Nước sạch chưa đến với người dân nông thôn

(VOH) - “Tình hình cung cấp nước sạch tại huyện Hóc Môn và Quận 12 còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là địa phương chưa sâu sát với đời sống nhân dân để có giải pháp hiệu quả’

Đây là nhận xét của Phó chủ tịch UBND TPHCM – ông Nguyễn Hữu Tín trong buổi khảo sát thực tế tình hình sử dụng nước sạch ở nông thôn, trong ngày 7/11, tại huyện Hóc Môn và Quận 12 .

Qua báo cáo của các địa phương, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn đều trên 90%. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế, con số này lại rất thấp. Đa số hộ dân, cơ sở sản xuất là sử dụng nước giếng khoan. Nước được lấy ở tầng nước ngầm sâu hơn 30m và bơm lên bồn chứa, lọc bằng than hoạt tính trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng chỉ đảm bảo để tưới cây, vệ sinh ao vườn chứ không dùng nấu ăn và uống.

Chị Phạm Kim Luôn, thị trấn Hóc Môn :"Dùng nước giếng cũng hơn 10 năm rồi. Nước uống, nước sinh hoạt thì dùng Aquafina, ở đây nhà nào cũng dùng giếng khoan và ai cũng ước ao có nguồn nước sạch để xài cho hợp vệ sinh". Hơn thế, có những hộ nguồn nước sử dụng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn rất nặng. Nguồn nước đã gây các bệnh về da như: viêm, ngứa..Nhiều gia đình phải đi mua những loại nước lọc can 20 lít với giá khá cao. Gia đình chị Lê Thị Ngọc Sơn, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn bình quân một tháng phải chi hơn 100.000 đồng cho tiền nước chỉ dành riêng để nấu ăn và uống. "Nước giếng mới bơm lên thì trong, để khoảng nửa tiếng sau thì chuyển sang màu đỏ. Khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ sau là nó nhớt nhớt, rờ vào tay mình giống như dính dầu. Phải xả nước trong lên để tắm đỡ, nếu nước vàng quá phải đổ bỏ hết. Sử dụng nước này chồng em bị ngứa, gãi, xức thuốc hoài mà không hết, con cũng bị vậy. Em thì bị lở tay, ngứa chân là do xài nước này."

Ông Hồ Văn Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cấp nước Sài Gòn - Sawaco cho biết hiện Tổng công ty đang phối hợp với huyện Hóc Môn xây dựng 1 số trạm cấp nước cải thiện nguồn nước sạch cho người dân. Đối với quận 12: do đây là địa bàn rộng lại mới được nâng cấp từ nông thôn lên nên việc cung cấp nước sạch cho người dân còn chậm trễ. Tổng công ty sẽ tập trung từ đây đến cuối năm sẽ cấp nước sạch cho 60% tổng hộ dân nơi đây và đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành 100%.

Nhiều người dân ở quận 12, phải sử dụng nước sạch thông qua bồn chứa do SAWACO cung cấp - Ảnh: NLĐO.

Trước tình hình thực tế như thế, Phó chủ tịch UBND TPHCM – ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các địa phương, ngành chức năng ngay lập tức phải có biện pháp giải quyết, hướng dẫn, cảnh báo, cải thiện nguồn nước sạch cho người dân. Chính quyền địa phương cần quan tâm sâu sát đến đời sống nhân dân nhiều hơn, phải đến gần dân, tiếp xúc nhiều với dân để hiểu được cuộc sống khó khăn và cùng dân giải quyết khó khăn. Địa phương phải dám nhìn nhận thực tế và báo cáo chính xác, như thế mới có được phương án giải quyết hiệu quả. Việc làm trước mắt là rà soát lại địa bàn nào bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, có kế hoạch chi tiết cụ thể ngay trong tuần sau để giải quyết ngay, giải quyết dứt điểm.

Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: "Tập trung làm ở đâu cho dứt điểm ở đó, về cách làm thì chúng ta phải linh hoạt chứ không máy móc. Những địa bàn kéo đường ống nước tốn kém, chưa đạt hiệu quả cao thì xử lý ngay những khu giếng công nghiệp rồi tập trung xử lý nước, đồng thời cung cấp các bồn chứa nước cho các hộ gia đình. Trung tâm y tế dự phòng báo cáo kế hoạch hướng dẫn tuyên truyền cho người dân và kiểm tra mẫu thế nào".

Ngoài ra, UBND quận huyện cũng phải tăng cường kiểm tra giám sát để nắm chắc địa bàn kịp thời phát hiện, hướng dẫn xử lý và khuyến cáo cho bà con. Phải vận động người dân sử dụng nước sạch , xử lý nghiêm đối với những đối tượng không chấp hành. Đặc biệt cần vận động, kêu gọi việc xã hội hóa trong việc cung cấp và khai thác giếng khoan công nghiệp cho người dân.

Tuần sau, Phó chủ tịch UBND TPHCM – ông Nguyễn Hữu Tín sẽ trực tiếp nghe báo cáo kế hoạch triển khai thực tế của các đơn vị.