"Nếu người dân chưa tin đó là lỗi của chúng tôi !"

(VOH) - Liên quan đến gần 17.000 liều vắc xin dịch vụ Pentaxim về TPHCM, những ngày qua, một số nơi khi triển khai tiêm cho trẻ bắt đầu có hiện tượng quá tải, gây không ít phiền hà cho phụ huynh lẫn cơ sở y tế.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trước áp lực tại các điểm tiêm, chiều 28/12/2015, Sở Y tế TP bắt đầu triển khai đăng kí tiêm chủng dịch vụ qua tổng đài 1080. Mục tiêu để giảm bớt phiền hà cho người dân và giảm quá tải cho cơ sở y tế.

Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi với Phó giám đốc Sở Y tế - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan về việc quản lý, hoạch định cũng như trách nhiệm của ngành y tế để xảy ra "khủng hoảng" vắc xin dịch vụ thời gian qua.

VOH: Trong vài ngày qua, chúng ta thấy độ "nóng" của vắc xin dịch vụ tại một số điểm tiêm của TPHCM. Qua giám sát, bà đánh giá cụ thể như thế nào ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Phụ huynh đưa con đến xếp hàng từ sáng sớm là quá phiền hà và đối mặt với nhiều nguy cơ. Qua một vòng thị sát, chúng tôi nhận thấy nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo nhau của các cháu rất là lớn.

Vậy nên Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế quyết định hợp tác với tổng đài VNPT để lấy thứ tự tiêm chủng. Người dân có thể ở nhà và gọi tổng đài 1080 để đăng kí, người dân có quyền đề xuất địa điểm chích sao cho phù hợp nhất.

Tổng đài cũng liên hệ chặt chẽ với Sở Y tế để nắm lượng vắc xin còn tồn cũng như khả năng của mỗi cơ sở y tế. Ngày 30/12 toàn bộ các điểm tiêm chủng sẽ tiến hành đồng loạt để giảm áp lực.

Tôi nói rất may là người dân có ý thức, để không xảy ra chen lấn, xô đẩy phức tạp. Nhưng để người dân phải xếp hàng, con trẻ phải nằm la liệt.. đây là lỗi rất lớn của ngành và chúng tôi xin lỗi tất cả người dân về vấn đề này.

VOH: Việc phân phối sẽ như thế nào để tránh dồn số lượng lớn về một vài cơ sở ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Hàng năm chúng ta đều thiếu. Trong thẩm quyền của Sở, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở phải hết sức lưu ý dự trù để khi công ty sản xuất và nhà phân phối đưa hàng về là làm đúng đơn hàng. Do đó, với gần 17.000 liều vắc xin lần này TPHCM có phân bổ cụ thể theo các đơn vị đã dự trù.

Viện Pasteur nhận được số lượng lớn nhất, 5.000 liều và theo chỉ đạo của Bộ Y tế, không phân biệt cơ sở đó trực thuộc Bộ hay Sở Y tế, tất cả đều phục vụ đảm bảo giá và an toàn.

VOH: Tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim 5 trong 1 không chỉ tiêm 1 liều mà phải duy trì 3 liều liên tục cách nhau một tháng, riêng liều thứ 4 nhắc lại khi trẻ trên 18 tháng. Thông tin mới đây từ Cục quản lý dược khẳng định thời gian tới, không chắc sẽ có vắc xin dịch vụ thì liệu chăng ở đây sẽ có lãng phí lớn với những trẻ chỉ tiêm có một liều và tiếp tục chờ đợi vắc xin dịch vụ. Quan điểm bà như thế nào ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Đây là một câu hỏi rất khó vì tôi rất thông cảm và chia sẻ với sự lo lắng của phụ huynh và luôn muốn tìm cái gì đó an toàn nhất cho con mình. Cho nên, chúng ta phải hết sức cân nhắc, trong tình huống xấu thì nên chọn cái ít xấu nhất.

Vì số lượng vắc xin về còn ít, chưa được như mong muốn thì chúng tôi có điều tiết trong đăng kí để làm sao những bé đã tiêm mũi trước thì được liên tục, vì tiêm vắc xin mà không tạo được miễn dịch thì lãng phí rất lớn.

Tôi xin nhắc lại về mặt bản chất những vắc xin này đều có tác dụng và hạn chế nên phải hết sức cẩn thận. Nguy cơ sẽ giảm thiểu nếu chúng ta cẩn thận và tuân thủ theo đúng quy trình. 

VOH: Trong "khủng hoảng" vắc xin này liệu có cơ chế nào khác để tình hình nhập vắc xin dịch vụ sẽ dễ thở hơn ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Đây là câu trả lời dành cho Cục quản lý dược nhưng là một người tham gia quản lý ngành, đây cũng là trách nhiệm của địa phương. Phải nói là trong năm qua, chúng tôi đã thấy tình hình thiếu vắc xin này. 

Chúng tôi họp các công ty cung ứng vắc xin để tìm hiểu. Tôi nghĩ trong một chừng mực nào đó, TPHCM phải chủ động đi tìm nguồn cung ứng vắc xin.

Đây cũng là bài học về hoạch định chính sách và lập kế hoạch. Khi dư luận chưa an tâm về Quinvaxem thì nhu cầu vắc xin dịch vụ là chính đáng và nhiệm vụ của chúng tôi thỏa mãn nhu cầu đó trong thời gian tới. Tôi nghĩ cái chính vẫn là chính sách chung của Bộ Y tế. Chắc chắn qua vấn đề này có rất nhiều bài học, phải chủ động hơn, không phó mặc cho thị trường.

Vì sao ở Việt Nam thiếu mà những nước khác không thiếu. Vì người ta có hoạch định và có đặt hàng tốt. Nhưng trên tất cả phải xem lại việc tuyên truyền của ngành, những minh chứng khoa học, về an toàn của vắc xin tiêm chủng mở rộng.

Tôi nghĩ tất cả được chứng minh bằng con số, rõ ràng ! Với phụ huynh, sức khỏe và sự an toàn của con mình là trên hết và những thông tin chỉ được đưa một chiều hay chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó thì phụ huynh không phải là người trong chuyên môn để phân biệt một cách rõ ràng nhất, cũng như giữ được bình tĩnh.

Rất mong báo chí cùng chúng tôi làm sao sự thật vẫn là sự thật còn thời gian tới trách nhiệm chính vẫn thuộc về ngành. Chỉ có chúng tôi mới được học về chuyên môn và làm cho người dân hiểu và tin. Nếu người dân chưa tin đó là lỗi của chúng tôi.

VOH : Cảm ơn bà.