Ăn ốc có tác dụng gì? Gợi ý cách chọn ốc ngon và dùng an toàn

(VOH) - Nhắc đến ốc có lẽ sẽ khiến bạn nghĩ ngay tới vô vàn món ngon hấp dẫn để ‘nhâm nhi’ trong các buổi liên hoan gặp mặt. Thế nhưng ăn ốc có tác dụng gì với sức khỏe thì chưa hẳn ai cũng biết đâu!

Có thể nói rằng các loại ốc dường như đã trở thành một nguyên liệu ẩm thực cực kì quen thuộc với người Việt, thậm chí dù ăn vào mùa nào trong năm đều rất phù hợp và hỗ trợ cải thiện khá nhiều vấn đề sức khỏe. Cùng tìm hiểu thêm về nguyên liệu dân dã này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Tìm hiểu các loại ốc ăn được phổ biến

Thế giới của các loại ốc luôn khiến chúng ta phải bất ngờ bởi sự đa dạng và phong phú, chúng được tìm thấy ở cả môi trường nước mặn lẫn nước ngọt, thường vùi trong bùn lầy hoặc cát. Tuy nhiên cần lưu ý chọn mua những loại ốc có thể ăn được, tránh mua nhầm các loại có chứa nhiều độc tính gây hại.

Dưới đây là một số loại ốc ăn được khá phổ biến mà nhiều người yêu thích:

an-oc-co-tac-dung-gi-goi-y-cach-chon-oc-ngon-va-dung-an-toan-voh-0
Các loại ốc ăn được phổ biến (Nguồn: Internet)

2. Ăn ốc có tác dụng gì với sức khỏe?

Thịt ốc giòn giòn, ngọt ngọt không chỉ góp phần tạo nên hương vị món ăn thơm ngon mà còn đem tới cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu. Vì thế nếu biết chế biến ốc đúng cách cũng như ăn với hàm lượng hợp lý, bạn sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời này:

2.1 Củng cố xương chắc khỏe

Theo phân tích dinh dưỡng, phần lớn các loại ốc đều được đánh giá là thực phẩm chứa hàm lượng khoáng chất vô cùng dồi dào, nhất là canxi (trung bình trong 100g thịt ốc có hơn 1000mg canxi). Lượng khoáng chất khi vào cơ thể sẽ trở thành yếu tố then chốt trong quá trình hình thành tế bào xương mới và tăng mật độ khoáng xương, từ đây củng cố xương chắc khỏe, dẻo dai.

Xem thêm: Danh sách 16 loại thực phẩm giúp bổ sung canxi cho xương khỏe

2.2 Giải nhiệt cơ thể

Hầu hết các loại ốc thường có tính hàn, ngọt mát nên rất thích hợp để dùng làm nguyên liệu cho các món ăn bài thuốc giải nhiệt cơ thể hữu hiệu.

2.3 Ngăn ngừa thiếu máu

Lựa chọn thêm các món ăn từ ốc vào thực đơn sẽ giúp bạn chủ động bổ sung thêm khoáng tố sắt cho cơ thể. Theo đó, dưỡng chất này chính là thành tố quan trọng tham gia sản sinh các tế bào hồng cầu trong máu, duy trì hoạt động vận chuyển oxy tới tế bào, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh thiếu máu.

2.4 Tốt cho tim mạch

Nhờ có hàm lượng axit béo omega-3 tương đối lớn nên ốc cũng được xếp vào nhóm thực phẩm khá lành mạnh với sức khỏe tim mạch. Hấp thu đủ lượng omega-3 sẽ giúp giảm hình thành mảng bám cholesterol xấu ở thành mạch, thúc đẩy dòng luân chuyển máu tới tim và bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

Xem thêm: 19 thực phẩm tốt cho tim mạch nên ăn ngay từ bây giờ

2.5 Cải thiện thị lực

Các loại ốc cũng là một trong những nguồn cung cấp vitamin A tự nhiên rất quý giá. Nhóm vitamin này góp phần không hề nhỏ để tạo ra sắc tố ở võng mạc mắt, đồng thời hỗ trợ bảo vệ giác mạc và kết mạc, giúp duy trì thị lực thật tốt.

an-oc-co-tac-dung-gi-goi-y-cach-chon-oc-ngon-va-dung-an-toan-voh-1
Vitamin A trong ốc rất tốt cho mắt (Nguồn: Internet)

2.6 Cung cấp protein

Có thể bạn chưa biết rằng hàm lượng protein mà các loại ốc mang lại gần như tương đương trong thịt lợn (thịt heo) hay thịt bò, cụ thể 100g thịt ốc cung cấp khoảng 18g protein. Đặc biệt, tuy chứa lượng lớn protein song ốc là thực phẩm “nghèo” chất béo nên sẽ giúp bạn bổ sung năng lượng mà không lo tăng cân khi ăn.

Xem thêm: 9 chức năng của protein và nhu cầu hàng ngày của cơ thể

2.7 Phòng chống ung thư

Không chỉ đem tới lượng lớn khoáng chất canxi, nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy trong thịt ốc còn chữa hai vi chất quý gồm selen và kẽm. Theo đó, hai dưỡng chất này đều có đặc tính ức chế hoạt động của gốc tự do, giảm các tổn thương lên tế bào và tạo “rào chắn” phòng chống ung thư hiệu quả.

3. Bà bầu ăn ốc được không?

Ốc là nguyên liệu món ăn không quá đắt đỏ hay khó tìm kiếm nhưng để bổ sung vào thực đơn dưỡng thai của các mẹ bầu thì nên tìm hiểu kĩ lưỡng.

Thực tế cho tới nay, với bà bầu đã trải qua 3 tháng đầu của thai kì và thèm ăn ốc thì hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Song các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến cáo rằng mẹ bầu phải ăn ốc đã được làm sạch và chế biến chín, tuyệt đối không ăn các món sống.

Nếu thực hiện đúng những lưu ý an toàn trên, ăn ốc sẽ đem tới nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ như:

  • Giảm đau nhức xương khớp
  • Phòng chống thiếu máu thai kì
  • Kiểm soát cân nặng ổn định
  • Hạn chế rủi ro thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh

Xem thêm: Bà bầu ăn ốc được không? Ăn bao nhiêu và từ tháng thứ mấy?

4. Hướng dẫn cách chọn ốc ngon

Như đã chia sẻ, thật khó để liệt kê và nêu đầy đủ tên của các loại ốc ăn được, nhưng có lẽ chính nhờ sự đa dạng ấy mà bất cứ mùa nào trong năm chúng ta đều có thể tìm mua ốc để chế biến hàng loạt món ngon độc đáo. Và nếu muốn lựa được những con ốc tươi ngon, giòn ngọt, cùng “bỏ túi” một vài mẹo nhỏ cực kì đơn giản dưới đây nhé:

  • Không nên chọn ốc có mùi khó chịu, bởi khả năng cao là ốc đã được bắt lên lâu ngày, không còn tươi hoặc đã chết.
  • Có thể dùng tay chạm trực tiếp vào miệng ốc, nếu ốc tụt nhẹ vào phía trong thì ốc còn sống và tươi ngon.
  • Thả ốc vào chậu nước, thấy ốc nổi lên nhưng miệng úp xuống dưới và trôn ốc quay lên trên thì tránh chọn chúng bởi có thể ốc đã chết.
  • Nên tìm hiểu mùa sinh sản của từng loại ốc để lựa mua đúng thời điểm, khi đó giá thành không quá cao và thịt ốc cũng sẽ giòn ngọt hơn.

5. Gợi ý một số món ngon từ ốc

Nói đến ốc, chắc hẳn bạn sẽ nhớ tới “hằng hà sa số” món ăn vừa lạ vừa ngon từ nguyên liệu ẩm thực thân quen này.

an-oc-co-tac-dung-gi-goi-y-cach-chon-oc-ngon-va-dung-an-toan-voh-2
Rất nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn từ ốc (Nguồn: Internet)

Những món ngon từ ốc vốn có công đoạn chế biến không quá cầu kì, chủ yếu kết hợp từ các thành phần đơn giản, dễ tìm, vì vậy nếu muốn cải tiến thực đơn thì hãy thử tham khảo một số gợi ý sau xem sao nhé:

  • Ốc móng tay xào rau muống
  • Ốc móng tay hấp sả gừng
  • Bún ốc
  • Ốc bươu nhồi thịt
  • Ốc bươu nướng tiêu
  • Ốc bươu xào sả ớt
  • Ốc hương xào dừa
  • Ốc nhồi xào nấm hương

Bên cạnh đó, bạn đừng quên rằng trước khi bắt tay chế biến, phải tiến hành công đoạn ngâm rửa và làm sạch ốc. Lời khuyên là nên ngâm ốc trong nước vo gạo hoặc nước có thêm giấm, ớt tươi khoảng 1 tiếng để ốc nhả hết nhớt và chất bẩn, đồng thời loại bỏ kí sinh trùng, giun sán.

Xem thêm: Chưa biết ốc nấu gì ngon sao không thử 18 món độc đáo này!

6. Những lưu ý an toàn cần biết khi ăn ốc

Để hấp thu hiệu quả nguồn dưỡng chất từ các loại ốc và hạn chế nguy cơ gặp phải những rủi ro sức khỏe, bạn nên thực hiện các lưu ý an toàn dưới đây:

6.1 Không ăn quá nhiều ốc

Dù các món ngon từ ốc rất hấp dẫn nhưng bạn không nên ăn quá nhiều ốc liên tục trong nhiều bữa. Tốt nhất hãy kết hợp đa dạng nhiều thực phẩm trong khẩu phần ăn, chỉ nên ăn khoảng 1 – 2 bữa ốc trong tuần, mỗi lần ăn từ 300 – 500g thịt ốc là hợp lý, nhằm tránh bị đầy bụng khó tiêu.

Xem thêm: Khi ăn hải sản bạn tuyệt đối không nên ăn những phần này

6.2 Hạn chế ăn ốc khi có thể trạng hư hàn

Trường hợp bạn thuộc đối tượng có thể trạng hư hàn, thường bị lạnh bụng hoặc mắc chứng tiêu chảy thì nên hạn chế ăn ốc. Ngoài ra trong quá trình chế biến ốc, nên kết hợp với các nguyên liệu có tính ấm như gừng hay sả để cân bằng hương vị.

an-oc-co-tac-dung-gi-goi-y-cach-chon-oc-ngon-va-dung-an-toan-voh-3
Người có thể trạng hư hàn nên hạn chế ăn các món từ ốc (Nguồn: Internet)

6.3 Một số thực phẩm không ăn cùng ốc

Ốc có thể được dùng để “biến tấu” thành vô vàn món ăn song không phải là nguyên liệu quá “dễ tính” bởi chúng đại kị một số thực phẩm dưới đây:

  • Thịt bò: Cả ốc và thịt bò đều giàu protein, chất đạm, vậy nên cần tránh chế biến cũng như sử dụng trong cùng một món ăn.
  • Thực phẩm sống: Ốc vốn có tính hàn và không thích hợp đi chung cùng nhóm thực phẩm có thể ăn sống như gỏi cá, nộm rau củ,…
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Sau khi dùng các món ăn từ ốc, bạn đừng vội ăn thêm trái cây hay các loại rau giàu vitamin C bởi rất dễ bị rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.

Chắc hẳn với những thông tin về nguồn dinh dưỡng cùng lợi ích sức khỏe mà ốc đem lại cho cơ thể trên đây bạn đã phần nào hiểu hơn về nguyên liệu ẩm thực gần gũi nhưng bổ dưỡng này rồi đúng không nào. Lên thực đơn và bắt tay chế biến các món ngon từ ốc ngay thôi nhỉ!