Một nghiên cứu cho thấy khoảng 32% rác thải bao bì nhựa bị thải ra ngoài đại dương mỗi năm, và theo National Geographic thì khoảng 91% các loại nhựa không được tái chế. Nhựa được phân loại dựa vào ký hiệu in trên sản phẩm và cách tái chế cho mỗi loại là khác nhau, vì vậy rất khó để người tiêu thụ nhận biết cách tái chế đúng cho từng loại nhựa. Thông tin về chương trình tái chế ở mỗi thành phố, thị xã sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về việc phân loại và tái chế nhựa cho những ai quan tâm đến vấn đề này.
Ông Mike Brown, chuyên viên tư vấn môi trường của Good Housekeeping Institute (tạm dịch: Viện quản lý công việc gia đình) nói rằng: “Thị trường vật liệu tái chế luôn luôn biến đổi, đồng nghĩa với việc các tổ chức này sẽ thay đổi việc thu nhận rác thải tùy thuộc vào tính chất của chúng”. Ông cho biết thêm, nếu nơi bạn ở không có phương pháp tái chế một số loại nhựa thì có thể họ vẫn sẽ thu nhận để lưu trữ hoặc phân hủy.
Rác được bỏ vào từng thùng phân loại khác nhau
Không phải mọi rác thải đều bỏ chung vào một thùng rác tái chế. Bạn phải suy nghĩ xem những thùng chứa nào dành cho rác thông thường, nhựa hay giấy và bắt đầu phân loại chúng. Ví dụ, một ly cà phê làm bằng giấy các tông có nắp bằng nhựa sẽ được bỏ vào hai thùng rác phân loại khác nhau.
Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm sẽ khiến việc tái chế các loại rác thải khác trở nên khó khăn hơn. Bạn không nên bỏ rác thải nhựa có chứa thực phẩm vào chung với các chất thải khác. Tiến sĩ, giám đốc Birnur Aral của Viện nghiên cứu Khoa học sức khỏe, sắc đẹp và môi trường cho biết: “Sau khi sử dụng xong thực phẩm, hãy đảm bảo rằng bạn để thức ăn thừa vào thùng rác phân hủy sinh học và rửa bao bì chứa thực phẩm trước khi đặt chúng vào thùng rác tái chế”.
Các ký hiệu trên bao bì nhựa có ý nghĩa riêng về cách phân loại và tái chế. Trong khi ký hiệu nhựa tái chế (tam giác tạo bởi ba mũi tên) vẫn giữ nguyên trên các sản phẩm nhựa, thì những con số hay chữ nằm giữa hình tam giác là cách nhận biết các loại nhựa. Những thông tin dưới đây sẽ cung cấp cho bạn ý nghĩa ký hiệu, ví dụ và cách tái chế các loại nhựa này.
Nhựa PET (PETE): #1
Nhựa PET hay PETE (polyethylene terephthalate) là loại nhựa phổ biến nhất được sử dụng để làm chai, bình nước dùng một lần do giá thành rẻ, nhẹ, dễ tái chế và không khiến sản phẩm bị hư hỏng, rò rỉ. Tỷ lệ tái chế loại nhựa này tương đối thấp (khoảng 20%), mặc dù nhu cầu về nguyên vật liệu nhựa là rất cao.
- Có thể tìm thấy ở các sản phẩm: chai bình chứa đồ uống có ga, hộp đựng sốt cà chua, chai bia, bình nước súc miệng, hộp bơ đậu phộng, gia vị salad, dầu thực vật,...
- Cách tái chế: tái chế theo chương trình tái chế hộ gia đình (các thùng rác phân loại sẽ được đặt ở khu vực dân cư sinh sống).
- Sản phẩm sau tái chế: vải nỉ, sợi vải, túi tote, nội thất, thảm, ván ép, dây đai, chai và đồ chứa thực phẩm (miễn là nhựa tái chế đạt tiêu chuẩn vệ sinh và sạch sẽ, không dính các chất gây ô nhiễm).
Nhựa HDPE: #2
Nhựa HDPE (có mật độ polyethylene cao) là một loại nhựa đa năng được dùng nhiều trong các sản phẩm khác nhau, đặc biệt là bao bì. Tương tự như nhựa PET, nhựa HDPE không gây nguy hiểm và có thể tái chế thành nhiều sản phẩm khác nhau.
- Có thể tìm thấy ở các sản phẩm: bình sữa, chai nước ép, chất tẩy và các sản phẩm tẩy rửa gia dụng khác; bình đựng xà phòng, rác và túi mua hàng; bình chứa dầu xe máy; hộp bơ, sữa chua, bao nhựa đựng ngũ cốc.
- Cách tái chế: tái chế theo chương trình tái chế hộ gia đình.
- Sản phẩm sau tái chế: bình đựng chất tẩy áo quần, bút, thùng chứa tái chế, gạch lát sàn, ống thoát nước, ván gỗ, ghế dài, nhà cho thú cưng, bàn dã ngoại, hàng rào, chai dầu gội.
Nhựa V (PVC): #3
Nhựa V (vinyl) hay còn gọi là nhựa PVC (polyvinyl clorua) rất chắc chắn và chống chịu thời tiết, vì vậy chúng được sử dụng để làm ống nước, ván nhựa vinyl bảo vệ nhà cửa và sản phẩm tương tự khác. Nhựa PVC có chứa clorua nên có thể thải ra một lượng lớn chất dioxin có hại, và việc đốt PVC sẽ thải độc tố ra ngoài môi trường.
- Có thể tìm thấy trong các sản phẩm: chai dầu gội, dầu ăn; bao bì (vỉ thuốc), ván vinyl, cửa sổ, ống nước, vỏ nhựa cách điện.
- Cách tái chế: khó tái chế, tuy nhiên một số cơ sở ván ép thu nhận loại nhựa này.
- Sản phẩm sau tái chế: Bàn, vách ngăn phòng, tấm chắn bùn bánh xe, lề đường, sàn nhà, dây cáp, gờ giảm tốc, thảm nhựa.
Nhựa LDPE: #4
Nhựa LDPE (mật độ polyethylene thấp) là loại nhựa ứng dụng nhiều trong cuộc sống và đang dần được thu nhận để tái chế nhiều hơn so với trước đây.
- Có thể tìm thấy trong các sản phẩm: chai mềm, bao bì bánh mì, thực phẩm đông lạnh; sản phẩm chứa chất hóa học dùng trong giặt khô, túi mua sắm; túi tote; nội thất.
- Cách tái chế: nhựa LDPE ít được thu nhận ở các địa điểm tái chế hộ gia đình. Túi mua sắm bằng nhựa sẽ được trả lại cho các cửa hàng để tái chế.
- Sản phẩm sau tái chế: túi và thùng đựng rác, thùng rác hữu cơ, phong bì, vách ngăn, ván ép, vách ngăn cách sân vườn, cảnh quan; gạch lát sàn.
Nhựa PP: #5
Nhựa PP (polypropylene) có khả năng chịu nhiệt cao nên được dùng làm các hộp đựng thực phẩm, chất lỏng có nhiệt độ cao. Loại nhựa này hiện nay đang dần được tái chế nhiều hơn so với trước đây.
- Có thể tìm thấy trong các sản phẩm: hộp đựng sữa chua, sirô; chai, lọ y tế, nắp nhựa và ống hút.
- Cách tái chế: Tái chế theo chương trình tái chế hộ gia đình.
- Sản phẩm sau tái chế: đèn tín hiệu, dây cáp ắc quy, chổi nhựa, hộp ắc quy tự động, máy cạo băng (tuyết), đá ngăn khuôn viên vườn, giá để xe đạp, dụng cụ cào đất, thùng rác, tấm phản (giường), khay nhựa.
Nhựa PS: #6
Nhựa PS là loại nhựa nhẹ, rẻ, dễ tạo hình có mặt trong các sản phẩm cứng hoặc xốp. Styrofoam là một loại nhựa PS mềm nhẹ, màu trắng được dùng để giữ nhiệt. Thức ăn chứa trong nhựa PS sẽ tiếp xúc với chất gây ung thư styrene - đơn vị cấu thành polyme có trong nhựa. Các nhà môi trường từ lâu đã lo ngại về loại nhựa này bởi chúng rất khó tái chế và hiện hữu ở khắp nơi trên thế giới. Hầu hết mọi dịch vụ tái chế đều không chấp nhận nhựa PS dạng xốp bởi không khí chiếm tới 98% thành phần nhựa.
- Có thể tìm thấy ở các sản phẩm: đĩa và ly dùng một lần, khay thịt, hộp trứng, hộp chứa thực phẩm/đồ uống mang đi, hộp thuốc giảm đau aspirin, đĩa CD.
- Cách tái chế: tái chế theo chương trình tái chế hộ gia đình.
- Sản phẩm sau tái chế: vật liệu cách nhiệt, tấm chuyển đổi ánh sáng, hộp trứng, cửa sổ thông hơi, thước kẻ, bao bì bằng xốp, hộp đựng.
Các loại nhựa khác #7
Các loại nhựa không phù hợp với sáu mục phân loại và tái chế trên sẽ được gộp chung vào nhóm ký hiệu số #7 (polycarbonate). Đây là loại nhựa khiến nhiều người lo lắng bởi chúng có nguy cơ làm rối loạn hoóc môn cơ thể. Nhựa PLA (polylactic acid) là nhựa sinh học làm từ thực vật (ví dụ như bắp ngô) nên có thể phân hủy được và thân thiện với môi trường hơn so với các loại nhựa khác nằm trong danh mục tổng hợp này.
- Có thể tìm thấy ở các sản phẩm: các thùng nước có thể tích từ 10 - 20 lít, vật liệu chống đạn, kính râm, đĩa quang DVD, iPod, vỏ máy tính, biển hiệu, màn hình, hộp chứa thực phẩm và bao bì ni lông.
- Cách tái chế: Nhựa thuộc danh mục #7 trước đây không được tái chế, tuy nhiên một vài dịch vụ đang bắt đầu thu nhận để tái chế chúng.
- Sản phẩm sau tái chế: ván ép nhựa, sản phẩm làm theo yêu cầu.
Hiện nay các sản phẩm tiêu dùng đựng trong hộp nhựa, bao bì nhựa đều có các ký hiệu phân loại nhựa, giúp quá trình phân loại và tái chế trở nên thuận tiện hơn. Bên cạnh thức ăn thừa, nhựa cũng là một lượng rác thải khổng lồ mà chúng ta cần xử lý đúng cách để môi trường không bị ô nhiễm nặng nề. Nhựa có thành phần rất khó phân hủy, phải mất đến hàng chục hay hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy một chai nhựa hay nắp nhựa, do đó người tiêu dùng nên mua hàng có chọn lọc và phân loại các loại nhựa sau khi sử dụng xong để góp phần bảo vệ trái đất.