Ăn táo giàu chất sắt có làm táo bón không?

VOH- Khi ăn táo nên uống đủ nước để tránh táo bón.

Ăn táo có làm cho táo bón không? Liệu táo bị oxy hóa và chuyển sang nâu vàng khi gọt sạch vỏ táo và cắt thành từng miếng có liên quan gì đến chất sắt trong trái táo không?

Táo là một trong những loại trái cây phổ biến trong cuộc sống hàng ngày nhưng nhiều người cho rằng ăn táo sẽ gây táo bón. Táo có tác dụng hỗ trợ đại tiện hay làm cho táo bón? Mời mọi người cùng VOH tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

an-tao-
Khi ăn táo nên uống nhiều nước giúp phân mềm hơn tránh bị táo bón - Ảnh TVBS

Táo rất giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan trong nước

Đặng Kiệt, bác sĩ nhi khoa người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, trong hầu hết các trường hợp, ăn táo sẽ hỗ trợ dẽ đi đại tiện. Táo rất giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan trong nước. Trong đó, chất xơ tan trong nước là pectin chủ yếu có trong cùi táo và có thể trộn với nước trong ruột và tạo thành một chất giống như gel, giữ cho phân mềm không bị cứng, có thể giúp đi đại tiện dễ dàng hơn.

Chất xơ tan trong nước (pectin) là một loại chất xơ hòa tan được tìm thấy tự nhiên trong hoa quả. Một số người tin rằng, pectin có thể cải thiện, ngăn ngừa hoặc điều trị các rối loạn tiêu hóa và trao đổi chất.

Còn chất xơ không hòa tan trong nước như cellulose trong táo có thể làm tăng thể tích phân và thúc đẩy nhu động ruột. Đặc biệt táo chín có thể giúp đi đại tiện dễ dàng hơn nếu như mọi người uống đủ nước khi ăn táo.

Tại sao một số người cho rằng ăn táo sẽ gây táo bón?

Bác sĩ Đặng Kiệt giải thích rằng, có thể có một số nguyên nhân gây táo bón khi ăn táo: thứ nhất, uống không đủ nước khi ăn táo. Nếu mọi người ăn táo giàu chất xơ mà không cung cấp đủ nước, chất xơ không tan trong nước có thể hấp thụ hết nước từ ruột, làm cho phân khô và cứng, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.

Vì táo chứa nhiều chất xơ nên nếu không uống đủ nước, chất xơ sẽ không trương nở ra, khiến phân nhỏ hơn và khô cứng hơn, sẽ làm cho táo bón, khó đi đại tiện hơn. Tình trạng táo bón trầm trọng hơn chủ yếu là do cơ thể thiếu nước. Vì vậy, khi ăn táo nên uống nhiều nước hơn.

Thứ hai, thể chất của mỗi người là khác nhau, đối với một số người ăn một số loại thực phẩm nhất định nào đó (chẳng hạn như táo) có thể làm chậm nhu động ruột, đây là tình trạng tiêu hóa và tổng hợp thức ăn bị chậm lại, sẽ gây ra những triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi và táo bón.

Ngoài ra, bác sĩ Đặng Kiệt còn cho biết thêm, trước đây táo rửa sạch gọt vỏ thường được khuyên dùng khi bị tiêu chảy, vì pectin trong cùi táo có thể bảo vệ thành ruột và hấp thụ nước. Ăn táo khi bị tiêu chảy có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiêu chảy, nhưng nói đúng ra, ăn táo sẽ không ức chế nhu động ruột và không làm cho táo bón.

Hàm lượng sắt cao có gây táo bón không?

Bác sĩ Đặng Kiệt cũng làm rõ một hiểu lầm phổ biến là một số người cho rằng táo có nhiều chất sắt và có thể gây táo bón. Bác sĩ giải thích rằng, mặc dù hấp thụ nhiều sắt thực sự có thể dẫn đến táo bón nhưng hàm lượng sắt trong táo thực sự rất thấp, chỉ có 0,1 mg sắt trên 100 gram táo, thấp hơn nhiều so với thanh long ruột đỏ, chứa khoảng 1,44 mg sắt trên 100 gram. Do đó, hàm lượng sắt trong táo không đủ làm cho người ăn bị táo bón.

Táo sau khi rửa sạch cắt thành từng miếng, cùi táo sẽ chuyển sang màu nâu vàng đậm khiến người ta lầm tưởng đó là chất sắt trong táo bị oxy hóa, chứng tỏ rằng táo có hàm lượng sắt rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là quá trình oxy hóa một phần enzyme trên bề mặt và không có gì liên quan đến hàm lượng sắt.

Bác sĩ Đặng Kiệt thẳng thắn cho rằng, táo có thể hỗ trợ chức năng đường ruột bình thường, cải thiện tình trạng táo bón và làm chậm quá trình tiêu chảy (với điều kiện ăn táo đã gọt vỏ với lượng thích hợp).

Bác sĩ Đặng Kiệt khuyến khích, khi ăn táo mọi người nên nhớ uống đủ nước, ăn cả vỏ (rửa sạch), tránh ăn quá nhiều để có thể hỗ trợ đi đại tiện dễ dàng và nên nhớ đến câu “một trái táo mỗi ngày sẽ giúp tránh xa bác sĩ”. 

Bình luận