tắc vệ sinh và đặc trưng của việc đi vệ sinh. Người lớn cũng thế, trẻ con cũng thế, cứ đi ị hay đi tè là phải vào nhà vệ sinh.
  • Thiết lập thói quen (phản xạ có điều kiện). Ví dụ, bạn có thể muốn bắt đầu bằng cách cho con ngồi bô sau khi thức dậy với tã khô, hoặc 45 phút đến 1 giờ sau khi uống nhiều chất lỏng. Chỉ cho bé ngồi bô trong vài phút, một vài lần một ngày, và để bé đứng dậy nếu chúng muốn.
  • Trong vòng 15 đến 30 phút sau bữa ăn hãy cho bé ngồi bô để tận dụng xu hướng tự nhiên của cơ thể để có nhu động ruột sau khi ăn (đây được gọi là phản xạ dạ dày - ruột).
  • Nhiều trẻ em có một thời điểm trong ngày chúng có xu hướng đi tiêu. Có bé thì sau bữa sáng, có bé lại sau giờ ngủ trưa…Vì vậy, xác định thói quen đi tiêu trong ngày của bé có thể giúp bạn thấy dễ dàng hơn.
  • Trước khi bé chủ động gọi bố/mẹ hoặc người chăm sóc thì tất cả những lần cho bé ngồi bô, hãy luôn dùng những từ liên quan đến việc đi vệ sinh (đề cập trong phần chuẩn bị) để bé ý thức được tình trạng của mình. Sau một thời gian, bạn hãy yêu cầu bé đi vệ sinh và bạn chỉ là người theo sau giám sát để hỗ trợ thay vì đặt bé vào đó. Dần dần tiến tới việc bạn nhắc bé đi vệ sinh mà không cần giám sát nữa. Đến lúc đó, hầu như trẻ đã biết đi vệ sinh theo nhu cầu và bạn đã thành công

Những điều cần tránh khi bắt đầu tập cho trẻ tự đi vệ sinh

voh.com.vn-tre-di-ve-sinh-3

  • Tránh quần áo khó cởi, chẳng hạn như áo liền quần, quần bó chật, quần có khuy bấm… Tốt nhất vẫn là quần chun nhỏ. Những đứa trẻ đang tập đi vệ sinh cần có khả năng tự cởi quần áo.
  • Không tập khi có sự kiện như sắp đi du lịch, khi em bé sắp ra đời, khi thay đổi từ cũi sang giường, khi chuyển đến nhà mới, khi bé bị ốm (đặc biệt là tiêu chảy).
  • Đảm bảo tất cả những người chăm sóc – bao gồm người giữ trẻ, ông bà và cô giáo cùng nắm được thói quen và phương pháp mà bạn đang áp dụng với bé trong việc đi vệ sinh. Nếu mỗi người dùng một phương pháp cho một việc sẽ khiến bé bị rối và nhầm lẫn dẫn đến việc đáp ứng lại phương pháp kém hiệu quả.
  • Hãy nhớ rằng “sự cố” sẽ vẫn xảy ra trong quá trình tập luyện. Điều quan trọng là người lớn không gây áp lực, không trừng phạt hay thể hiện sự thất vọng khi bé “tè dầm” hay “ị đùn”. Thay vào đó hãy trấn an bé, nhẹ nhàng nhắc nhở bé. Đồng thời cũng cần khen ngợi bé ngay từ lần đầu bé tự chủ được việc đi vệ sinh của mình.

Dạy trẻ tự đi vệ sinh không phải là một nhiệm vụ ngày một ngày hai. Nó thường mất từ 3 đến 6 tháng, nhưng cũng có thể mất nhiều thời gian hơn hoặc ít hơn đối với một số trẻ. Nếu bạn bắt đầu quá sớm hoặc gây áp lực cho trẻ khi tập luyện, quá trình sẽ mất nhiều thời gian hơn và thường khiến bạn cảm thấy mất kiên nhẫn và mệt mỏi. Điều này chỉ khiến bé sợ đi vệ sinh và bất hợp tác với bạn mà thôi. Hãy nhận thức tốt và lắng nghe cơ thể bé để giúp bé phát triển lành mạnh.