Nghe toàn bộ bài viết:
Chúng tôi đến khu phố 2, phường 9, quận Gò Vấp vào buổi sáng một ngày giữa tháng 10. Nhiều năm trước, đây là thời gian hết sức khó khăn cho người dân trong đi lại. Mỗi khi mưa xuống, những con hẻm ngoằn ngoèo kéo dài lại ngập nước. Các học sinh tiểu học ở trường Lam Sơn phải băng qua đường Phạm Văn Chiêu đông đúc xe cộ. Thế nhưng giờ đây đón chúng tôi là những con hẻm khang trang rộng rãi, sạch đẹp, góp phần giải tỏa áp lực giao thông từ những con đường lớn Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Cây Trâm….
Đường liên khu phố 2-3 (phường 9, quận Gò Vấp) - Ảnh: T.V
Khoảng 1000 m2 đất được nhân dân phường 9 hiến đất làm đường mà theo thời giá gần 10 tỷ đồng. Gần 200 hộ trong phường tham gia hiến đất, góp ngày công để mở rộng, xây dựng đường trong năm. Những con số rất ấn tượng về phong trào hiến đất mở đường. Bà Nguyễn Thị Quang - Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 2, P.9 Q. Gò Vấp tự hào : "Sau khi các con đường này đi vào sử dụng, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Trước đây bà con phải đi vòng từ khu phố 2, qua khu phố 3 rồi vòng qua hẻm 380, thêm vào đó giờ tan tầm, công nhân từ nhà máy giày Huy Phong tan ca, người đi chợ... làm giao thông rất khó khăn.Các con đường này đã góp phần giải tỏa ùn tắc ở khu vực nhà thờ và chợ tạm Thạch Đà".
Đứng đầu danh sách với hơn 130m2 đất hiến tặng làm đường là gia đình ông Nguyễn Văn Thuần. Giá trị số đất mà ông hiến theo giá thị trường lên đến hàng tỷ đồng. Điều bất ngờ hơn cả là khi chúng tôi đến ngôi nhà số 338/20 Phạm Văn Chiêu, trên phần đất còn lại của gia đình ông là 1 mái nhà cấp 4 giản dị, không có cả gạch lát nền, đồ đạc đa phần đều cũ kỹ. Trang trọng ở phòng khách là 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương lao động đã ngả vàng đề tên liệt sĩ Nguyễn Văn Thọ - em trai ông Nguyễn Văn Thuần. "Nhà tôi chỉ có 2 anh em. Em tôi đã hy sinh ở chiến trường Campuchia, hiến thân xác cho đất nước. Khi kêu gọi Nhà nước và nhân dân cùng làm, tôi nghĩ anh em tôi đã hy sinh 1 người cho tổ quốc huống chi là đất này. Đất không thể tạo ra con người nhưng con người có thể tạo ra bao nhiêu đất". Điều ông Thuần mong mỏi nhất là tuyến hẻm mới được gắn biển, hợp thức hóa để thuận lợi cho bà con trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Thuần và bằng khen hiến đất - Ảnh: T.V.
Ở tuyến hẻm 100 đường số 3, khó ai ngờ rằng con đường rộng rãi với những dãy nhà khang trang trước kia là một đoạn đê nhỏ, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt. Thành quả hôm nay là sự đóng góp tạo dựng của nhiều hộ dân với số tiền hàng trăm triệu đồng làm đường. Ông Nguyễn Đăng Thường – ngụ ở số nhà 100/57 đường số 3, phường 9, quận Gò Vấp nhớ lại : "Trước chỉ có mười mấy gia đình sinh sống. Sau này bà con góp mỗi người 3 mét đất làm đường. Lúc đó con đường nhỏ, hai bên là đường thoát nước. Sau này Nhà nước vận động, nhân dân cùng làm, mở đường nhựa sạch sẽ đi lại dễ dàng hơn. Thế rồi bàn nhau để bà con tự quản, tự làm - Nhà nước hỗ trợ pháp lý. Từ vài căn nhà, bây giờ nhà cửa san sát nhau, đời sống nâng cao, phát triển nên 1 khu phố như bây giờ".
Tuyến hẻm 100 (phường 9, quận Gò Vấp) - Ảnh: T.V
Có những thay đổi đó, bên cạnh sự đồng thuận của người dân, phải kể đến quyết tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của các thành viên dân vận của phường, khu phố. Bà Nguyễn Thị Quang – Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 2, gần 70 tuổi, ban ngày ở Gò Vấp chăm cháu ngoại, tối về tận quận 12 trông cháu nội cùng người con trai bị tai nạn. Bận bịu nhưng bà vẫn cùng với cấp ủy, chi bộ vẫn kiên trì thuyết phục có khi đến tận 23 giờ để người dân thấy ý nghĩa của công trình. Nhiều hộ ban đầu còn phản đối sau lại chủ động tham gia hiến đất nhiều nhất.
Những nhân vật mà chúng tôi gặp chỉ là những người dân bình thường. Ở nơi “tấc đất-tấc vàng” nhưng tấm lòng của họ còn đáng trân quý hơn vàng. Đó là minh chứng rõ ràng cho sự đoàn kết, thống nhất một lòng để mở lối cho những con đường “Ý Đảng – Lòng dân”, góp phần xây dựng một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.