Chờ...

5 nhóm điểm mới nổi bật của Luật Đất đai sửa đổi

VOH - Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hàng trăm điểm mới, đặc biệt có 5 nhóm điểm mới tác động trực tiếp đến đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều - đã thể chế các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 18 của Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Quốc hội biểu quyết thông qua
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: QH

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp báo về một số điểm mới khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh tới 5 nhóm điểm mới.

Thứ nhất, các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân, như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư, sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất, thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp, ví dụ nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, tự động gia hạn đối với đất nông nghiệp…  

Thứ hai, liên quan đến việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp và người dân, có nhiều quy định ở điều 79 được thiết kế cho việc thu hồi đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, an ninh quốc phòng; quỹ đất, quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là với lĩnh vực có tính chất xã hội - y tế, giáo dục, văn hoá … ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường. Các quy định rất cụ thể, chi tiết.

Thứ ba, về nâng cao hiệu quả sử dụng đất, dự luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất…  

Thứ tư, về tài chính đất đai, Luật có một số chính sách để ổn định tiền thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất; quy định về giá đất, tách bạch giá đất và chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất...  

Thứ năm, về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý đất đai, cắt giảm thủ tục hành chính, Luật hướng tới tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dữ liệu đất đai để phục vụ cho đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ chế giải quyết tranh chấp, vai trò trọng tài thương mại; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong một số trường hợp chưa có giấy về đất... 

Cùng với đó, huy động sự tham gia giám sát của người dân, tổ chức chính trị, xã hội vào quá trình xây dựng và thực thi luật ở mọi công đoạn. Về chủ trương đánh thuế đối với người có nhiều đất, nhà ở, vấn đề này không thuộc điều chỉnh của Luật Đất đai mà ở lĩnh vực thuế, nhưng cá nhân ông cho rằng nên tính toán để làm tăng thêm hiệu quả sử dụng đất đai.